Tham gia chạy xe công nghệ từ những ngày đầu mô hình này xuất hiện, đến nay đã hơn 10 năm, ông Phạm Mi Sên, Nghiệp đoàn Xe ôm, xe công nghệ quận Bình Tân (cũ, TP HCM), cho biết hiện có rất nhiều người coi đây là nghề chính, gắn bó lâu dài. Thế nhưng, dù làm việc trong môi trường nắng nóng, nặng nhọc, đối mặt với nhiều rủi ro, tài xế xe công nghệ vẫn chưa được công nhận là người lao động (NLĐ) theo quy định của pháp luật.
Mập mờ tên gọi "đối tác"
Theo ông Sên, công việc của tài xế xe công nghệ không khác gì NLĐ trong các ngành nghề khác. Tuy nhiên, vì được các công ty công nghệ gọi là "đối tác" nên họ không được tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cũng như các quyền lợi cơ bản khác. Thực tế, tài xế xe công nghệ đáp ứng đầy đủ tiêu chí NLĐ theo Bộ Luật Lao động 2019, bởi giữa họ và công ty có ký hợp đồng, dù mang tên gọi khác và vẫn thể hiện sự điều hành, giám sát của doanh nghiệp.
Ông Sên dẫn chứng: "Nếu giao dưới 35 đơn trong ngày, chúng tôi chỉ được hơn 100.000 đồng. Giao đủ 35 đơn trở lên mới được thưởng thêm 200.000 đồng. Dù không giao việc trực tiếp, nhưng công ty áp đặt cách tính thu nhập, buộc tài xế phải đi theo lộ trình đã được vạch sẵn". Ngoài ra, nếu bị khách hàng đánh giá thấp, tài xế có thể bị khóa app, mất việc, giống hình thức kỷ luật sa thải.
Về yếu tố "có trả lương", tuy công ty không trả trực tiếp nhưng lại quyết định mức chiết khấu cho tài xế sau mỗi cuốc xe, bản chất vẫn là tiền lương. Mối quan hệ này không bình đẳng như hợp đồng dân sự giữa hai bên độc lập, mà nghiêng hẳn về phía công ty công nghệ.
Dù không có quan hệ lao động chính thức, tài xế xe công nghệ vẫn bị quản lý rất chặt. Ảnh: VŨ LƯƠNG
Ông Lê Tấn Lưu, Chủ tịch Nghiệp đoàn Xe ôm, xe công nghệ quận Bình Tân (cũ), cho biết dù nghề này tiềm ẩn nhiều rủi ro, ngày càng có nhiều lao động chọn làm nghề mưu sinh chính và phải tự bảo vệ bản thân khi gặp sự cố, không được (công ty sử dụng) ứng dụng hay nhà nước hỗ trợ.
Để hỗ trợ nhau, Nghiệp đoàn đã tổ chức "Biệt đội cứu hộ" gồm 55 thành viên túc trực khắp địa bàn. Khi có tài xế gặp sự cố, đội có thể có mặt trong 5-10 phút để sơ cứu, sửa xe hoặc đưa đi bệnh viện. Ngoài ra, Nghiệp đoàn còn tổ chức tập huấn kỹ năng phòng vệ, giao tiếp với khách để tránh xung đột trong quá trình làm việc.
Về bảo hiểm tai nạn thì chưa đồng đều, một số ứng dụng chỉ mua cho tài xế lâu năm. Do đó, theo ông Lưu, cần xây dựng khung pháp lý riêng cho nghề này, buộc các công ty công nghệ phải ký hợp đồng lao động (ngắn hoặc dài hạn) với tài xế gắn bó lâu dài, xem đây là nghề nghiệp chính để bảo đảm an sinh.
Đồng tình, ông Dương Việt Linh, Giám đốc Kinh doanh nền tảng tuyển dụng Việc Làm Tốt, phân tích tài xế xe công nghệ đang là một bộ phận lao động phi chính thức rất lớn ở Việt Nam, đặc biệt tại các đô thị lớn như TP HCM và Hà Nội. Họ có thu nhập từ lao động thực tế, làm việc toàn thời gian nhưng lại không được công nhận là NLĐ đúng nghĩa trong mối quan hệ lao động.
Các công ty cung cấp ứng dụng thường né tránh trách nhiệm pháp lý bằng cách gọi họ là "đối tác hợp tác", dẫn đến hệ quả họ không có BHXH, BHYT, BHTN; không có bảo hộ pháp lý khi bị tai nạn lao động, xung đột với khách hàng hay bị khóa ứng dụng bất ngờ; không có đại diện thương lượng tập thể, không được tham gia Công đoàn chính thức.
Đáng nói là dù không có quan hệ lao động chính thức, tài xế xe công nghệ vẫn bị quản lý rất chặt: hệ thống đánh giá sao, thuật toán phân bổ đơn hàng, chính sách thưởng - phạt… Đặc biệt việc khóa app như một hình thức "đuổi việc" mà không cần quy trình kỷ luật. Những điều này cho thấy mối quan hệ lệ thuộc rõ ràng về mặt bản chất, chỉ là được "ngụy trang" dưới hình thức hợp đồng dân sự.
Hy vọng vào Luật BHXH sửa đổi
Theo ông Linh, ở góc độ xã hội, một bộ phận lớn NLĐ không nằm trong mạng lưới an sinh sẽ tác động không nhỏ như gia tăng bất bình đẳng và rủi ro nghèo hóa. Tài xế xe công nghệ không có hệ thống an sinh nào hỗ trợ khi tai nạn, ốm đau, hết khả năng lao động hay khi về già. Điều này sẽ tạo ra một lớp NLĐ "bị bỏ lại phía sau" trong xã hội hiện đại.
Việc hàng trăm ngàn lao động có thu nhập thực tế không tham gia BHXH sẽ gây thất thu lớn cho quỹ và đẩy gánh nặng chi trả về lâu dài cho ngân sách nhà nước. Đáng quan ngại khi một bộ phận lớn người dân chọn làm nghề tự do (với thu nhập nhanh, nhưng không ổn định), sẽ gây thiếu hụt lao động ở các ngành nghề sản xuất, dịch vụ truyền thống, ảnh hưởng đến năng suất quốc gia.
"Đã đến lúc Việt Nam cần nhìn nhận nghiêm túc hơn về lực lượng lao động mới này và có bước đi cụ thể, kịp thời để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho họ, đồng thời bảo đảm sự phát triển bền vững, bao trùm trong nền kinh tế số" - ông Linh nhấn mạnh.
Ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc BHXH Khu vực XXVII, nhận định từ ngày 1-7-2025, Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực, bổ sung quy định: nếu giữa NLĐ và bên sử dụng lao động có thỏa thuận (dù tên gọi khác) nhưng thể hiện yếu tố trả công, quản lý, điều hành thì phải tham gia BHXH bắt buộc. Với quy định này, tài xế xe công nghệ chính là đối tượng bắt buộc đóng BHXH, vì họ làm việc theo phân công của ứng dụng, thu nhập bị kiểm soát và có thể bị chấm dứt hợp đồng nếu không tuân thủ.
Ông Trần Dũng Hà nhấn mạnh: "Cơ quan BHXH sẽ phối hợp các đơn vị liên quan để rà soát, thu đúng - thu đủ BHXH, BHYT, BHTN với các trường hợp làm việc thực chất như NLĐ, nhằm bảo đảm quyền lợi và an sinh cho họ".
Về phía tổ chức Công đoàn TP HCM, thời gian qua đã triển khai nhiều mô hình chăm lo tài xế xe công nghệ, trong đó có các "Điểm dừng chân" miễn phí trên khắp địa bàn thành phố. Mỗi điểm đều có chỗ ngồi, wifi, trà đá miễn phí; kèm theo dịch vụ thay nhớt, kiểm tra xe giá ưu đãi. Đây còn là nơi giao lưu, tiếp nhận thông tin tuyên truyền pháp luật của tổ chức Công đoàn, góp phần hỗ trợ lực lượng lao động đặc thù này ổn định công việc và đời sống.
Cần cơ chế kiểm tra, xử lý
Về mặt pháp lý, các công ty công nghệ khi né tránh xác lập quan hệ lao động với đội ngũ tài xế xe công nghệ đã làm phát sinh nhiều bất cập, đặc biệt là sự phủ nhận quan hệ lao động thực chất. Theo quy định tại khoản 1 điều 13 Bộ Luật Lao động 2019, hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa NLĐ và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Nội dung trong điều luật này cũng nhấn mạnh trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.
Thực tế hoạt động của các tài xế xe công nghệ hoàn toàn đáp ứng đầy đủ các tiêu chí nêu trên, bao gồm có sự ràng buộc về công việc và tiền lương. Tài xế làm việc toàn thời gian hoặc bán thời gian, được nhận thu nhập từ công ty (dù thông qua ứng dụng trung gian), không khác gì hình thức trả lương theo sản phẩm; chịu sự điều hành, kiểm soát từ phía công ty công nghệ.
Từ các căn cứ trên, có thể khẳng định giữa công ty công nghệ và tài xế đã phát sinh quan hệ lao động trên thực tế, dù được "ngụy trang" bằng các hình thức pháp lý khác như "hợp tác", "liên kết", "cung ứng dịch vụ"…
Bên cạnh đó, chỉ khi NLĐ không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, họ mới được tham gia BHXH tự nguyện. Tài xế xe công nghệ có đầy đủ yếu tố xác lập quan hệ lao động thì doanh nghiệp không thể viện dẫn quy định về BHXH tự nguyện để đẩy trách nhiệm sang NLĐ.
Đã đến lúc pháp luật cần có những cơ chế kiểm tra, xử lý và hướng dẫn cụ thể để buộc các doanh nghiệp công nghệ thực hiện đúng và đầy đủ trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định pháp luật hiện hành.
Luật sư Đào Thị Bích Liên (Văn phòng Luật sư Hà Hải và Cộng sự)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 2-7
GIANG NAM - THANH NGA - CAO HƯỜNG