Kỳ 1: Đưa chỉ thị số 40 vào cuộc sống
Công tác xóa đói giảm nghèo là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội thị xã Mỹ Hào luôn chú trọng và quyết tâm thực hiện mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn thị xã “nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng trong thị xã ”. Trong số các giải pháp thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, Thị Ủy - HĐND- UBND thị xã Mỹ Hào đã đặc biệt quan tâm đến biện pháp dẫn vốn tới người nghèo còn gặp khó khăn trong sản xuất. Từ chủ trương trên, trong những năm qua Thị ủy - HĐND- UBND và Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH thị xã Mỹ Hào đã luôn quan tâm, triển khai, chỉ đạo hoạt động của PGD Ngân hàng CSXH thị xã Mỹ Hào.
Chỉ thị số 40- CT/TW (Chỉ thị số 40) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội được Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI ban hành ngày 22/11/2014. Chỉ thị ra đời đã tạo bước đột phá, kết nối sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), hỗ trợ, thúc đẩy nhóm yếu thế trong xã hội vươn lên, thay đổi cuộc sống. Để chỉ thị số 40 thực sự đi vào cuộc sống, là kim chỉ nam cho con đường xóa đói, giảm nghèo Thị ủy đã chỉ đạo UBND thị xã Mỹ Hào và Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH thị xã Mỹ Hào luôn bám sát và nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/06/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Công văn số 398-CV/TU ngày 12/07/2021 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên về việc thực hiện Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban bí thư; Công văn số 1568/UBND-TH ngày 21/7/2021 của UBND tỉnh; công văn số 946/UBND-NHCS ngày 25/8/2021 của UBND thị xã về việc thực hiện Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư; Ban hành kế hoạch số 98/KH-UBND ngày 26/9/2016 của UBND huyện Mỹ Hào về triển khai thực hiện kế hoạch số 98/KH-UBND ngày 24/5/2016 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quyết định số 401/QĐ-TTg ngày 14/03/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 36-CT/TU ngày 27/02/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; Theo kế hoạch UBND thị xã Mỹ Hào hằng năm sẽ dành tối thiểu 500 triệu đồng từ nguồn ngân sách thị xã để chuyển sang ngân hàng CSXH làm nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thị xã. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã thống nhất quan điểm về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội tại địa phương.
Từ khi có Chỉ thị số 40, nguồn vốn địa phương tính đến ngày 30/09/2024 là 16.139 triệu đồng được ủy thác qua Ngân hàng CSXH thị xã để thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trong đó nguồn vốn ủy thác của thị xã là 14.012 triệu đồng; nguồn vốn cấp xã, phường là 2.127 triệu đồng. Từ năm 2014 đến 30/9/2024 nguồn vốn ủy thác của đại phương đã giải ngân cho 653 hộ gia đình, đối tượng vay chủ yếu là những hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp vay vốn để chuyển đổi nghề và các hộ tại các làng nghề trên địa bàn thị xã; kết hợp với nguồn vốn đối ứng từ trung ương và của tỉnh đơn vị đã giải ngân cho 2.658 lượt hộ được vay vốn với tổng số tiền là 126.784 triệu đồng, tạo việc làm cho 4.537 lượt việc làm mới, trong đó có 448 hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp.
Chỉ thị 40 ra đời không chỉ là “cầu nối” giải ngân nguồn vốn tín dụng chính sách của Chính phủ mà còn là “đòn bẩy” thúc đẩy mối liên kết gắn bó mật thiết giữa Đảng - người dân - chính quyền trong công cuộc đẩy lùi đói nghèo, phát triển bền vững.
Các hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp ở phường Bần Yên Nhân được vay vốn tín dụng chính sách để chuyển đổi ngành nghề sản xuất kinh doanh
Bần Yên Nhân là một phường thuộc thị xã Mỹ Hào, có vị trí nằm ngay trên trục đường Quốc lộ 5 và ở trung tâm của thị xã Mỹ Hào. Nơi đây nổi tiếng với nghề làm tương truyền thống. Bên cạnh đặc sản tương Bần nổi tiếng, nơi đây còn được đông đảo người dân nhớ đến với làng đào ở tổ dân phố Phú Đa. Ông Ngô Đức Khải, chủ tịch hội nông dân phường chia sẻ: “Đầu những năm 2000, phong trào trồng đào cảnh bắt đầu rộ ở nơi đây. Thời kỳ đầu diện tích chỉ có vài sào, đến nay toàn tổ dân phố có gần 50 hộ trồng đào với tổng diện tích khoảng 10 ha, nơi đây trở thành vùng chuyên trồng đào cảnh lớn nhất của thị xã Mỹ Hào. Từ đó, cây đào đã trở thành cây trồng chủ lực của người dân Phú Đa, nhờ cây đào nhiều hộ dân đã có cuộc sống khấm khá hơn”.
Tuy nhiên, những năm gần đây, diện tích trồng đào ở Phú Đa ngày càng bị thu hẹp do quy hoạch đô thị. Nhiều hộ gia đình không còn diện tích đất nông nghiệp đã phải chuyển hướng sang nghề khác. Ông Đặng Văn Vinh, chủ tịch UBND phường Bần Yên Nhân cho biết: “Quá trình đô thị hóa là xu hướng tất yếu nhưng lãnh đạo địa phương vẫn mong muốn người dân tiếp tục gắn bó và duy trì nghề trồng đào, như một cách để giữ gìn nghề truyền thống, tạo nguồn thu nhập ổn định, góp phần nâng cao đời sống. Chính vì vậy, ngay từ khi chỉ thị 40 ra đời, năm 2019, Bần Yên Nhân là địa phương cấp xã đầu tiên trên địa bàn tỉnh Hưng Yên thực hiện ký hợp đồng ủy thác vốn sang NHCSXH số tiền 200 triệu đồng để cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến 30/9/2024, tổng số tiền phường Bần Yên Nhân đã ủy thác sang NHCSXH là 525 triệu đồng”. Từ nguồn vốn nhận ủy thác của địa phương, NHCSXH thị xã Mỹ Hào đã tổ chức giải ngân kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng, để vốn vay phát huy hiệu quả. Số tiền này đã giúp cho 8 lao động là những người bị mất đất nông nghiệp có vốn để thuê đất duy trì nghề trồng đào hoặc chuyển đổi ngành nghề sang kinh doanh thu mua phế liệu, kinh doanh dịch vụ…
Như trường hợp của bà Lê Thị Tám, sinh năm 1972 ở tổ dân phố Phú Đa, phường Bần Yên Nhân, là một trong những hộ gia đình trồng đào lâu năm ở địa phương nhưng thuộc diện bị thu hồi đất nông nghiệp. Bà Tám cho biết: “Năm 2020, khi nhận quyết định thu hồi đất của chính quyền địa phương, cả gia đình tôi đều rất hoang mang. Trước đây thu nhập từ trồng đào mang lại cho gia đình tôi cuộc sống ổn định, nhưng khi đất bị thu hồi rồi thì không biết sẽ làm gì để duy trì cuộc sống đây”? Năm 2021, bà Tám được duyệt cho vay 40 triệu đồng chương trình vay vốn Hộ cận nghèo để chăn nuôi gà, vịt. Năm 2023, được sự khuyến khích của hội nông dân phường và chính quyền địa phương về việc giữ gìn nghề trồng đào truyền thống, bà được NHCSXH cho vay 80 triệu đồng chương trình Giải quyết việc làm. Với số tiền này, gia đình bà Tám đã mạnh dạn đi thuê đất ở khu lân cận, tiến hành cải tạo đất và trồng lại 400 gốc đào cảnh. Với hy vọng khi tết đến xuân về vườn đào sẽ cho thu nhập khoảng 140 triệu/năm như trước đây.
Giống như bà Tám, từ đồng vốn vay giải quyết việc làm hỗ trợ các hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp phục hồi sản suất, gia đình anh Nguyễn Huy Khánh hay chị Vũ Thị Thu Nhài ở cùng tổ dân phố Phú Đa cũng đang hào hứng chờ đợi một mùa xuân đầy hy vọng.
Bà Lê Thị Tám bên vườn đào đầy tâm huyết của gia đình
Có thể thấy tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững của thị xã. Đồng thời, góp phần hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Với những quyết sách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương đã giúp hoạt động tín dụng xã hội – chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho người nghèo ngày càng hiệu quả, lan tỏa sâu rộng, xứng đáng với sứ mệnh là một chính sách an sinh xã hội đặc biệt, tiếp sức cho người nghèo, các đối tượng chính sách trong hành trình vượt lên đói nghèo, để không ai bị bỏ lại phía sau.
Phạm Ngọc Hà