Chỉ thị số 40-CT/TW: 'Kim chỉ nam' cho tín dụng chính sách tại Hà Nam (Kỳ 2)

Chỉ thị số 40-CT/TW: 'Kim chỉ nam' cho tín dụng chính sách tại Hà Nam (Kỳ 2)
5 giờ trướcBài gốc
Kỳ 2: Sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương và tổ chức chính trị xã hội các cấp
Đặc biệt là việc bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH đã được tích hợp trong quyết định đầu tư công. Nguồn vốn ủy thác sang NHCSXH năm sau cao hơn năm trước và có sự chuyển biến rõ nét hơn từ khi thực hiện Kết luận số 06 ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40. Tính đến 30/9/2024, nguồn vốn nhận ủy thác từ Ngân sách địa phương đạt trên 207 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 6,1% tổng nguồn vốn, tăng gấp 20 lần so với thời điểm trước khi có Chỉ thị số 40. Nguồn vốn này cùng với nguồn lực từ Trung ương trong những năm qua đã giúp cho hàng nghìn lượt hộ nghèo và các đội tượng chính sách được vay vốn phát triển kinh tế; có điều kiện cho con theo học các trường đại học, cao đẳng; xây dựng các công trình nước sạch vệ sinh môi trường họp vệ sinh; sửa chữa, xây mới nhà ở… Nhiều hộ, nhờ nguồn vốn vay đã có điều kiện mở mang sản xuất, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương.
Đơn cử như HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Mục Đồng thuộc xã Trác Văn, TX Duy Tiên chuyên sản xuất các sản phẩm từ sữa, đầu năm 2022, nhờ tiếp cận nguồn vốn vay 200 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm của ngân hàng CSXH, HTX đã có điều kiện nâng cao chất lượng sản phẩm. Cùng năm, cơ sở này đã có thêm 2 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn Ocop 3 sao là sản phẩm: Sữa chua uống và Sữa chua nếp cẩm. Chất lượng sản phẩm nâng cao, thị trường được mở rộng, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Mục Đồng hiện đang tạo việc làm ổn định cho 10 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 7-8 triệu đồng/người/tháng.
Được tiếp cận với nguồn vốn Giải quyết việc làm HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Mục Đồng thuộc xã Trác Văn, TX Duy Tiên được tiếp thêm nguồn lực để nghiên cứu mở rộng sản phẩm phục vụ nhân dân trên địa bàn
Trên cơ sở thực hiện tốt những chương trình tín dụng đã có trước khi ban hành Chỉ thị, từ năm 2018 đến nay, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh tiếp tục triển khai chương trình cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo Nghị định số 100 của Chính phủ. Đây là Chương trình thể hiện sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước dành cho nhân dân, đặc biệt là các đối tượng có thu nhập thấp. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện cho vay, Ngân hàng Chính sách xã hội và các địa phương đặc biệt quan tâm để Chương trình mang lại hiệu quả cao nhất với thủ tục vay nhanh chóng, thuận lợi nhất và đảm bảo đúng quy định. Chương trình tín dụng này đã giúp cho hàng nghìn người có thu nhập thấp hiện thực hóa ước mơ có được ngôi nhà khang trang, vững chắc. Hiện toàn tỉnh đang có 770 khách hàng vay vốn với dư nợ là trên 260 tỷ đồng.
Nhờ có chương trình cho vay nhà ở xã hội, hộ gia đình Trần thị Loan, thôi đội 4, xã Ngọc Lũ, Bình Lục có điều kiện xây dựng nhà mới để ở
Một chương trình tín dụng mới triển khai được rất nhiều người đón nhận đó là chương trình cho vay người chấp hành xong án phạt tù theo QĐ 22 của Thủ tướng Chính phủ. Bắt đầu triển khai từ tháng 10/2023, đến nay Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Hà Nam đã hỗ trợ cho 75 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn với dư nợ trên 6,8 tỷ đồng. Nguồn vốn đã đáp ứng kịp thời, thiết thực phù hợp nguyện vọng, cung cấp nguồn vốn nhằm tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn chính sách để học nghề, đầu tư sản xuất kinh doanh, mang lại cho họ điểm tựa vững chắc giúp người hoàn lương vươn lên tái hòa nhập cộng đồng, kiến tạo cuộc sống mới; qua đó góp phần giảm nguy cơ tái phạm tội, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
NHCSXH thực hiện giải ngân cho đại diện hộ gia đình có người CHXAPT với sự chứng kiến của Công an phường và Tổ TK&VV tại phường Lam Hạ
Bám sát yêu cầu của Chỉ thị số 40, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cũng đã vào cuộc mạnh mẽ thông qua việc ban hành các văn bản hướng dẫn, quán triệt và chỉ đạo các cấp hội thực hiện các nội dung của Chỉ thị có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của hội, đoàn thể các cấp. Theo đó, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đã chủ động, tích cực thực hiện vai trò tập trung lực lượng, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách của Ðảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân; phối hợp chặt chẽ với NHCSXH và chính quyền địa phương trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội, chất lượng của tổ tiết kiệm và vay vốn; tập trung hướng dẫn bình xét đối tượng vay vốn theo quy định; đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn; tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả; làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Tính đến 30/9/2024, 04 tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh đang phối hợp với chi nhánh NHCSXH tỉnh tham gia quản lý trên 3.385 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 99,85% tổng dư nợ, tăng so với trước khi có Chỉ thị số 40 là trên 2.000 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ Hội Nông dân quản lý chiếm gần 30% tổng dư nợ ủy thác; Hội Phụ nữ quản lý chiếm trên 35,7%; Hội Cựu chiến binh quản lý chiếm gần 19%; Đoàn thanh niên quản lý chiếm gần 16% tổng dư nợ ủy thác. Qua bình xét, đến nay, toàn tỉnh có gần 98% tổ TK&VV xếp loại tốt và khá.
Bà Dương Thị Kim Lợi – Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Nam cho biết: “Từ khi có Chỉ thị 40 của Ban Bí thư đến nay tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực hiện tín dụng chính sách. Chỉ thị thật sự đi vào lòng dân. Cùng với nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác cho Hội phụ nữ tỉnh quản lý, Hội cũng đã triển khai lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư giúp cho chị em có vốn đầu tư, tăng thu nhập cải thiện cuộc sống, giảm tình trạng thất nghiệp ở nông thôn, hạn chế cho vay nặng lãi, tín dụng đen, hỗ trợ kịp thời người có hoàn cảnh khó khăn với mục tiêu “Không để ai bị bỏ lại phía sau” của Đảng, Nhà nước“.
Trong những năm qua, tín dụng chính sách xã hội do NHCSXH chi nhánh tỉnh Hà Nam thực hiện đã góp phần quan trọng trong thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ mà tỉnh đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn. Đặc biệt, từ khi Chỉ thị số 40 ra đời, bộ máy được củng cố với sự tham gia của Chủ tịch UBND cấp xã là thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện. Từ đó, với trách nhiệm của mình, Chủ tịch UBND xã tham gia trực tiếp, cùng bàn bạc, cùng chỉ đạo, quản lý đồng vốn tín dụng chính sách. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất và điều kiện làm việc để NHCSXH thực hiện giao dịch tại 109 Điểm giao dịch xã, phường, thị trấn và người dân được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi được thuận lợi, nhanh chóng, không phải đi lại nhiều lần, được phục vụ tại nhà, nhận tiền vay tại xã thông qua mạng lưới 1.361 Tổ TK&VV tại thôn, xóm. Đây là điểm nổi bật nhất và thành công nhất khi thực hiện Chỉ thị số 40, đó là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Bà Trịnh Thị Hằng – Phó Bí thư TT thị ủy Duy Tiên, tỉnh Hà Nam cho biết: Xác định tín dụng chính sách xã hội là một trong những nguồn lực quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội. Sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW, Ban Thường vụ Thị ủy đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai phổ biến, quán triệt nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW và các văn bản liên quan của Chính phủ, của tỉnh tới 100% các chi bộ, Đảng bộ trực thuộc Thị ủy; chỉ đạo các các cơ quan, đơn vị, cấp ủy đảng, chính quyền xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là hoạt động thường xuyên, tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội của địa phương.
Bà Hằng nhấn mạnh: “Để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40, Kết luận số 06 góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững trong thời gian tới Thường vụ Thành ủy sẽ quan tâm lãnh đạo chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm sau: đó là tiếp tục triển khai, quán triệt, tuyên truyền việc thực hiện Kết luận 06 của Ban Bí thư để nâng cao nhận thức, vai trò của hoạt động tín dụng chính sách xã hội trong toàn Đảng bộ thành phố. Ngoài ra sẽ quan tâm bố trí một phần ngân sách của địa phương bổ sung vào nguồn vốn vay của ngân hàng Chính sách xã hội để tạo điều kiện cho người nghèo các đối tượng chính sách khác tiếp cận các nguồn vốn vay”.
Hà Nam
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/chi-thi-so-40-cttw-kim-chi-nam-cho-tin-dung-chinh-sach-tai-ha-nam-ky-2-158807.html