Chỉ số PMI tháng 4 thấp nhưng 'không nên bi quan'

Chỉ số PMI tháng 4 thấp nhưng 'không nên bi quan'
5 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa: AI
Theo đó, báo cáo ngày 5/5 của S&P Global cho thấy PMI tháng 4 về ngành sản xuất của Việt Nam giảm mạnh xuống còn 45,6 điểm – mức thấp nhất trong nhiều tháng trở lại đây.
Theo báo cáo, mức giảm này phản ánh sự suy yếu trong điều kiện kinh doanh của lĩnh vực sản xuất, với ba chỉ số thành phần quan trọng – sản lượng, đơn đặt hàng mới và việc làm – đều sụt giảm đáng kể.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế và lãnh đạo doanh nghiệp đều nhấn mạnh rằng không nên nhìn nhận chỉ số PMI thấp một cách bi quan hay cực đoan. Thay vào đó, đây cần được xem là tín hiệu cảnh báo, buộc các doanh nghiệp và nhà quản lý phải hành động kịp thời, quyết liệt và chiến lược hơn để thích ứng với bối cảnh mới, đặc biệt là trong việc mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Theo báo cáo của S&P Global (Tập đoàn đa quốc gia tổ chức các hoạt động trong lĩnh vực cung cấp thông tin và dữ liệu tài chính), nguyên nhân chủ yếu khiến PMI giảm mạnh trong tháng 4 đến từ sự sụt giảm nghiêm trọng trong các đơn hàng xuất khẩu mới. Đây là tháng thứ sáu liên tiếp các đơn hàng này giảm, và đáng chú ý, tốc độ giảm trong tháng 4 là nhanh nhất kể từ tháng 6/2023. Một trong những yếu tố chính dẫn đến hiện tượng này là tác động từ chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ đối với hàng hóa nhập khẩu, trong đó có hàng Việt Nam.
Dù chỉ số PMI sụt giảm nhưng chuyên gia Trần Phương từ Viện Kinh tế Chiến lược LSE cho rằng: “Chúng ta không nên rơi vào trạng thái bi quan cực đoan. PMI là một chỉ số nhạy cảm, thường dao động theo các yếu tố chính sách và tâm lý thị trường trong ngắn hạn. Điều quan trọng là doanh nghiệp cần đọc đúng thông điệp từ chỉ số này để kịp thời điều chỉnh chiến lược, không nên chờ đợi hay co cụm trong phản ứng”.
“Đáng chú ý, chỉ một tháng trước đó – tháng 3/2025 – PMI của Việt Nam đạt mức 50,5 điểm, vượt ngưỡng 50 điểm cho thấy sự mở rộng của hoạt động sản xuất, sau bốn tháng liên tiếp suy giảm. Điều này cho thấy khả năng phục hồi của ngành sản xuất vẫn còn, đặc biệt nếu doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các cơ hội từ thị trường nội địa cũng như quốc tế”, ông Phương nhấn mạnh.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã và đang chủ động chuyển hướng sang các thị trường mới để giảm sự phụ thuộc vào Mỹ và Trung Quốc – hai thị trường lớn nhưng nhiều thay đổi liên quan đến chính sách và yếu tố địa chính trị.
Bà Vũ Thái Hà, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm chế biến tại Hà Nội, chia sẻ rằng doanh nghiệp của bà đang đẩy mạnh tiếp cận các thị trường Trung Đông, Nam Á và châu Phi. “Đây là những khu vực có nhu cầu tiêu dùng tăng trưởng ổn định, ít rào cản hơn, và có tiềm năng lớn nếu khai thác đúng cách”, bà Hà nói.
Không chỉ chuyển hướng thị trường, doanh nghiệp của bà Hà còn đầu tư mạnh vào sản xuất theo hướng bền vững – sử dụng năng lượng sạch, tối ưu quy trình sản xuất và ứng dụng công nghệ cao để tăng giá trị thương hiệu. Những bước đi này nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của những thị trường khó tính như EU và Nhật Bản.
Tương tự, ông Nguyễn Minh Tú – Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu Gỗ tại TP.HCM, cho biết: “ Chỉ số PMI cho thấy thị trường hiện nay đang trải qua giai đoạn thanh lọc mạnh. Doanh nghiệp nào dám thay đổi, đầu tư vào chất lượng, công nghệ và truy xuất nguồn gốc sẽ có cơ hội tồn tại và phát triển. Chúng tôi không bị mất đơn hàng từ các đối tác Nhật Bản hay châu Âu, nhưng họ yêu cầu cao hơn nhiều về tiêu chuẩn môi trường và minh bạch chuỗi cung ứng. Điều đó đòi hỏi doanh nghiệp phải chủ động nâng cấp mình”.
Với ngành cơ khí, ông Vũ Đức Việt – Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu tại Hà Nội, nhấn mạnh rằng việc tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, và RCEP là “tấm hộ chiếu” để hàng hóa Việt Nam vươn xa hơn. “Khi chính sách thuế quan của Mỹ siết chặt, chúng ta cần xoay trục sang những thị trường không chịu ảnh hưởng trực tiếp. Nhưng đi cùng đó là yêu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng quy tắc xuất xứ và tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế,” ông Việt nói thêm.
Một điểm chung mà nhiều doanh nghiệp và chuyên gia đồng thuận là doanh nghiệp Việt Nam cần chuyển từ tư duy “phản ứng” sang “chủ động”. Bà Đinh Loan, đại diện một công ty xuất khẩu đồ nội thất tại Hà Nội cho rằng, việc bước ra khỏi thị trường truyền thống không nên bị nhìn nhận như một bước đi mạo hiểm. “Đây là cơ hội để chúng tôi tái cơ cấu, làm mới phương thức kinh doanh truyền thống, mở rộng mạng lưới đối tác và áp dụng mô hình kinh doanh linh hoạt hơn”, bà nói.
Chuyên gia Phạm Bảo Hà, Giám đốc dự án Phi lợi nhuận vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trẻ (IBN) nhận định: “PMI tháng 4/2025 là tín hiệu đáng lưu tâm nhưng không phải là một dự báo dài hạn u ám. Trong bối cảnh bất ổn toàn cầu ngày càng trở nên phổ biến, phản ứng chậm trễ mới là điều nguy hiểm nhất. Chiến lược tốt nhất lúc này không phải là cắt giảm nhân sự hay thu gọn quy mô sản xuất mà là hành động – hành động sớm, đồng bộ và kiên định”.
“Những doanh nghiệp biết tận dụng các FTA, chuyển hướng thị trường, cải cách logistics, nâng cấp công nghệ và đầu tư vào sản xuất bền vững sẽ có lợi thế cạnh tranh rõ ràng trên bản đồ chuỗi cung ứng toàn cầu. Mỗi bước đi chiến lược hôm nay sẽ quyết định vị thế của doanh nghiệp ngày mai”, ông Hà nhấn mạnh.
Thanh Bình
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/chi-so-pmi-thang-4-thap-nhung-khong-nen-bi-quan-10305188.html