Các kết quả nghiên cứu cần được thương mại hóa
Theo đó, chiều 11/2, phát biểu tại Hội nghị phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, KHCN chỉ có thể đóng góp vào tăng trưởng kinh tế nếu các kết quả nghiên cứu được thương mại hóa. Để thúc đẩy thương mại hóa thì kết quả nghiên cứu từ ngân sách nhà nước nên thuộc sở hữu của các cơ sở nghiên cứu.
Đồng thời, để kích thích sự sáng tạo của nhà khoa học, kỹ sư thì nên cho họ hưởng một phần, từ 30-50% kết quả thương mại hóa. Nhà nước thì thu lợi từ thuế, công ăn việc làm khi kết quả nghiên cứu được thương mại hóa và tạo ra doanh thu, lợi nhuận.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Viện nghiên cứu nhận tiền từ nhà nước để nghiên cứu dựa trên cơ sở của một hợp đồng nghiên cứu nhưng tiền mà cơ sở nghiên cứu nhận được từ nhà nước để nghiên cứu thì lại phải chi như là tiền ngân sách của một đơn vị hành chính nhà nước, như một cơ quan nhà nước. Cơ quan nhà nước là làm những việc đã biết, đã được định nghĩa. Nghiên cứu là làm việc chưa biết, chưa có, vậy phải theo một cơ chế khác.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, cần để Viện nghiên cứu chi tiền nhận được từ nhà nước để nghiên cứu theo cơ chế chi của doanh nghiệp, cơ chế khoán. Nhà nước quản theo kết quả nghiên cứu, tức là quản theo mục tiêu, thay vì quản cách làm, quản quy trình.
Đồng thời, Nhà nước chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu, nhưng sẽ có các giải pháp quản lý rủi ro, như phân bổ ngân sách và quản lý kết quả nghiên cứu theo giai đoạn, phân loại nghiên cứu (cơ bản, ứng dụng và triển khai) theo mức độ rủi ro (cao, trung bình và thấp) để quản lý khác nhau, sử dụng CĐS để công khai minh bạch các nghiên cứu,...
"Trước đến nay, chúng ta quản cách làm, coi trọng hóa đơn chứng từ hơn là kết quả nghiên cứu. Bởi vậy, nhà nước thu được rất nhiều hóa đơn chứng từ nhưng thu được ít kết quả nghiên cứu. Các nhà quản lý KHCN thì chú tâm vào nghiệm thu hóa đơn chứng từ hơn là nghiệm thu kết quả nghiên cứu. Cơ chế này là do chúng ta, thay đổi nó chỉ là nhận thức và có thể làm rất nhanh, ngay trong nửa đầu 2025 này, bằng cách sửa Luật KHCN và các luật liên quan", Bộ trưởng Bộ TT&TT nói.
Muốn có doanh nghiệp lớn thì Nhà nước phải giao việc lớn
Đáng chú ý, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, muốn phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) thì các doanh nghiệp lớn phải đi đầu.
Cụ thể, thứ nhất, muốn có doanh nghiệp lớn thì Nhà nước phải giao việc lớn cho họ, đặt hàng, giao nhiệm vụ cho họ. Có việc lớn thì doanh nghiệp Việt Nam mới lớn nên được. Doanh nghiệp sau khi đã thành công thì cần có việc lớn, thách thức lớn để tạo ra tự hào Việt Nam. Giao việc lớn, nếu họ chưa đủ nguồn lực thì họ sẽ thuê nước ngoài làm thuê cho họ, hơn là để nước ngoài thuê ta làm các dự án trong nước.
Các doanh nghiệp lớn phải nhận những nhiệm vụ quốc gia, làm chủ công nghệ chiến lược, nhận các dự án CĐS trọng điểm quốc gia. "Đây là trách nhiệm của doanh nghiệp lớn đối với đất nước. Đây cũng là nhiệm vụ mà Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị giao các doanh nghiệp công nghệ dân tộc, với mục tiêu hình thành các doanh nghiệp công nghệ lớn của Việt Nam. Nghị quyết 57 đặt mục tiêu đến năm 2025 hình thành 5 tập đoàn công nghệ số lớn ngang tầm các nước tiên tiến", ông Hùng cho biết.
Các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, phải đi đầu về ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số. Ảnh minh họa
Thứ hai, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, phải đi đầu về ứng dụng công nghệ (CN) và CĐS, từ đó mà dẫn dắt các doanh nghiệp Việt Nam khác cũng ứng dụng CN và CĐS, khơi dậy làn sóng KHCN của nước nhà.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, các doanh nghiệp lớn nên tăng chi cho đổi mới CN và CĐS. Tăng chi thì thúc đẩy tăng trưởng GDP của đất nước. Tăng chi cho CN và CĐS thì tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
"Tăng chi cho CN và CĐS thì tạo thị trường cho các doanh nghiệp CN và CĐS của Việt Nam, làm phát triển các doanh nghiệp này. Vậy là một mũi tên trúng mấy đích. Các doanh nghiệp lớn, phải nhận lấy trách nhiệm đổi mới CN và CĐS để góp phần tạo ra thêm 3% cho tăng trưởng GDP", ông Hùng nói.
Thứ ba, các tập đoàn thương mại, dịch vụ lớn của đất nước nên có chiến lược chuyển dịch thành các tập đoàn công nghệ, công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Bộ trưởng Bộ TT&TT cho rằng, không làm công nghệ, công nghiệp thì Việt Nam không thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình để trở thành nước thu nhập cao. Làm công nghệ, công nghiệp thì các doanh nghiệp lớn mới có đủ nguồn lực để đi đầu. Nếu các doanh nghiệp này không làm, vẫn tiếp tục thương mại và dịch vụ thì Việt Nam khó bứt phá vươn lên.
Thứ tư, các doanh nghiệp công nghệ lớn phải đi ra nước ngoài chinh phục thế giới, thông qua đó học hỏi, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, mới chứng tỏ được là doanh nghiệp xuất sắc.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, doanh nghiệp Việt Nam mà không cạnh tranh quốc tế được thì Việt Nam cũng không bao giờ có thể thành nước phát triển. Muốn cạnh tranh quốc tế được thì phải dựa vào và phải sử dụng KHCN, ĐMST và CĐS. Và đây cũng là cách để thúc đẩy các doanh nghiệp dân tộc phát triển KHCN, ĐMST và CĐS. "Nếu chúng ta không chinh phục thế giới thì thế giới sẽ đến đây chinh phục Việt Nam, và cũng sẽ không còn doanh nghiệp Việt Nam nữa", ông Hùng nhấn mạnh.
Hiện, Bộ TT&TT đã đề xuất với Chính phủ để trình Quốc hội thông qua một số chính sách đặc biệt, như cho phép chỉ định thầu và trình tự rút gọn các dự án CĐS; chỉ định thầu dự án cáp quang biển; Nhà nước giao nhiệm vụ, đặt hàng làm chủ các công nghệ chiến lược, các dự án CĐS lớn; tăng ngân sách chi thường xuyên để thuê dịch vụ CNTT; đầu tư trung tâm điện toán đám mây dùng riêng chính phủ để hỗ trợ các dự án CĐS của bộ ngành và địa phương; xây dựng trung tâm tính toán AI hiệu năng cao phục vụ nghiên cứu công nghệ và phát triển ứng dụng AI; hỗ trợ tới 30% tổng giá trị đầu tư nhà máy sản xuất bán dẫn đầu tiên tại Việt Nam; hỗ trợ tới 15% giá trị đầu tư 5G nếu ngay trong năm 2025 này, các nhà mạng phủ sóng sâu rộng toàn quốc; cơ chế thử nghiệm có kiểm soát các công nghệ số.
Quốc Trần