Theo báo cáo mới công bố từ Cục Thống kê thuộc Bộ Tài chính, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý II/2025 tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,3% – mức đóng góp lớn nhất vào bức tranh tăng trưởng toàn ngành.
Ảnh minh họa.
Tính chung nửa đầu năm nay, chỉ số IIP ước tăng 9,2% so với cùng kỳ 2024 – mức tăng cao nhất kể từ năm 2020. Đây được xem là tín hiệu phục hồi mạnh mẽ của sản xuất công nghiệp trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn còn nhiều biến động.
Trong số các ngành chủ lực, một loạt lĩnh vực ghi nhận mức tăng nổi bật như: sản xuất ô tô tăng tới 31,5%; ngành da và các sản phẩm liên quan tăng 17,1%; sản phẩm từ cao su, plastic tăng 17%; may mặc tăng 15,1%; phương tiện vận tải khác tăng 14,1%; sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 13,7%...
Ngược lại, một số ngành tăng chậm hoặc sụt giảm như sản xuất đồ uống chỉ tăng 1,9%; thiết bị điện tăng 1,1%; ngành khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm sâu 8,2%.
Trên bình diện địa phương, có tới 62 tỉnh, thành phố ghi nhận mức tăng chỉ số IIP so với cùng kỳ năm trước. Riêng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (trước khi sáp nhập) là địa phương duy nhất ghi nhận mức giảm, ở mức 2,6%.
Những khu vực có mức tăng cao phần lớn nhờ vào sự phát triển của ngành chế biến, chế tạo hoặc lĩnh vực sản xuất – phân phối điện. Trong khi đó, các địa phương có chỉ số tăng thấp hoặc đi xuống đều liên quan tới sự sụt giảm của ngành khai khoáng hoặc điện.
Theo nhận định từ Cục Thống kê, việc tinh gọn bộ máy chính quyền địa phương và đơn giản hóa thủ tục hành chính sau quá trình sáp nhập đang góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động hơn trong tổ chức sản xuất – kinh doanh.
Bên cạnh đó, các chiến dịch chống hàng giả, hàng nhái được thực thi quyết liệt cũng tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn, kích thích các doanh nghiệp mở rộng sản xuất.
Nửa đầu năm nay, dòng vốn đầu tư công được đẩy nhanh tiến độ, cùng với xu hướng thu hút FDI vào bất động sản và công nghiệp xanh đã mang lại hiệu ứng tích cực cho các ngành sản xuất vật liệu xây dựng như xi măng, bê tông, thép...
Ở khối sản xuất phục vụ xuất khẩu, các ngành điện tử, dệt may, da giày vẫn giữ được lợi thế nhờ những thỏa thuận thương mại với Hoa Kỳ giúp giảm thuế, tăng sức cạnh tranh. Ngoài ra, FDI vào công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, đặc biệt trong các ngành máy tính, điện tử – tiếp tục đóng vai trò là “đầu tàu” thúc đẩy tăng trưởng cho cả khu vực sản xuất.
Tuy nhiên, có dấu hiệu cho thấy một số ngành đang chững lại. Đơn cử, ngành chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ chỉ tăng 5,8% trong quý II (so với mức tăng 16,2% ở quý I); ngành sản xuất nội thất như giường, tủ, bàn ghế cũng hạ nhiệt từ mức 12,6% ở quý I xuống còn 10,9% ở quý II.
Một điểm cần lưu ý là tỷ lệ tồn kho trong ngành chế biến – chế tạo hiện đang ở mức khá cao, bình quân 6 tháng đạt 85,7%, so với mức 76,9% cùng kỳ năm ngoái. Đây là yếu tố cần theo dõi, bởi tồn kho cao có thể tạo áp lực lên chi phí sản xuất và dòng tiền của doanh nghiệp.
Dù nhiều thách thức vẫn còn, đặc biệt là chi phí đầu vào và rủi ro từ chuỗi cung ứng toàn cầu, Cục Thống kê đánh giá xu hướng tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp sẽ được duy trì trong 6 tháng cuối năm 2025.
Động lực chủ yếu được kỳ vọng sẽ tiếp tục đến từ dòng vốn FDI vào công nghiệp chế biến – chế tạo, sự chuyển hướng sang sản xuất công nghệ xanh và hiệu quả từ các dự án đầu tư công quy mô lớn.
Tuy nhiên, để giữ vững và gia tăng đà tăng trưởng, các doanh nghiệp cần chủ động thích ứng với biến động thị trường, đẩy mạnh số hóa quản trị và tăng cường sử dụng nguyên liệu, thiết bị từ chuỗi cung ứng trong nước nhằm hạn chế rủi ro nhập khẩu và tiết giảm chi phí.
BN