'Chìa khóa' của nền nông nghiệp bền vững

'Chìa khóa' của nền nông nghiệp bền vững
3 giờ trướcBài gốc
Ứng dụng công nghệ sinh học trồng dưa lưới trong nhà kính. Ảnh: M.Q.
Tạo nhiều thành tựu đột phá cho ngành nông nghiệp
Thông tin tại diễn đàn “Thành tựu và định hướng ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế” do Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức mới đây, ông Cao Đức Phát - nguyên Bộ trưởng Bộ NNPTNT, Chủ tịch HĐQT Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế - IRRI, cho biết những kết quả của công nghệ sinh học đã giúp ngành nông nghiệp có nhiều thành tựu đột phá trong 30 năm qua. Trong đó, những công nghệ nổi bật có nuôi cấy mô giúp lĩnh vực trồng trọt, đặc biệt là các sản phẩm như ngô, đỗ tương, bông… có năng suất vượt trội, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, cải thiện chất lượng đất, môi trường.
Theo TS Đỗ Tiến Phát - Trưởng phòng Công nghệ tế bào thực vật, Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), công nghệ chỉnh sửa gen tác động tích cực lên các giống thực vật, giúp tìm chức năng gen trên lúa, dưa chuột, đu đủ, xoan ta…; cải tạo giống cây trồng như nâng cao chất lượng cây đậu tương, cà chua; nâng cao tính kháng bệnh, chống chịu ngoại cảnh và điều kiện bất lợi. Ngoài ra, chỉnh sửa gen cũng được ứng dụng trên tế bào động vật như loài gà H’mông; vi sinh vật trên tế bào vi khuẩn Serratia marcescens.
Ông Phát cũng cho rằng các giải pháp nông nghiệp chính xác sẽ giúp nông nghiệp Việt Nam tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đồng thời giúp ngành này thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu. Việc ứng dụng công nghệ sinh học không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là “chìa khóa” để Việt Nam xây dựng một nền nông nghiệp bền vững và cạnh tranh cao.
Đồng quan điểm, bà Sonny Tababa, Giám đốc công nghệ sinh học CropLife châu Á đánh giá, cây trồng áp dụng công nghệ sinh học giúp Việt Nam thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu, giúp người dân nâng cao sinh kế, đảm bảo thu nhập, nhất là tại các vùng chưa đảm bảo về nước tưới, vùng sâu, vùng xa. Trải qua quá trình 10 năm phát triển công nghệ sinh học, Việt Nam đang trong giai đoạn rực rỡ nhất. Bởi đây là quãng thời gian đủ dài để các bên liên quan có những quan sát, nghiên cứu cặn kẽ về các thành tựu đã đạt được.
Xóa bỏ rào cản
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, PGS.TS Nguyễn Hữu Ninh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và môi trường (Bộ NNPTNT) thẳng thắn nhìn nhận, tại Việt Nam, nghiên cứu khoa học công nghệ luôn có độ trễ so với thực tế. Một phần nguyên nhân đến từ rào cản về các cơ chế, chính sách. Cụ thể, kết quả nghiên cứu thuộc phạm vi đầu tư của ngân sách nhà nước sẽ được xem là tài sản Nhà nước. Vì vậy, doanh nghiệp (DN) kém mặn mà trong việc phối hợp, đầu tư nghiên cứu công nghệ sinh học. Từ đó, ông Ninh đề xuất cần có cơ chế tạo điều kiện cho khối tư nhân tham gia vào hoạt động phát triển sản phẩm công nghệ sinh học; đầu tư cho các phòng sinh học trọng điểm để tập trung nghiên cứu với trang thiết bị hiện đại. Bên cạnh đó, cần xây dựng chính sách đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu về công nghệ sinh học và tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai những dự án nghiên cứu mới.
Về việc đổi mới sáng tạo trong DN, PGS.TS Phan Tiến Dũng - Trưởng ban Ban ứng dụng và Triển khai công nghệ (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng, một rào cản khác là quy định về phân chia lợi nhuận. Luật Sở hữu trí tuệ quy định nhà khoa học được hưởng 15-20% lợi nhuận. Luật Khoa học và công nghệ yêu cầu tối thiểu là 30% nhưng Nghị định 70 lại yêu cầu phần lợi nhuận phải nộp lại ngân sách nhà nước theo tỷ lệ kinh phí đóng góp. Điều này khiến nhà khoa học không nhận được gì nếu sử dụng toàn bộ kinh phí đến từ ngân sách nhà nước. Tại nhiều quốc gia, các nhà khoa học có quyền đứng ra làm DN và phát triển công nghệ mà chính họ đã nghiên cứu. Tuy nhiên, theo Luật DN, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ở Việt Nam, các nhà khoa học là viên chức lại không được quyền thành lập và quản lý DN, chỉ được góp vốn cổ phần. Đây cũng là rào cản lớn cho quá trình ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn.
Theo PGS.TS Phan Tiến Dũng, Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu khoa học. Hơn nữa, các chính sách hỗ trợ cần phải đồng bộ và phù hợp hơn bởi hiện tại nhiều chính sách còn chưa đủ mạnh và không hỗ trợ tốt cho DN trong quá trình thương mại hóa sản phẩm. Chúng ta cũng cần đơn giản hóa thủ tục để giúp các kết quả nghiên cứu được đánh giá và đưa ra ứng dụng trong thực tế một cách nhanh chóng, tạo ra giá trị thực tiễn cho xã hội.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1054 ngày 29/9/2024 về việc thành lập Khu Công nghệ cao sinh học Hà Nội. Theo đó, Khu Công nghệ cao sinh học Hà Nội có chức năng thực hiện các hoạt động công nghệ cao phù hợp với xu thế phát triển công nghệ cao trên thế giới và chính sách, định hướng phát triển công nghệ cao của Việt Nam, trong đó ưu tiên là lĩnh vực công nghệ sinh học.
Nam Anh
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/chia-khoa-cua-nen-nong-nghiep-ben-vung-10291991.html