Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Chiều 11/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Sự kiện quy tụ nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước như Viettel, VNPT, Vingroup, FPT, CMC, cùng các đại diện từ hãng công nghệ hàng đầu thế giới như Samsung, Nvidia, Intel, Google, Synopsys.
Chìa khóa tăng trưởng
Mở đầu hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh để đạt được tăng trưởng bền vững, yếu tố cốt lõi là tăng năng suất lao động. Điều này chỉ có thể thực hiện thông qua phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nhân lực chất lượng cao. Thủ tướng khẳng định khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, đồng thời đầu tư cho các lĩnh vực này chính là đầu tư cho phát triển.
Trong khuôn khổ hội nghị, Thủ tướng cũng công bố kế hoạch trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về việc thí điểm một số chính sách đặc biệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Dự thảo này sẽ được đưa ra ngay tại kỳ họp bất thường sắp tới.
Hội nghị phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế diễn ra tại Hà Nội chiều 11/2. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Cùng với đó, Chính phủ sẽ trình dự án sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ vào kỳ họp tháng 5/2025. Thủ tướng nhấn mạnh rằng đây là những bước đi khẩn trương, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, nhằm giải phóng tư duy, huy động mọi nguồn lực phát triển. Một trong những thay đổi quan trọng dự kiến là chính sách cho phép các nhà khoa học được kinh doanh sản phẩm do chính họ sáng tạo và nghiên cứu.
Trình bày báo cáo tổng hợp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh năm 2025 có ý nghĩa quan trọng, là giai đoạn tăng tốc, bứt phá, đồng thời là năm cuối của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025. Nếu muốn đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 và hướng tới mức 2 con số vào giai đoạn 2026-2030, Chính phủ phải có quyết tâm cao nhất và triển khai các giải pháp mạnh mẽ, hiệu quả.
Bộ trưởng đề xuất một loạt nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm rà soát, loại bỏ các “điểm nghẽn” thể chế ngay trong quý I và II/2025; xác định các dự án KHCN trọng tâm gắn với tăng trưởng ngành và địa phương; thu hút đầu tư FDI vào các lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là bán dẫn và AI; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có cơ chế đặt hàng đào tạo tại các trường đại học; đẩy mạnh hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, kết nối với cộng đồng khoa học và doanh nghiệp quốc tế.
Cần thêm hàng trăm nghìn kỹ sư AI
Một thành tựu quan trọng của Chính phủ trong thời gian qua là sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn. Năm 2024, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về ngành công nghiệp bán dẫn và triển khai chương trình phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực này.
Trong thời gian ngắn, Việt Nam đã thiết lập hợp tác với nhiều quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và châu Âu, đồng thời thu hút sự tham gia của các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Intel, Apple, Marvell, Samsung… Việt Nam cũng là một trong sáu quốc gia được Mỹ lựa chọn để tham gia vào Đạo luật CHIPS nhằm phát triển chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Song song với bán dẫn, AI cũng đang là một trong những lĩnh vực được thúc đẩy mạnh mẽ. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Nvidia để thành lập trung tâm nghiên cứu AI tại Việt Nam. Các tập đoàn công nghệ lớn như Google, Microsoft, Meta, Qualcomm cũng đang tăng cường đầu tư vào AI tại Việt Nam. Đồng thời, các doanh nghiệp trong nước như Viettel, Vingroup, FPT, CMC cũng đang tích cực nghiên cứu và ứng dụng AI vào sản phẩm của mình.
Giám đốc Nvidia Việt Nam Vũ Mạnh Cường đề cập vấn đề nguồn nhân lực trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Nvidia Việt Nam Vũ Mạnh Cường cho biết Việt Nam đang gặp tình trạng khan hiếm nhân lực AI ở nhiều cấp độ như khoa học dữ liệu, kỹ sư vận hành AI, chuyên gia tích hợp AI vào các lĩnh vực như y tế, tài chính, viễn thông... Dự báo trong vòng 3 năm tới, Việt Nam sẽ cần hàng trăm nghìn kỹ sư AI để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Hiện nay, Nvidia đang phối hợp với nhiều trường đại học như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Đà Nẵng, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và FPT để đào tạo nhân lực AI thông qua chương trình Deep Learning Institute (DLI).
Tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Trí tuệ Nhân tạo đã hoàn thành khóa đào tạo và cấp chứng chỉ Deep Learning cho 60 sinh viên hoàn toàn miễn phí. Trong khi đó, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã đưa chương trình này vào chương trình đào tạo AI của trường. Riêng FPT Software đã cấp hơn 6.000 chứng chỉ Deep Learning của Nvidia trong vòng 4 tháng.
Thúy Liên