Phát biểu tại Hội nghị phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chiều 11-2, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhận định tăng trưởng truyền thống dần tới hạn.
Vì vậy, muốn tăng trưởng từ 7-10% thì phải có các động lực tăng trưởng mới, và điều này chỉ có thể đến từ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Nên dành 5.000 tỷ đồng đầu tư phòng thí nghiệm tại trường đại học
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Hùng, khoa học công nghệ chỉ có thể đóng góp vào tăng trưởng kinh tế nếu như các kết quả nghiên cứu được thương mại hóa. Và để thúc đẩy thương mại hóa thì các kết quả nghiên cứu nên thuộc sở hữu của các cơ sở nghiên cứu thay vì của Nhà nước.
Cũng theo Bộ trưởng, để kích thích sự sáng tạo của các nhà khoa học, kỹ sư thì nên cho họ hưởng một phần (khoảng 30-50%) kết quả thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Bộ trưởng Bộ TT&TT đề nghị dành 5.000 tỷ đồng đầu tư phòng thí nghiệm tại trường đại học. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Cho rằng nghiên cứu là việc chưa biết, chưa có nên phải được hoạt động theo một cơ chế khác. Do đó, Bộ trưởng Bộ TT&TT đề nghị nên để các viện nghiên cứu chi tiền mà họ nhận được từ Nhà nước để nghiên cứu theo cơ chế chi của doanh nghiệp, cơ chế khoán. Ngoài ra, Nhà nước nên quản lý theo kết quả nghiên cứu, tức là theo mục tiêu, thay vì quản lý cách làm, quy trình.
Về nguồn nhân lực chất lượng cao, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho rằng Nhà nước, các doanh nghiệp cần đặt hàng nghiên cứu và trường đại học phải trở thành trung tâm nghiên cứu. Muốn vậy, Nhà nước cần có chương trình lớn đầu tư các phòng thí nghiệm trọng điểm cho các trường đại học.
Trong 75.000 tỷ đồng năm 2025 chi cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, Bộ trưởng Hùng cho rằng nên dành 5.000 tỷ đồng đầu tư các phòng thí nghiệm trọng điểm tại các trường đại học.
"Chúng ta làm liên tục việc này trong 5 năm sẽ hình thành căn bản hạ tầng nghiên cứu của các trường đại học. Hiện nay, mỗi năm chúng ta đầu tư cho các phòng thí nghiệm chưa đến 500 tỷ đồng", Bộ trưởng Bộ TT&TT nói.
Nghị quyết 57 đặt mục tiêu hình thành 5 tập đoàn công nghệ số lớn ngang tầm các nước tiên tiến. Để đạt được điều này, theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, Nhà nước phải giao việc lớn cho các doanh nghiệp và các doanh nghiệp lớn cũng phải nhận các nhiệm vụ quốc gia, các dự án trọng điểm.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, các doanh nghiệp lớn phải đi đầu về ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số để từ đó dẫn dắt các doanh nghiệp Việt Nam khác ứng dụng công nghệ vào chuyển đổi số.
"Các tập đoàn thương mại dịch vụ lớn nên chuyển dịch thành các tập đoàn công nghệ công nghiệp thương mại và dịch vụ. Không làm công nghệ, không làm công nghiệp thì Việt Nam không thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình để trở thành nước có thu nhập cao", ông Hùng nói.
NVIDIA sẽ hỗ trợ một số doanh nghiệp Việt Nam đào tạo về AI
Đề cập đến vấn đề nguồn nhân lực trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tại hội nghị, Giám đốc NVIDIA Việt Nam Vũ Mạnh Cường cho hay, bên cạnh những chính sách thu hút nguồn nhân lực từ khắp thế giới thì Nhà nước cần hỗ trợ việc phát triển nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo ngay trong nước.
Nhận định Việt Nam sẽ cần tới số lượng hàng trăm nghìn kỹ sư hoạt động trong lĩnh vực AI trong vòng 3 năm tới, ông Cường cho biết NVIDIA sẽ hỗ trợ một số doanh nghiệp khác của Việt Nam triển khai chương trình đào tạo về AI. Thực tế, NVIDIA đã và đang làm việc với nhiều trường đại học trong nước để đào tạo chương trình AI cho sinh viên và đã cấp chứng chỉ.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Mạnh Cường, việc đào tạo AI và hỗ trợ giảng viên cần có chương trình hỗ trợ của Nhà nước, kết hợp đặt hàng của doanh nghiệp lớn như Viettel, FPT... Đồng thời, cần có kinh phí để có thể đào tạo số lượng lớn do việc đào tạo cho đối tượng không phải sinh viên cần trả phí cũng như trả thù lao cho giảng viên.
Nhà nước cần hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo ngay trong nước. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ngoài ra, đại diện NVIDIA Việt Nam mong muốn được phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) trong việc triển khai, đào tạo nguồn nhân lực cũng như đồng hành, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam trong những năm tiếp theo.
Đóng góp ý kiến, Tổng Giám đốc Trung tâm R&D Samsung Việt Nam Suk Ji-won đề xuất Chính phủ Việt Nam cần phải tạo dựng nguồn nhân lực chuyên môn để phát triển các lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn...
Bên cạnh đó, Chính phủ cần ban hành những chính sách khuyến khích để tuyển dụng đội ngũ quản lý, chuyên gia nước ngoài như chính sách hỗ trợ về thị thực, miễn giảm thuế, hay như các chính sách hỗ trợ về nhà ở, y tế và giáo dục dành cho gia đình của các chuyên gia nước ngoài.
Ngoài ra, ông Suk Ji-won cho rằng Việt Nam cũng cần cải thiện môi trường đầu tư để khuyến khích các doanh nghiệp FDI tham gia đầu tư vào các ngành công nghiệp công nghệ cao.
MINH TRÚC