Chi tiết về chế độ ốm đau theo Luật Bảo hiểm xã hội mới nhất

Chi tiết về chế độ ốm đau theo Luật Bảo hiểm xã hội mới nhất
10 giờ trướcBài gốc
Vợ sinh con, chồng được nghỉ hưởng chế độ thai sản
Theo quy định mới, người lao động tham gia BHXH bắt buộc sẽ được hưởng chế độ ốm đau khi nghỉ việc do các lý do như bị ốm đau hoặc tai nạn không thuộc phạm vi tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp; bị tai nạn trên đường đi làm hoặc về nhà theo tuyến đường, thời gian hợp lý; điều trị, phục hồi chức năng do bệnh tật, thương tật tái phát sau tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp; hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người; hoặc chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau.
Thông tư 12 cũng giải thích rõ một số trường hợp đặc biệt vẫn được hưởng chế độ ốm đau nếu đáp ứng đầy đủ điều kiện. Đơn cử như trường hợp lao động nữ trở lại làm việc sau khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều 53 Luật BHXH. Nếu người lao động nữ quay lại làm việc trước thời hạn nghỉ thai sản thì vừa được nhận lương do người sử dụng lao động chi trả, vừa tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản, đồng thời vẫn có thể được hưởng chế độ ốm đau nếu phát sinh ốm đau trong thời gian này.
Tương tự, các trường hợp cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng con nhưng không nghỉ việc vẫn có thể được hưởng chế độ thai sản. Nếu họ không nghỉ việc để nhận trợ cấp thai sản thì quyền lợi về chế độ ốm đau vẫn được bảo đảm khi đủ điều kiện. Một trường hợp đáng chú ý nữa là người lao động đang tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất (theo khoản 1 Điều 37 Luật BHXH) vì lý do doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh… vẫn được xem xét hưởng chế độ ốm đau nếu thuộc diện quy định tại Điều 42 của Luật.
Bên cạnh các điều kiện được hưởng, pháp luật cũng quy định rõ những trường hợp người lao động không được hưởng chế độ ốm đau. Cụ thể, nếu người lao động tự gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe; sử dụng ma túy, tiền chất ma túy không theo chỉ định y tế; đang trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lần đầu sau tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hay thời gian nghỉ việc trùng với nghỉ phép năm, nghỉ hưởng nguyên lương hoặc đang hưởng chế độ thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe thì sẽ không được hưởng chế độ ốm đau.
BHXH làm rõ về chế độ ốm đau theo Luật Bảo hiểm xã hội 2024, có hiệu lực từ tháng 7/2025
Thời gian hưởng chế độ ốm đau được tính theo ngày làm việc, không bao gồm ngày nghỉ lễ, Tết, nghỉ cuối tuần. Với người lao động bị ốm đau hoặc tai nạn thông thường, nếu làm việc trong điều kiện bình thường và đã đóng BHXH dưới 15 năm thì được nghỉ tối đa 30 ngày/năm; từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm được nghỉ tối đa 40 ngày/năm; từ 30 năm trở lên là 60 ngày/năm. Nếu làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại hoặc ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các mức này lần lượt là 40, 50 và 70 ngày/năm.
Chế độ ốm đau tính theo vị trí làm việc tại thời điểm nghỉ
Một điểm mới được Thông tư 12 làm rõ là việc xác định người lao động thuộc đối tượng làm việc nặng nhọc, độc hại hay ở vùng khó khăn căn cứ vào vị trí làm việc tại thời điểm nghỉ ốm. Ngoài ra, nếu thời gian nghỉ ốm đau chuyển tiếp từ cuối năm trước sang đầu năm sau, thời gian đó được tính vào năm người lao động thực tế nghỉ.
Đối với người mắc bệnh cần chữa trị dài ngày theo danh mục của Bộ Y tế, nếu sau khi đã nghỉ hết số ngày tối đa trong năm mà vẫn tiếp tục điều trị thì vẫn được hưởng chế độ ốm đau với mức trợ cấp thấp hơn, tính theo số năm đã đóng BHXH. Cụ thể, người đã đóng từ đủ 30 năm trở lên được hưởng 65% mức lương làm căn cứ đóng BHXH; từ đủ 15 đến dưới 30 năm là 55%; và dưới 15 năm là 50%.
Riêng với trường hợp nghỉ việc để chăm sóc con ốm đau, mỗi người lao động được nghỉ tối đa 20 ngày/năm nếu con dưới 3 tuổi và tối đa 15 ngày/năm nếu con từ đủ 3 đến dưới 7 tuổi. Tuổi của con được xác định tính đến ngày sinh nhật năm đủ tuổi, và căn cứ vào thời điểm người lao động bắt đầu nghỉ. Nếu cả cha và mẹ cùng tham gia BHXH bắt buộc thì đều có quyền nghỉ chăm con, miễn là mỗi người không vượt quá số ngày quy định đối với mỗi con. Nếu có từ hai con trở lên dưới 7 tuổi cùng bị ốm trong một thời gian, số ngày nghỉ được tính theo thời gian thực tế chăm sóc, không nhân đôi.
Về mức hưởng, trợ cấp ốm đau được tính dựa trên tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của tháng liền kề trước tháng nghỉ việc. Trường hợp nghỉ ngay trong tháng đầu tiên tham gia hoặc tháng mới trở lại làm việc thì căn cứ vào chính tháng đó. Mức hưởng thông thường được tính bằng 75% tiền lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH. Mức hưởng trợ cấp mỗi ngày được xác định bằng công thức: (Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH/24 ngày) x 75% x số ngày nghỉ.
Đối với bệnh dài ngày, tỷ lệ hưởng sẽ tương ứng là 65%, 55% hoặc 50% tùy theo số năm đã đóng BHXH, áp dụng công thức tương tự. Trong trường hợp nghỉ việc không trọn ngày, dưới nửa ngày được tính là nửa ngày; từ nửa ngày trở lên được tính là một ngày nghỉ. Thông tư 12 cũng nhấn mạnh, mức trợ cấp ốm đau sẽ được điều chỉnh nếu Chính phủ thay đổi các mức lương cơ sở hoặc mức lương tối thiểu vùng.
Quy trình giải quyết chế độ ốm đau cũng được hướng dẫn cụ thể. Người lao động cần nộp hồ sơ gồm các giấy tờ như Giấy ra viện, Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho người sử dụng lao động chậm nhất 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc. Sau đó, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập danh sách và gửi hồ sơ cho cơ quan BHXH trong vòng 7 ngày làm việc. Cơ quan BHXH sẽ giải quyết chế độ trong vòng 7 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ.
Túc Mạch
Nguồn Thị Trường Tài Chính : https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/bao-hiem/chi-tiet-ve-che-do-om-dau-theo-luat-bao-hiem-xa-hoi-moi-nhat-146105.html