Du lịch Việt Nam 2025: Cách nào thu hút 23 triệu khách quốc tế?

Du lịch Việt Nam 2025: Cách nào thu hút 23 triệu khách quốc tế?
11 giờ trướcBài gốc
Đây được xem là một tham vọng và thể hiện kỳ vọng lớn từ ngành du lịch. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, cần phải có những bước đi cụ thể và chiến lược dài hạn…
Du khách tham quan Làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội). Ảnh: Đức Quang.
Những thách thức hiện tại
Năm 2024, du lịch Việt đón hơn 17,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 39,5% so với năm trước và đạt mục tiêu đặt ra từ đầu năm (đón từ 17 - 18 triệu lượt). Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, có được kết quả trên là nhờ tập trung đổi mới nội dung, phương thức xúc tiến quảng bá, phát huy cơ chế hợp tác công - tư để triển khai thành công các chương trình xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài, cùng hàng loạt chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại các lễ hội, sự kiện văn hóa, du lịch, hội chợ du lịch quốc tế ở nước ngoài…
Năm 2025, ngành du lịch sẽ tập trung vào việc khai thác sâu hơn các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, tăng cường liên kết với các hãng hàng không để mở thêm đường bay thẳng, đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong quảng bá và xúc tiến du lịch. Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam mới đây, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong chỉ đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tiếp tục tập trung vào 2 nhiệm vụ chiến lược là quản lý và quảng bá, xúc tiến du lịch, đồng thời tham mưu cấp trên sửa đổi Luật Du lịch và các văn bản quy phạm pháp luật nhằm phù hợp với tình hình mới.
Các chuyên gia du lịch cho rằng, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ sau đại dịch Covid-19, nhưng du lịch Việt vẫn đang đối diện nhiều thách thức. Cụ thể, hạ tầng du lịch tại Việt Nam mặc dù đã có những cải thiện đáng kể, nhưng vẫn còn nhiều thiếu sót so với các quốc gia có ngành du lịch phát triển mạnh. Đặc biệt, các tỉnh thành ngoài các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng hay Phú Quốc vẫn chưa có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đủ sức thu hút và phục vụ du khách quốc tế.
Một điểm hạn chế nữa trong ngành du lịch Việt Nam chính là sự thiếu hụt các sản phẩm du lịch cao cấp và độc đáo. Trong khi các thị trường du lịch lớn như Thái Lan, Singapore hay Malaysia đã phát triển những sản phẩm du lịch đa dạng, Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào các điểm đến truyền thống như biển, di sản văn hóa hay các tour du lịch sinh thái. Điều này khiến ngành du lịch Việt Nam thiếu tính cạnh tranh trong việc thu hút khách quốc tế, đặc biệt là những du khách có nhu cầu tìm kiếm những trải nghiệm mới lạ, độc đáo và mang đậm dấu ấn cá nhân.
Ngoài ra, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, ngành du lịch Việt Nam vẫn chưa tận dụng hết tiềm năng của công nghệ số. Việc áp dụng các nền tảng công nghệ trong việc quảng bá điểm đến, quản lý dịch vụ, cũng như trong việc tạo ra các sản phẩm du lịch thông minh, tiện lợi cho du khách vẫn còn rất hạn chế. Đây là một yếu tố quan trọng cần được cải thiện để nâng cao sự thuận tiện, tiện ích cho khách du lịch, đồng thời giúp các doanh nghiệp du lịch tối ưu hóa quy trình hoạt động của mình.
Phát triển sản phẩm du lịch độc đáo
Một trong những yếu tố quan trọng để thu hút khách quốc tế chính là chất lượng hạ tầng du lịch. Các chuyên gia đều nhấn mạnh rằng, Việt Nam cần phải có những bước đi quyết liệt trong việc cải thiện các yếu tố hạ tầng cơ sở phục vụ du lịch. Từ giao thông vận tải, khách sạn, đến các điểm du lịch cần phải được nâng cấp để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách quốc tế.
Không chỉ ở các thành phố lớn, việc phát triển các khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại các khu vực nông thôn cũng đang trở thành một xu hướng quan trọng. Ông Trần Đức - chuyên gia Du lịch bền vững (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định: “Du lịch xanh là lợi thế lớn của Việt Nam, đặc biệt khi khách quốc tế ngày càng tìm kiếm những trải nghiệm gắn liền với thiên nhiên và giá trị văn hóa bản địa. Việt Nam với tài nguyên thiên nhiên phong phú từ vịnh Hạ Long, rừng quốc gia Cát Tiên đến khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, đang tập trung phát triển các sản phẩm du lịch gắn liền với bảo tồn. Các địa phương như Quảng Ninh, Lâm Đồng đã tiên phong trong việc triển khai du lịch sinh thái, kết hợp với chương trình bảo vệ môi trường như hạn chế rác thải nhựa, thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo tại các cơ sở lưu trú”.
Bên cạnh đó, một yếu tố không thể thiếu trong việc thu hút khách quốc tế chính là marketing và quảng bá điểm đến. Việc xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam chưa thực sự mạnh mẽ và vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển. Các chiến dịch tiếp thị quốc tế cần phải được đầu tư mạnh mẽ hơn, không chỉ qua các kênh truyền thống mà còn thông qua các nền tảng số như mạng xã hội, các kênh quảng cáo trực tuyến. Điều này sẽ giúp du lịch Việt Nam dễ dàng tiếp cận với đông đảo khách du lịch quốc tế, đặc biệt là thế hệ trẻ, những người rất nhạy bén với công nghệ và thông tin trực tuyến.
Để hiện thực mục tiêu đón khách năm 2025, giới chuyên gia cho rằng, du lịch Việt Nam cần tiếp tục khơi thông nhiều điểm nghẽn và có những chính sách quyết liệt, đột phá hơn nữa. Trong đó, chính sách visa của Việt Nam đã có nhiều tiến bộ, nhưng chưa đột phá. Trong khi đó, “đối thủ” của du lịch Việt Nam là Thái Lan đã miễn visa 2 - 3 lần, lại miễn visa hoàn toàn cho các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Ấn Độ, mở rộng thị trường được miễn visa và liên tục tung ra các chính sách ưu đãi... nên khách tăng trưởng vượt trội.
Cùng với chính sách thị thực, ông Nguyễn Tiến Đạt - Giám đốc AZA Travel, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội cho rằng, hạ tầng du lịch của Việt Nam còn nhiều hạn chế khi các sân bay như Tân Sơn Nhất, Nội Bài... đều quá tải. Cần mở đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa... giúp lượng khách trải đều ra các vùng miền. Đặc biệt, điều cấp thiết là cần có sản phẩm du lịch chất lượng cao để hấp dẫn dòng khách hạng sang. Bởi Việt Nam có nhiều sản phẩm du lịch cho thị trường khách Á Đông, nhưng lại có rất ít sản phẩm dành cho khách phương Tây...
Ngoài ra, để phát triển du lịch Việt Nam nhanh và bền vững, ông Đạt cho rằng, cần xây dựng chiến lược phát triển du lịch quốc gia, trong đó đánh giá thị trường khách, quy hoạch phát triển sản phẩm du lịch cho từng thị trường mục tiêu, sau đó mới xây dựng các chiến lược quảng bá điểm đến, sản phẩm du lịch.
Xuân Dung
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/du-lich-viet-nam-2025-cach-nao-thu-hut-23-trieu-khach-quoc-te-10298821.html