Trước thách thức từ thuế quan Mỹ, các chuyên gia kinh tế đã phân tích sâu sắc và đề xuất loạt giải pháp cấp thiết. Từ đa dạng hóa thị trường, đổi mới công nghệ, cải cách thủ tục đến tối ưu chuỗi cung ứng và đàm phán khôn khéo, những kiến nghị này mở ra hướng đi giúp doanh nghiệp Việt vượt qua khó khăn, duy trì tăng trưởng.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế:
Khôn khéo "gỡ nút" thuế Mỹ, giữ hợp tác bền vững
Trước biến động thuế mới của Mỹ vừa áp lên hàng hóa Việt Nam, tôi cho rằng phản ứng nhanh chóng, quyết liệt của Chính phủ là hoàn toàn hợp lý và được cộng đồng doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp Mỹ, đánh giá cao. Vấn đề cốt lõi hiện tại là cách chúng ta triển khai những chỉ đạo này một cách hiệu quả.
Điều quan trọng nhất lúc này là phải giữ một cái đầu lạnh. Bình tĩnh ở đây không phải là thờ ơ, mà là tỉnh táo nắm bắt mọi diễn biến từ phía Washington, đồng thời theo dõi động thái của các quốc gia thương mại lớn khác. Chúng ta cần xây dựng các kịch bản ứng phó linh hoạt, không chủ quan nhưng cũng không bi quan thái quá. Đây là thách thức chung của toàn cầu, và quốc gia nào chủ động, khôn khéo hơn sẽ giảm thiểu được thiệt hại, thậm chí tìm thấy cơ hội.
Việt Nam vẫn còn "cửa" để đàm phán. Chúng ta cần kiên trì làm rõ mối quan hệ kinh tế song phương mang tính tương hỗ. Việc Mỹ chỉ ra 14 lĩnh vực vướng mắc là cơ sở để ta chủ động rà soát, đưa ra giải pháp cụ thể, thể hiện thiện chí hợp tác.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng việc hiện thực hóa các biên bản ghi nhớ, hợp đồng nhập khẩu hàng hóa Mỹ đã ký kết cũng là một điểm cộng quan trọng. Ảnh: QH
Một yếu tố mang tính "chìa khóa" là cách tiếp cận dựa trên số liệu và công thức tính toán mà Mỹ thường sử dụng. Hiện tại, hệ số thương mại của Việt Nam đang ở mức thấp, cho thấy còn nhiều rào cản. Chúng ta cần chứng minh sự cởi mở của mình và cam kết lộ trình tháo gỡ. Thậm chí, chúng ta có thể đề xuất phía Mỹ xem xét nâng hệ số này lên, một động thái có thể giúp giảm đáng kể mức thuế.
Việc hiện thực hóa các biên bản ghi nhớ, hợp đồng nhập khẩu hàng hóa Mỹ đã ký kết cũng là một điểm cộng quan trọng. Song song đó, cần hướng dẫn doanh nghiệp minh bạch hóa nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, chứng minh sự tham gia đầu tư của chính doanh nghiệp Mỹ vào chuỗi sản xuất tại Việt Nam.
Tuy nhiên, chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận những bất cập trong dữ liệu và cơ chế chứng minh nguồn gốc. Đây là điểm nghẽn cần sớm được giải quyết để tăng cường sức nặng trong đàm phán.
Với cách tiếp cận bình tĩnh, chủ động, khoa học và sự vào cuộc đồng bộ, tôi tin rằng Việt Nam hoàn toàn có cơ hội giảm thiểu tác động tiêu cực từ quyết định áp thuế này và duy trì đà hợp tác kinh tế tốt đẹp với Mỹ. Thời gian không còn nhiều, hành động khôn khéo và hiệu quả là yếu tố then chốt.
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, chuyên gia kinh tế:
Đa dạng hóa thị trường, đổi mới công nghệ ứng phó thuế quan Mỹ
Trong bối cảnh Mỹ áp dụng thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa Việt Nam, việc tìm kiếm các giải pháp tổng thể để giảm thiểu tác động là vô cùng cấp thiết. Một trong những hướng đi quan trọng là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Việt Nam không nên chỉ phụ thuộc vào một thị trường lớn như Mỹ mà cần mở rộng xuất khẩu sang các khu vực tiềm năng khác như châu Á, châu Âu và các quốc gia phát triển. Việc này sẽ giúp giảm thiểu rủi ro khi một thị trường gặp khó khăn và gia tăng cơ hội phát triển cho doanh nghiệp trong nước.
Cùng với đó, việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA với Liên minh Châu Âu là một giải pháp quan trọng. Các hiệp định này không chỉ giúp mở rộng thị trường xuất khẩu mà còn tạo điều kiện để Việt Nam gia tăng khả năng tiếp cận các thị trường lớn, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực từ chính sách thuế quan của Mỹ.
Một giải pháp không kém phần quan trọng là đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực sản xuất. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang sử dụng máy móc, thiết bị đã lạc hậu, năng suất thấp và tiêu tốn nhiều năng lượng. Để giữ vững cạnh tranh, doanh nghiệp cần đầu tư vào công nghệ hiện đại, đặc biệt là các thiết bị tự động hóa và tiết kiệm năng lượng. Để thực hiện điều này, chính phủ cần hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua các quỹ tín dụng ưu đãi, giúp họ tiếp cận công nghệ mới mà không gặp khó khăn về tài chính.
Đa dạng hóa thị trường, đổi mới công nghệ, cải cách thủ tục đến tối ưu chuỗi cung ứng và đàm phán khôn khéo là những giải pháp được các chuyên gia kinh tế kiến nghị. Ảnh:QH
Ngoài ra, cải cách thủ tục hành chính là yếu tố then chốt để giảm bớt vướng mắc cho doanh nghiệp. Các quy trình nhập khẩu nguyên liệu và thiết bị hiện nay quá phức tạp và mất thời gian, khiến doanh nghiệp khó khăn trong việc triển khai các dự án sản xuất hiệu quả. Việc đơn giản hóa các thủ tục này sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và thời gian, thúc đẩy sản xuất phát triển.
Cuối cùng, việc liên kết các doanh nghiệp nhỏ và vừa thành các tập đoàn lớn cũng là một giải pháp dài hạn. Tuy nhiên, hiện tại, các chính sách thuế chưa khuyến khích mạnh mẽ việc này. Chính phủ cần điều chỉnh các quy định thuế để tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác và phát triển quy mô doanh nghiệp, giúp họ có đủ sức mạnh đối phó với các cú sốc từ thị trường quốc tế.
Tóm lại, để ứng phó hiệu quả với thuế quan từ Mỹ và các thách thức khác, Việt Nam cần có một chiến lược toàn diện, bao gồm việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cao công nghệ sản xuất và cải cách thủ tục hành chính.
Ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại TP.HCM:
Tối ưu chuỗi cung ứng: Giải pháp giúp doanh nghiệp Việt giảm chi phí
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều ẩn số, doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với áp lực không nhỏ từ nhiều phía, đòi hỏi sự thích ứng linh hoạt hơn bao giờ hết.
Một trong những yếu tố gây khó khăn lớn hiện nay là sự thay đổi khó lường trong chính sách thương mại quốc tế từ các đối tác lớn như Mỹ, EU và Trung Quốc. Các biện pháp bảo hộ thương mại có dấu hiệu gia tăng đang tạo ra sự bất định cho dòng chảy hàng hóa, trực tiếp làm tăng rủi ro cho các doanh nghiệp xuất khẩu của chúng ta. Sự thiếu ổn định này khiến việc hoạch định chiến lược kinh doanh dài hạn trở nên phức tạp hơn.
Các doanh nghiệp Việt Nam phải rà soát, tối ưu hóa toàn bộ chuỗi cung ứng, giảm chi phí. Ảnh: QH
Bên cạnh rào cản chính sách, chi phí logistics leo thang đang thực sự "bào mòn" sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Giá cước vận tải biển chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, cùng với chi phí kho bãi và vận hành logistics ngày càng đắt đỏ, đang tạo thành một gánh nặng lớn. Đây là một bài toán khó, gây áp lực trực tiếp lên giá thành sản phẩm và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Trước "thách thức kép" này, sự chủ động và linh hoạt là yếu tố sống còn. Tình hình này buộc các doanh nghiệp phải rà soát, tối ưu hóa toàn bộ chuỗi cung ứng của mình, đồng thời quyết liệt tìm kiếm các giải pháp sáng tạo nhằm cắt giảm chi phí. Khả năng thích ứng nhanh chóng với những biến động của thị trường chính là chìa khóa để doanh nghiệp có thể đứng vững và vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
QUANG HUY