Đầu tư công tăng tốc nhờ cải cách hành chính, pháp lý
Dữ liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, giải ngân đầu tư công của Việt Nam trong nửa đầu năm 2025 đã tăng mạnh 40% so với cùng kỳ năm trước.
Theo phân tích của VinaCapital, mức tăng ấn tượng này đến từ 2 yếu tố chính: Nhận thức ngày càng cao về tầm quan trọng của đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền về địa phương, giúp tinh giản quy trình, tăng tính chủ động cho các cơ quan thực thi.
Nguồn Bộ Tài chính; VinaCapital
Một điểm đáng chú ý là tốc độ giải ngân tại cấp tỉnh tăng hơn 40%, thể hiện nỗ lực sáp nhập và cải tổ bộ máy hành chính tại nhiều địa phương. Việc sắp xếp 63 Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh thành 20 Kho bạc cấp khu vực, bỏ Kho bạc cấp huyện đã đơn giản hóa đáng kể thủ tục, giúp các nhà thầu có thể nộp hồ sơ trực tuyến và rút ngắn thời gian giải ngân từ vài tuần xuống chỉ còn 1 - 3 ngày.
Chính phủ cũng đang tích cực mở rộng phạm vi các loại hình hạ tầng được ưu tiên đầu tư, bao gồm cả các lĩnh vực mới như trung tâm dữ liệu và hạ tầng công nghệ cao. Các dự án lớn mang tính quốc gia như Sân bay Long Thành (13 tỷ USD), đường vành đai Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh (13 tỷ USD), hay tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (8,4 tỷ USD) đều được đẩy nhanh tiến độ với thời gian thực hiện rút ngắn tới 3 năm.
Song hành với cải cách hành chính, Chính phủ đang cập nhật khung pháp lý để tạo thuận lợi cho cả khu vực công và tư nhân trong lĩnh vực hạ tầng. Một loạt quy định mới đã được ban hành nhằm tháo gỡ các nút thắt về thủ tục, phân quyền và tài chính cho các dự án đầu tư công.
Trong đó, nổi bật là việc phân cấp thẩm quyền phê duyệt: Các dự án có tổng mức đầu tư dưới 10 nghìn tỷ đồng giờ đây có thể được các bộ, ngành hoặc địa phương phê duyệt, thay vì phải trình lên Thủ tướng như trước. Các quy định về giải phóng mặt bằng cũng được sửa đổi linh hoạt hơn, cho phép chia nhỏ theo nhóm dự án, giúp đẩy nhanh quá trình chuẩn bị và triển khai.
Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ mô hình đối tác công tư (PPP) đang được nới lỏng đáng kể: Chính phủ cho phép tăng tỷ lệ vốn góp ngân sách Nhà nước từ 50% lên 70% đối với các dự án ưu tiên; miễn yêu cầu về kinh nghiệm cho nhà đầu tư PPP mới. Các dự án theo hình thức Xây dựng - Chuyển giao (BT) vốn bị đình trệ cũng đang được khôi phục và mở rộng triển khai trở lại tại nhiều địa phương.
Về tài chính, Chính phủ đang khuyến khích hệ thống ngân hàng nới hạn mức tín dụng để hỗ trợ các dự án BOT, tạo thêm nguồn vốn dồi dào cho phát triển hạ tầng. Với tỷ lệ nợ công vẫn duy trì dưới 40% GDP và thặng dư ngân sách 5 tháng đầu năm đạt trên 5% GDP, Việt Nam có dư địa tài khóa lớn để tiếp tục duy trì tốc độ giải ngân cao.
Điểm tên cổ phiếu được hưởng lợi
Bên cạnh các chuyển động vĩ mô tích cực, làn sóng đầu tư hạ tầng cũng mở ra cơ hội cho nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, theo VinaCapital, số lượng doanh nghiệp niêm yết có khả năng hưởng lợi trực tiếp vẫn còn hạn chế do phần lớn các nhà thầu chính hiện nay là doanh nghiệp tư nhân.
Một số doanh nghiệp đáng chú ý có thể kể đến như Tập đoàn Hòa Phát (HPG) - nhà sản xuất thép hàng đầu Việt Nam, với năng lực sản xuất lớn, quản trị minh bạch và định hướng rõ ràng trong việc cung cấp sản phẩm cho các dự án đường sắt cao tốc. Ngoài ra, các công ty chuyên về đá xây dựng (như DHA, VLB, KSB) hay xi măng (như HT1) cũng được kỳ vọng hưởng lợi từ nhu cầu nguyên vật liệu tăng mạnh.
Trong phân khúc thi công và xây dựng, các mã như DPG, VCG, FCN, C4G, CTD hiện đang có lượng hợp đồng lớn và biên lợi nhuận ổn định nhờ dòng tiền từ Nhà nước. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số rủi ro như thời gian triển khai kéo dài hoặc phụ thuộc vào tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Ở chiều ngược lại, nhóm doanh nghiệp vận hành hạ tầng (như HHV, ELC) có dòng tiền ổn định và ít nhạy cảm với chính sách, nhưng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận thường không cao. Nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ cấu trúc tài chính và năng lực quản trị của từng doanh nghiệp khi lựa chọn cơ hội đầu tư trong làn sóng hạ tầng này.
Với loạt cải cách mang tính hệ thống và quyết liệt của Chính phủ, từ phân quyền đến nới lỏng quy định PPP, chuyên gia của VinaCapital nhận định, đà tăng trưởng trong giải ngân vốn đầu tư công sẽ còn tiếp tục trong các quý tới. Khi các rào cản pháp lý và thủ tục hành chính dần được tháo gỡ, Việt Nam có thể kỳ vọng đầu tư công sẽ trở thành trụ cột tăng trưởng; đồng thời tạo lực kéo cho khu vực tư nhân cùng phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn 2025 - 2030.
Hoàng Minh