Đẩy nhanh 282 dự án đầu tư công
Về tăng trưởng kinh tế và sản xuất công nghiệp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trương Việt Dũng cho biết, 6 tháng cuối năm 2025, Hà Nội tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp chế biến, chế tạo qua gói tín dụng ưu đãi lãi suất từ 3,9-4%, tập trung vào máy móc, khoáng phi kim loại, xe có động cơ, phấn đấu Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP đạt 7%. Đồng thời, Hà Nội tổ chức các hội thảo quốc tế kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu trong quý IV, thu hút các doanh nghiệp lớn từ Mỹ, Nhật, Hàn Quốc...
Thành phố tiếp tục triển khai các chương trình hành động, quan tâm hỗ trợ khoảng 80-100 doanh nghiệp công nghiệp mũi nhọn ứng dụng công nghệ 4.0; hỗ trợ khoảng 200 doanh nghiệp xuất khẩu kết nối với các thị trường tiềm năng Mỹ, EU qua nền tảng thương mại điện tử, dự kiến tăng kim ngạch xuất khẩu thêm khoảng 1 tỷ USD.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Trương Việt Dũng phát biểu tại kỳ họp
Về hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh, Hà Nội phấn đấu giảm tỷ lệ giải thể dưới 30% và tạm ngừng hoạt động dưới 15%. Thành phố triển khai các gói hỗ trợ tín dụng ưu đãi, miễn phí môn bài cho hộ kinh doanh mới trong 2 năm, giãn thuế giá trị gia tăng (VAT) 6 tháng cho các doanh nghiệp nhỏ; hỗ trợ 10.500 hộ kinh doanh lớn chuyển đổi thành doanh nghiệp theo Nghị định của Chính phủ, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đồng thời, Hà Nội tăng cường kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, triển khai mã QR truy xuất nguồn gốc cho 80% sản phẩm (trong quý III và đầu quý IV/2025). Thành phố sẽ tổ chức 3 tọa đàm với doanh nghiệp trong quý III và IV/2025, kết nối khoảng 50-80 doanh nghiệp có tiềm năng với các ngân hàng và quỹ đầu tư quốc tế.
Thành phố đẩy nhanh 282 dự án đầu tư công, với 85 dự án giao thông (22,9 nghìn tỷ đồng), giải quyết giải phóng mặt bằng cho 90% dự án trong năm 2025. Đặc biệt là số hóa 100% dữ liệu đất đai trong năm 2025, hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung cho các xã theo Kiến trúc chính quyền số 3.0. Thành phố tiếp tục hoàn thành kiểm kê đất đai và bản đồ hiện trạng sử dụng đất cho 100% thửa đất trong quý IV/2025.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Trương Việt Dũng cho biết, thời gian còn lại của năm 2025, Hà Nội sẽ đẩy nhanh các dự án giao thông, khởi công các cầu: Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi, Vân Phúc dịp 2/9 và cầu Thượng Cát dịp 10-10, tăng cường giải ngân đường Vành đai 4 lên 50% kế hoạch vào quý IV/2025.
Thực hiện chính sách hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh
Thành phố sẽ triển khai Kế hoạch chống ngập úng 2025, lắp đặt 50 trạm bơm tự động tại khu vực nội đô, xử lý các vi phạm trật tự đô thị; rà soát, điều chỉnh cục bộ các quy hoạch phân khu, quy hoạch không gian ngầm khu vực nội đô để đảm bảo tổng thể với đề án phát triển đường sắt đô thị. Hà Nội sẽ nâng công suất xử lý rác lên 8.000 tấn/ngày, đáp ứng 90% nhu cầu, hoàn thành Nhà máy đốt rác phát điện Sóc Sơn giai đoạn 2; đẩy nhanh dự án xử lý nước thải Việt Hưng, Nam An Khánh, giảm 50% ô nhiễm sông nội đô (chỉ số COD xuống 25 miligam/l) trong năm 2025.
Thành phố triển khai phân loại rác tại nguồn cho 80% hộ dân đô thị (trong năm 2026), hỗ trợ 50 làng nghề lắp đặt hệ thống xử lý nước thải; có các giải pháp phối hợp liên vùng qua Kế hoạch kiểm soát ô nhiễm sông Cầu Bay - Bắc Hưng Hải, ký thỏa thuận với Bắc Ninh, Hưng Yên.
Ngoài ra, Hà Nội sẽ hỗ trợ 50 dự án khởi nghiệp tại Hòa Lạc, thu hút 500 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài FDI công nghệ cao trong quý IV-2025; tổ chức các hội thảo kết nối doanh nghiệp công nghệ, trường đại học, viện nghiên cứu, hỗ trợ 200 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0, nâng chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) vào top 10 cả nước.
Quang cảnh kỳ họp
Thành phố đặt quyết tâm khởi công Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội (199ha) vào dịp 2/9, tập trung vào thu hút các lĩnh vực công nghệ sinh học, AI và tự động hóa…; có kế hoạch phối hợp với các trường đại học, học viện thực hiện chương trình đào tạo về AI chuyên sâu cho khoảng 10.000 người (doanh nghiệp, sinh viên, cán bộ, công chức...).
Về chính sách hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trương Việt Dũng cho biết, UBND thành phố đã ban hành hướng dẫn thực hiện bữa ăn với mức tối đa 30.000 đồng/học sinh/ngày, bảo đảm cơ cấu dinh dưỡng hợp lý (30% đạm, 50% tinh bột, 20% chất béo). Trước mắt, chính sách này được triển khai thí điểm tại 23 trường tiểu học thuộc các xã miền núi và khu vực bãi giữa sông Hồng, có cơ chế kiểm tra, giám sát định kỳ để bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả.
Về việc phân bổ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động từ cấp huyện về các xã, phường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trương Việt Dũng khẳng định, công tác này đã được triển khai theo đúng trình tự, định hướng của Trung ương.
UBND thành phố đã thực hiện điều động công chức, viên chức từ cấp huyện về cấp xã theo nguyên tắc cân đối, hài hòa, có ưu tiên bổ sung nhân sự cho các xã có tốc độ đô thị hóa nhanh. Tuy nhiên, do nguồn nhân lực chuyên sâu về quản lý đầu tư xây dựng tại các ban quản lý dự án cấp huyện còn hạn chế, việc bố trí đủ cán bộ chuyên môn cho các ban quản lý dự án cấp xã hiện nay vẫn là khó khăn.
Để khắc phục, thành phố đã chỉ đạo điều động một số công chức có chuyên môn phù hợp tăng cường cho các ban quản lý dự án cấp xã. Trong thời gian tới, khi mô hình chính quyền địa phương hai cấp vận hành ổn định và các quy định của Trung ương được sửa đổi, Hà Nội sẽ xem xét phê duyệt các đề án tự chủ cho các ban quản lý dự án cấp xã, bảo đảm mô hình tổ chức và biên chế được kiện toàn, nhân sự được tuyển dụng đầy đủ theo đúng vị trí việc làm, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Trương Việt Dũng, trước mắt Hà Nội đã thực hiện tiếp nhận công chức theo quy trình đặc biệt, bổ sung công chức cho các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, y tế. Tính đến nay, hơn 100 trường hợp đã được tiếp nhận và phân bổ về các phòng chuyên môn cấp xã, phường từ ngày 1/7. Đồng thời, thành phố đang tiếp tục rà soát, cân đối nguồn lực giữa các khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và chính quyền để điều động phù hợp; nghiên cứu phương án tăng cường nhân sự từ các sở, ngành chuyên môn về hỗ trợ cơ sở, nhất là tại những địa bàn còn thiếu cán bộ.
Phi Long