Chỉ thị của EU về Thẩm định tính bền vững của doanh nghiệp: Khuyến nghị cho doanh nghiệp Việt Nam

Chỉ thị của EU về Thẩm định tính bền vững của doanh nghiệp: Khuyến nghị cho doanh nghiệp Việt Nam
4 giờ trướcBài gốc
Từ năm 2027, các công ty hoạt động tại thị trường Liên minh châu Âu (EU), trong đó có các doanh nghiệp đến từ Việt Nam, sẽ phải chứng minh việc bảo vệ môi trường và nhân quyền trong toàn bộ chuỗi cung ứng của mình, bao gồm cả các đối tác, nhà cung cấp.
EU được biết đến là thị trường có những quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật cao và nghiêm ngặt đối với hàng hóa nhập khẩu và đang ngày càng chú trọng chuẩn hóa, luật hóa các quy định về phát triển bền vững để đảm bảo các công cụ thương mại đồng hành và hỗ trợ thúc đẩy các chuỗi giá trị có trách nhiệm, tuần hoàn và bền vững.
Một trong những quy định mới đây được ban hành ngày 24/5/2024, Hội đồng châu Âu đã chính thức thông qua Chỉ thị về Thẩm định tính bền vững của doanh nghiệp (Corporate sustainability due diligence Directive, gọi tắt là CSDDD hoặc CS3D).
Mục tiêu của CSDDD nhằm thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp bền vững và có trách nhiệm trong chuỗi giá trị toàn cầu. Chỉ thị này yêu cầu doanh nghiệp xác định và khi cần thiết, ngăn chặn, chấm dứt hoặc giảm thiểu tác động tiêu cực trong hoạt động của doanh nghiệp bao gồm cả công ty con và toàn bộ chuỗi cung ứng của họ đối với vấn đề nhân quyền như lao động trẻ em, lao động cưỡng bức và đối với môi trường như ô nhiễm và mất đa dạng sinh học; thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh và bảo vệ nhân quyền ở châu Âu.
Các công ty lớn phải chịu trách nhiệm trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh hơn và công bằng xã hội hơn. Chỉ thị về Thẩm định tính bền vững của doanh nghiệp sẽ cho chúng ta khả năng trừng phạt những bên vi phạm nghĩa vụ của mình. Đây là một bước đi cụ thể và có ý nghĩa hướng tới một nơi sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người”.
Pierre-Yves Dermagne, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Việc làm Bỉ (nguồn: europa.eu)
Những nhóm đối tượng mà quy định CSDDD áp dụng bao gồm tất cả các công ty có trụ sở tại EU và ngoài EU nhưng hoạt động trong EU. Cụ thể, CSDDD sẽ áp dụng ngay với Nhóm 01: Các công ty TNHH lớn của EU có từ 1.000 nhân viên trở lên và có doanh thu ròng toàn cầu từ 450 triệu euro trở lên; Nhóm 02: Các công ty có từ 5.000 nhân viên trở lên và doanh thu ròng toàn cầu từ 1,5 tỷ euro trở lên. Đối với Nhóm 2, CSDDD sẽ áp dụng 03 năm sau khi quy định có hiệu lực.
Các công ty có 3.000 nhân viên trở lên và doanh thu ròng toàn cầu từ 900 triệu euro sẽ bị áp dụng CSDDD sau 04 năm kể từ khi quy định có hiệu lực. Các công ty có hơn 1.000 nhân viên và doanh thu 450 triệu euro sẽ bị áp dụng CSDDD sau 5 năm kể từ ngày có hiệu lực của Chỉ thị.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) không trực tiếp nằm trong phạm vi của Chỉ thị này.
Chỉ thị cũng áp dụng đối với những doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại EU với tiêu chí về số lượng nhân viên và doanh thu như doanh nghiệp EU nêu trên.
Để giám sát chặt chẽ các tác động xã hội và môi trường đối với toàn bộ chuỗi cung ứng của mình, nghĩa vụ thẩm định theo CSDDD gồm tất cả các đối tác kinh doanh trực tiếp cũng như gián tiếp dọc theo chuỗi giá trị, tính đến cả hoạt động của chính họ, cũng như các hàng hóa và dịch vụ mà doanh nghiệp đó cung cấp.
CSDDD còn áp dụng cho các hoạt động và cơ sở sản xuất liên quan đến việc bán, phân phối, vận chuyển, lưu trữ và quản lý chất thải các sản phẩm của công ty hoặc cung cấp dịch vụ.
Các công ty bị ảnh hưởng bởi Chỉ thị CSDDD sẽ phải áp dụng và triển khai hệ thống dựa trên rủi ro để giám sát, ngăn ngừa hoặc khắc phục các thiệt hại về nhân quyền hoặc môi trường được chỉ thị xác định.
Chỉ thị yêu cầu các công ty phải đảm bảo rằng các nghĩa vụ về quyền con người và môi trường được tôn trọng trong suốt chuỗi hoạt động của họ. Nếu phát hiện ra hành vi vi phạm các nghĩa vụ này, các công ty sẽ phải thực hiện các biện pháp thích hợp để ngăn ngừa, giảm thiểu, chấm dứt hoặc giảm thiểu các tác động tiêu cực phát sinh từ hoạt động của chính họ, hoạt động của các công ty con và hoạt động của các đối tác kinh doanh trong chuỗi hoạt động của họ. Các công ty có thể phải chịu trách nhiệm về thiệt hại gây ra và sẽ phải bồi thường đầy đủ.
Các công ty bị ảnh hưởng bởi Chỉ thị này cũng sẽ phải thông qua và thực hiện kế hoạch chuyển đổi khí hậu phù hợp với Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Các Quốc gia Thành viên EU sẽ chỉ định một cơ quan có thẩm quyền giám sát và áp dụng các biện pháp trừng phạt hiệu quả, tương xứng và có tính răn đe, bao gồm cả phạt tiền và lệnh tuân thủ.
Ủy ban châu Âu (EC) sẽ thành lập một mạng lưới các cơ quan giám sát gồm đại diện của các cơ quan quốc gia để đảm bảo sự phối hợp hiệu quả. Muộn nhất sau 06 năm quy định có hiệu lực và sau mỗi 03 năm, EC sẽ ban hành báo cáo về tính hiệu quả của quy định.
Các quốc gia Thành viên EU sẽ có 02 năm để thực hiện các quy định và thủ tục hành chính để tuân thủ văn bản pháp lý này. Tuy nhiên cần lưu ý rằng CSDDD là Chỉ thị, vì vậy mỗi quốc gia Thành viên EU có quyền điều chỉnh các quy định phù hợp với luật của nước sở tại.
Đạo luật Chuỗi cung ứng của Đức
Hiện nay, trong số các quốc gia Thành viên EU thì Đức đã thông qua Đạo luật Chuỗi cung ứng (tiếng Đức: Lieferkettensorgfaltspflichtengesetz, nghĩa là Nghĩa vụ thực hiện thẩm định cần thiết trong Đạo luật Chuỗi cung ứng hoặc Lieferkettengesetz (viết tắt là LkSG)) vào tháng 01/2023.
Đạo luật LkSG yêu cầu các doanh nghiệp lớn bắt buộc phải tiến hành giám sát, phân tích các rủi ro về nhân quyền và môi trường trong chuỗi cung ứng của họ để kiểm tra chặt chẽ các rủi ro và vi phạm.
Luật này áp dụng với doanh nghiệp có từ 3000 lao động trở lên từ năm 2023 và có 1000 lao động trở lên từ năm 2024. Các công ty sẽ phải công bố báo cáo hàng năm có chứa các phân tích. Các công ty cũng phải thiết lập quy trình khiếu nại để người lao động báo cáo các rủi ro tiềm ẩn.
Luật cũng trao cho các tổ chức xã hội dân sự khả năng kiện các công ty thay mặt cho người lao động về các hành vi vi phạm quyền con người trong chuỗi cung ứng. Các công ty không tôn trọng các điều khoản của luật có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 2% doanh thu hàng năm của công ty.
Như vậy, có thể thấy Chỉ thị của EU về thẩm định chuỗi cung ứng của doanh nghiệp là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực toàn cầu nhằm thúc đẩy phát triển bền vững.
Để đáp ứng các yêu cầu của Chỉ thị, doanh nghiệp sẽ phải đưa vấn đề thẩm định vào chính sách của công ty, xác định các tác động tiềm ẩn đến môi trường và quyền lợi lao động trong quá trình triển khai hoạt động, ngăn chặn hoặc giảm thiểu các tác động tiềm ẩn này, giám sát hiệu quả các chính sách thẩm định và công khai kết quả các chương trình thẩm định.
Đối với các doanh nghiệp Việt Nam có quan hệ đối tác thương mại với EU, đây cũng là cơ hội nâng cao tính bền vững và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp khi gián tiếp chịu tác động của quy định này, qua đó cải thiện điều kiện lao động và môi trường kinh doanh một cách bền vững.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất để tuân thủ Chỉ thị của EU về Thẩm định chuỗi cung ứng của doanh nghiệp là chuỗi cung ứng của các ngành hàng thường rất phức tạp và phân tán qua nhiều khu vực địa lý, đòi hỏi thời gian và đầu tư tài chính đáng kể để đảm bảo tuân thủ các quy định.
Giải pháp thực tế hiện nay, để đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định và đạt được các mục tiêu bền vững, doanh nghiệp cần có sự hiểu biết sâu rộng và chi tiết hơn về toàn bộ chuỗi cung ứng của mình, theo dõi và phân tích các yếu tố như chuỗi hành trình sản phẩm và lượng phát thải carbon, khả năng đồng bộ hóa với các nhà cung cấp, từ nguyên liệu thô đến logistics. Việc sử dụng nền tảng số hóa đa doanh nghiệp giúp thực thi tiêu chuẩn bền vững, theo dõi tiến độ và thúc đẩy hợp tác. Điều này cho phép báo cáo chính xác và minh bạch về hiệu suất bền vững và các kế hoạch hành động khắc phục của nhà cung cấp.
Chỉ thị của EU về thẩm định tính bền vững của doanh nghiệp có thể dẫn đến việc các nhà nhập khẩu và nhà bán lẻ EU ngừng hợp tác với các đối tác có rủi ro cao, nơi có quy định về môi trường và lao động ít nghiêm ngặt hơn.
Để chuẩn bị cho các thay đổi theo Chỉ thị thẩm định tính bền vững của doanh nghiệp, dự kiến bắt đầu hiệu lực thực hiện từ năm 2027, các doanh nghiệp được khuyến khích sớm triển khai kế hoạch thẩm định doanh nghiệp. Các bước chuẩn bị bao gồm phát triển kế hoạch nguồn nhân lực, lập bản đồ chuỗi hoạt động của công ty, xem xét các hợp đồng chuỗi cung ứng hiện có, đối chiếu dữ liệu về hiệu suất môi trường và xã hội của công ty để phục vụ mục đích giám sát. Các doanh nghiệp cũng cần triển khai lập bản đồ chuỗi cung ứng với các công cụ dữ liệu để theo dõi hiệu suất phát triển bền vững trong toàn chuỗi cung ứng sản phẩm của mình.
Bài: Thanh Hà
Ảnh: Media Team
Thiết kế: Maika
Nguồn Tạp chí Công thương : https://tapchicongthuong.vn/magazine/emagazine--chi-thi-cua-eu-ve-tham-dinh-tinh-ben-vung-cua-doanh-nghiep--khuyen-nghi-cho-doanh-nghiep-viet-nam-128817.htm