Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Ảnh: Dương Giang-TTXVN
Chỉ thị nêu rõ: thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày diễn biến phức tạp hơn với phạm vi rộng, đối tượng nhiều, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình sản xuất kinh doanh, đến sức khỏe và lòng tin của Nhân dân, gây hoang mang lo lắng trong dư luận ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước.
Nguyên nhân của tình trạng này là do sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp các ngành, các địa phương chưa thực sự quyết liệt, sát sao, cụ thể, chưa bám sát thực tiễn, trong khi đó tình hình diễn biến phức tạp, nhiều vấn đề mới xuất hiện ở các địa phương, địa bàn, trên không gian mạng; các đối tượng buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại ngày càng manh động và tinh vi. Công tác nắm tình hình, tham mưu, báo cáo đề xuất của các Bộ, ngành còn chưa kịp thời, chưa nhạy bén, chưa theo kịp với diễn biến thực tế.
Công tác quản lý nhà nước của một số cơ quan, địa phương còn hạn chế, yếu kém, còn có sự buông lỏng, nhất là trong hoạt động cấp phép về kiểm nghiệm và sản xuất thực phẩm. Nhận thức, trách nhiệm, của một số người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị, lực lượng chức năng chưa cao, còn có biểu hiện né tránh, đùn đẩy khi xảy ra vụ việc vi phạm; thậm chí còn có tình trạng tiếp tay, bảo kê cho các đối tượng vi phạm pháp luật, có tiêu cực trong thanh tra, kiểm tra, kiểm soát quá trình hoạt động kiểm nghiệm.
Thể chế, các quy định pháp luật về xử lý hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn chưa đầy đủ, lạc hậu, chồng chéo, bỏ sót, chưa đáp ứng với tình hình thực tế. Các đối tượng đã triệt để lợi dụng quy định cho phép doanh nghiệp tự công bố và tự chịu trách nhiệm về chất lượng để trục lợi, liên kết thuê người nổi tiếng, bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng để quảng bá, giới thiệu, phóng đại chất lượng, tính năng công dụng của sản phẩm giả.
Công tác tổ chức, phân định chức năng, nhiệm vụ trong quản lý nhà nước còn chồng chéo, bỏ sót, có khoảng trống; công tác kiểm tra, giám sát còn chưa thường xuyên, triệt để, toàn diện, còn hời hợt, làm chiếu lệ. Việc phối hợp, trao đổi, chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan, lực lượng chức năng chưa tốt, chưa nhịp nhàng.
Công tác thông tin tuyên truyền chưa đầy đủ dẫn đến nhân dân chưa hiểu hết thủ đoạn gian dối, tinh vi của các đối tượng. Chưa huy động được sức mạnh của Nhân dân, chưa phát động được phong trào toàn dân trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm xuất xứ hàng hóa.
* Ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại
Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đề ra mục tiêu đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm xuất xứ hàng hóa là đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, doanh nghiệp, bảo vệ an ninh, an toàn sức khỏe cho Nhân dân, góp phần phục vụ đất nước phát triển nhanh, bền vững.
Đại diện các cơ quan thuộc Chính phủ tham dự cuộc họp về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Ảnh: Dương Giang-TTXVN
Quan điểm chỉ đạo là công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là công việc rất quan trọng, mang tính lâu dài, cần huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, người đứng đầu cấp ủy các cấp, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp và nhất là nhân dân. Nhân dân phải là trung tâm bảo vệ, là chủ thể cùng đấu tranh, phải huy động sức mạnh từ Nhân dân để tạo thành phong trào.
Hệ thống tổ chức chính trị ở cơ sở đóng vai trò quyết định; chính quyền cơ sở là nòng cốt trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Xác định công tác bảo vệ sức khỏe, quyền, lợi ích hợp pháp của Nhân dân, của người tiêu dùng là trên hết, trước hết.
Tăng cường quản lý nhà nước ở các cấp, các ngành, các địa phương, góp phần nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh quốc tế của đất nước; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả. Công tác này cần phải làm thường xuyên, toàn diện, liên tục, không ngừng nghỉ với phương châm “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Tăng cường hiệu quả, tạo chuyển biến đột phá trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gắn với quá trình sắp xếp đơn vị hành chính các cấp, nâng cao năng lực quản lý, phân định trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ, không để chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ, không để khoảng trống trong quản lý nhà nước.
Các bộ, ngành, địa phương chủ động rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc để thực hiện được mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
* Mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả
Với mục tiêu, quan điểm chỉ đạo trên, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, chính quyền địa phương vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân xây dựng được phong trào toàn dân trong đấu tranh với tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; đề nghị các Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng và cả hệ thống chính trị tại địa phương tích cực tham gia công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Cơ quan điều tra thu giữ hàng ngàn hộp sữa giả trong những tháng qua. Ảnh: Bộ Công an
Thủ tướng yêu cầu, kết hợp chặt chẽ công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, công tác thanh tra với sự giám sát của các cơ quan, đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, cơ quan báo chí, truyền thông và Nhân dân để kịp thời phát hiện, uốn nắn, chấn chỉnh, khắc phục hạn chế, thiếu sót; xử lý nghiêm các cán bộ, công chức, sỹ quan có hành vi thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, vi phạm về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Theo Vnanet.vn