Phụ thuộc nước ngoài sẽ dẫn đến mất chủ quyền công nghệ

Phụ thuộc nước ngoài sẽ dẫn đến mất chủ quyền công nghệ
5 giờ trướcBài gốc
Tại Hội nghị phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang đã nêu ra những nguy cơ, thách thức về an ninh, an toàn mà Việt Nam hiện đang phải đối mặt.
Theo Bộ trưởng Bộ Công an, sự phụ thuộc khoa học công nghệ nước ngoài dẫn đến mất chủ quyền công nghệ do nghiên cứu ứng dụng, đổi mới khoa học công nghệ của chúng ta chưa đến mức đột phá.
Chúng ta chưa làm chủ được công nghệ chiến lược, công nghệ cốt lõi như bán dẫn, AI, Big Data, công nghệ lượng tử… Nguy cơ chảy máu chất xám, nguy cơ bị đánh cắp sở hữu trí tuệ ngày càng gia tăng”, Bộ trưởng nêu vấn đề.
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang. Ảnh: Nhật Bắc
Nói về thách thức thứ hai, Bộ trưởng Lương Tam Quang cho rằng, đó là hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng số còn nhiều hạn chế. An ninh, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu còn nhiều thách thức.
Số vụ tấn công mạng, đánh cắp dữ liệu nhằm vào các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam và lượng tội phạm kinh tế, công nghệ cao đang ngày càng gia tăng. Trong khi, phần lớn các cơ quan, doanh nghiệp trong nước chưa đủ biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn thông tin.
Thách thức thứ ba là nhu cầu phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao. Theo Bộ trưởng Lương Tam Quang, phải hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, nhưng trong quá trình này, phải tránh gây bất lợi cho Việt Nam.
Không phải chúng ta không quản được thì cấm, chúng ta không cấm, nhưng chúng ta phải có chính sách để làm chủ công nghệ, làm chủ được quá trình khai thác. Có những cái chúng ta phải đặt hàng, phải chỉ định, và chúng ta bảo hộ được quyền đấy”, Bộ trưởng Bộ Công an nêu quan điểm.
Thứ tư là rủi ro về môi trường, xã hội, nhất là nguy cơ ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên trong quá trình sản xuất công nghệ cao, nguy cơ bất ổn xã hội do sự chênh lệch, phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền và nhóm dân cư.
Dưới góc độ an ninh quốc gia, việc phát triển khoa học công nghệ là tất yếu. Đây cũng là thời cơ thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Để tận dụng, tranh thủ tối đa thời cơ, đẩy lùi nguy cơ thách thức, góp phần phát triển đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Bộ Công an đưa ra một số kiến nghị.
Trước hết, cần đầu tư đồng bộ hạ tầng CNTT và chuyển đổi số quốc gia, gắn với bảo vệ dữ liệu và nâng cao năng lực an ninh mạng. Công nghiệp an ninh, đặc biệt là an ninh mạng và dữ liệu lớn, phải trở thành trụ cột, đồng thời gắn kết chặt chẽ với công nghiệp quốc phòng và công nghiệp quốc gia.
Việt Nam phải tập trung nghiên cứu phát triển để làm chủ một số công nghệ lõi, công nghệ chủ chốt bằng cách chủ động đặt hàng nghiên cứu và phát triển, thay vì phụ thuộc vào nhập khẩu.
Bên cạnh đó, Bộ Công an nhấn mạnh sự cần thiết của việc hoàn thiện chính sách bảo đảm an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu và bảo hộ tài sản trí tuệ đối với công nghệ cao.
Nếu không có chính sách bảo vệ mạnh mẽ, các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn khi đưa sản phẩm vào thực tiễn. Việc khuyến khích đổi mới sáng tạo và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ sẽ tạo động lực để doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ hơn vào khoa học công nghệ.
Bộ Công an cũng kiến nghị Chính phủ cần có bước đột phá trong đào tạo và phát triển nhân lực chất lượng cao. Mặc dù số lượng nhân lực công nghệ đã tăng đáng kể, nhưng nếu không có chính sách đột phá sẽ khó đáp ứng nhu cầu thực tế.
Trọng Đạt
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/phu-thuoc-nuoc-ngoai-se-dan-den-mat-chu-quyen-cong-nghe-2370486.html