Kim ngạch xuất nhập khẩu: Tiến gần mốc kỷ lục 800 tỷ USD

Kim ngạch xuất nhập khẩu: Tiến gần mốc kỷ lục 800 tỷ USD
2 giờ trướcBài gốc
Bứt phá
Tập đoàn Hòa Phát (HPG) vừa xuất khẩu thành công dòng tủ lạnh Double Inverter 2 cánh ngăn đá phía trên, có dung tích 286 lít sang Mỹ. Sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe, mở ra cơ hội để doanh nghiệp khai thác tiềm năng của thị trường có sức mua lớn này trong tương lai.
Không riêng Hòa Phát, nhiều doanh nghiệp cũng hối hả chuẩn bị đơn hàng đi Mỹ, nhất là với nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu như điện tử, dệt may, giày dép, nông - thủy sản. Nhu cầu tiêu dùng cuối năm tại Mỹ đang hồi phục, nên cơ hội cho các ngành hàng xuất khẩu cũng rõ ràng hơn.
Doanh thu xuất khẩu đi Mỹ hiện đã vượt 90 tỷ USD, tăng trưởng gần 28% so với cùng kỳ. Cùng với sự “đều tay” trong xuất khẩu sang các thị trường chủ lực như EU, Trung Quốc, ASEAN, đưa xuất khẩu của cả nước tính đến ngày 15/10 đạt 315,9 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều sản phẩm “made in Vietnam” đã khẳng định được vị trí trên thị trường toàn cầu. Tính đến ngày 15/10, máy tính - linh kiện điện tử mang về 55,2 tỷ USD (tăng thêm 11,66 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái), điện thoại - linh kiện là 43,94 tỷ USD (tăng thêm 2,31 tỷ USD), máy móc dụng cụ là 40,16 tỷ USD (tăng thêm 7,35 tỷ USD), dệt may là 28,85 tỷ USD (tăng thêm 2,5 tỷ USD)…
Đơn hàng xuất khẩu tăng mạnh nhờ cầu phục hồi sau khi giảm sâu trong năm ngoái, cũng là cú hích đáng kể cho hoạt động nhập khẩu hàng hóa có sự bứt phá trở lại, tiếp sức cho sản xuất phục vụ đơn hàng đã ký.
Tính đến ngày 15/10, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 610,56 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 85,82 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2023.
FTA thúc đẩy thương mại tăng trưởng
Theo đánh giá của Bộ Công thương, doanh nghiệp Việt Nam đang khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới, từ đó đưa kim ngạch xuất nhập khẩu liên tục tăng trưởng.
Đến nay, Việt Nam đã ký kết và cơ bản kết thúc đàm phán 17 FTA với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ; đang tiến hành đàm phán, chuẩn bị khởi động đàm phán 3 hiệp định và 1 khung khổ kinh tế (Khung khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương).
Trong báo cáo mới nhất của Bộ Công thương gửi Quốc hội về tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn các vấn đề đã hứa tại kỳ họp trước (Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV) thuộc lĩnh vực công thương, Bộ Công thương cho biết: “Kết quả tận dụng cơ hội từ các FTA đạt tích cực. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu được hưởng cam kết xóa bỏ hay cắt giảm thuế quan theo các FTA đạt trên 86 tỷ USD, chiếm 37,35% trong tổng kim ngạch xuất khẩu 230,5 tỷ USD của Việt Nam sang các thị trường ký FTA, tăng 9,2% so với năm 2022”.
Ngành gỗ là một trong những ngành tận dụng tốt các FTA để tăng tốc xuất khẩu. Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) thông tin, nhờ FTA song phương với Vương quốc Anh (UKVFTA) đi vào thực thi, nên trong 9 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường này đạt 165 triệu USD, tăng trên 17% so với cùng kỳ. Với đà tăng như hiện nay, cả năm có thể xuất được 230 triệu USD, góp phần thực hiện mục tiêu xuất khẩu 16 tỷ USD của toàn ngành trong năm nay.
Còn tính chung thương mại song phương với Anh trong 9 tháng đạt gần 6,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 5,7 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ, nhập khẩu 800 triệu USD.
Thương mại với EU cũng có bước nhảy vọt nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU trong số các nước ASEAN. Thống kê 9 tháng, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - EU đạt 50,3 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt 38,13 tỷ USD, tăng 17%.
EU là đối tác thương mại lớn thứ 5, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong ASEAN.
Ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Công thương) đánh giá, dù rủi ro còn không ít, xung đột địa chính trị làm ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng, giá cước vận tải biển vẫn cao…nhưng xuất khẩu hàng hóa cuối năm vẫn còn dư địa tăng trưởng. Để tiếp sức cho sản xuất, thương mại quý IV - quý có ý nghĩa quyết định trong việc hoàn thành mục tiêu cả năm 2024, Bộ đặt trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, tận dụng các FTA.
Các thị trường có FTA tiếp tục tác động tích cực, duy trì lợi thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại, đầu tư. Khả năng về đích của xuất nhập khẩu trong cả năm nay rất tích cực. Trong kịch bản thấp nhất, xuất nhập khẩu cả nước đạt 777-780 tỷ USD; kịch bản cao hơn, nếu đơn hàng trở lại mạnh mẽ cho các tháng cuối năm, sẽ tiệm cận 800 tỷ USD, đồng nghĩa kỷ lục về ngoại thương của Việt Nam được thiết lập.
Tương lai tăng trưởng với thương mại Việt Nam còn lớn, nhưng các ngành hàng đang đối mặt với bài toán chuyển đổi sản xuất để bắt kịp xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, cũng như có biện pháp tránh hàng rào kỹ thuật được dựng lên tại nhiều thị trường nhập khẩu.
Hải Yến
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/kim-ngach-xuat-nhap-khau-tien-gan-moc-ky-luc-800-ty-usd-d228266.html