Không nằm ngoài “cuộc đua” chuyển đổi số, năm 2024, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh đạt được nhiều bước tiến quan trọng trong quá trình số hóa, phát triển nông nghiệp thông minh, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị, đưa nông nghiệp xứng tầm là 1 trong 3 trụ cột kinh tế quan trọng của tỉnh.
Trồng nho hạ đen ứng dụng công nghệ cao kết hợp làm du lịch đã tối ưu hóa lợi ích cho gia đình anh Trần Duy Đoan, thôn Hồng Sinh, xã Nhân Đạo, huyện Sông Lô. Ảnh: Nguyễn Lượng
Từ những con số “biết nói”…
Với định hướng phát triển kinh tế trên 3 trụ cột chính là công nghiệp, du lịch - dịch vụ và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng chuỗi giá trị, tỉnh chỉ đạo ngành NN&PTNT đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT), chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Triển khai Đề án chuyển đổi số ngành NN&PTNT giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 và chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh, năm 2024, Sở NN&PTNT đã tổ chức hơn 90 lớp tập huấn nâng cao năng lực chuyển đổi số cho 8.700 cán bộ ngành nông nghiệp, doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Cấp mới 45 mã số vùng trồng nội địa và 2 mã số vùng trồng xuất khẩu trên tổng diện tích canh tác hơn 91 ha; hỗ trợ triển khai 21 mô hình trồng trọt hữu cơ và theo hướng hữu cơ với tổng diện tích hơn 50 ha, hơn 1.500 ha diện tích trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGAP; duy trì và phát triển gần 300 trang trại, 95 cơ sở chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, quy trình VietGAP, ứng dụng KHKT trong sản xuất; xây dựng mô hình điểm áp dụng đồng bộ công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp với tổng kinh phí hỗ trợ 7,4 tỷ đồng…
Cùng với đó, Sở NN&PTNT phối hợp với Sở KH&CN xây dựng 11 dự án, đề tài nghiên cứu ứng dụng chuyển giao tiến bộ KHKT trong trồng trọt, chăn nuôi với nhiều mô hình có tính khả thi cao.
Đến nay, toàn tỉnh đã cấp hơn 90 mã số vùng trồng tại các địa phương với tổng diện tích 300 ha; có hơn 90% trang trại, mô hình chăn nuôi theo hướng trang trại ứng dụng công nghệ số trong sản xuất; 20% HTX nông nghiệp có hoạt động thương mại điện tử, ứng dụng nông nghiệp thông minh; hơn 20% hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử.
... Đến “trái ngọt”
Năm 2024, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng hệ thống cảm biến kiểm soát các yếu tố môi trường nước trong nuôi cá nước ngọt thâm canh đối với hộ gia đình ông Nguyễn Sơn Hải, thị trấn Tam Hồng (Yên Lạc).
Theo đó, gia đình ông Hải được hỗ trợ 10 nghìn con cá giống, đầu tư 2 hệ thống cảm biến tự động để nuôi cá trên diện tích 1 ha. Nhờ ứng dụng hệ thống cảm biến tự động trong nuôi cá thâm canh, cá sinh trưởng và phát triển tốt, vụ cá vừa qua, gia đình ông Hải thu lãi hơn 163 triệu đồng, cao hơn 25 triệu đồng/ha so với nuôi ngoài mô hình.
Ông Hải phấn khởi cho biết: “Ứng dụng quy trình nuôi cá thâm canh kết hợp vận hành hệ thống cảm biến môi trường nước tự động giúp nâng cao hiệu quả phòng bệnh trong nuôi trồng thủy sản, từ đó tăng năng suất và sản lượng, mang lại hiệu quả kinh tế và hạn chế ô nhiễm môi trường”.
Ứng dụng công nghệ cao trong nuôi cá nước ngọt thâm canh giúp gia đình ông Nguyễn Sơn Hải, thị trấn Tam Hồng, huyện Yên Lạc nâng cao năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế. Ảnh: Nguyễn Lượng
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, thúc đẩy số hóa trong sản xuất nông nghiệp, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất trồng trọt tập trung, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, trong đó, nhiều tiến bộ KHKT mới được nhân rộng và phát huy hiệu quả trong sản xuất như hệ thống canh tác lúa cải tiến SRI, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, quản lý cây trồng tổng hợp ICM...
Trong lĩnh vực chăn nuôi, các mô hình chăn nuôi khép kín theo quy trình tự động được nhân rộng, góp phần thay đổi tư duy của nông dân từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, gia tăng giá trị sản xuất và nâng cao thu nhập.
Năm 2024, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh đạt hơn 1,5%, năng suất lao động ngành nông nghiệp tăng 6,7%/năm; thu nhập của người dân khu vực nông thôn đạt 63 triệu đồng/người/năm, tăng 3 triệu đồng so với năm 2023.
Với mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gia tăng giá trị sản xuất, ngành NN&PTNT tiếp tục nâng cao nhận thức, kỹ năng chuyển đổi số cho cán bộ, các chủ thể sản xuất nông nghiệp; tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị phục vụ chuyển đổi số; nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các mô hình chuyển đổi số nông nghiệp hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.
Đồng thời, lồng ghép các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh khuyến khích chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nhân rộng các mô hình ứng dụng KHKT, công nghệ cao trong sản xuất; xây dựng một số mô hình điểm về chuyển đổi số trong sản xuất cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh để nhân rộng, quảng bá sản phẩm và nâng cao vị thế, giá trị nông sản của tỉnh, từng bước chuyển đổi phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng thông minh, hiện đại…
Hoàng Sơn