Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia nêu rõ, một trong những mục tiêu đến năm 2030 là: Việt Nam lọt vào nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, trung tâm phát triển một số ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số mà Việt Nam có lợi thế
Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đặt mục tiêu đến năm 2030, trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu khu vực châu Á.
Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển trí tuệ nhân tạo
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn cho rằng, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu đang bước vào kỷ nguyên sử dụng công nghệ này.
Thứ nhất, về thị trường, Việt Nam có dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa và chuyển đổi số nhanh. Nhu cầu ứng dụng công nghệ trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế, nông nghiệp, tài chính...ngày càng lớn, tạo ra một “phòng thí nghiệm tự nhiên” để thử nghiệm và triển khai các giải pháp AI.
Thứ hai, về nguồn nhân lực, Việt Nam có lực lượng kỹ sư phần mềm và lập trình viên trẻ, năng động, có khả năng tiếp thu công nghệ mới rất nhanh. Đây là tiền đề quan trọng để xây dựng lực lượng nhân lực AI có chiều sâu.
Thứ ba, về hệ sinh thái khởi nghiệp, những năm gần đây, Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ của các startup công nghệ, nhiều trong số đó đã ứng dụng AI để giải quyết các bài toán thực tiễn. Cùng với đó, sự quan tâm của nhà nước và các quỹ đầu tư cũng tạo điều kiện thuận lợi cho hệ sinh thái này phát triển.
Tuy nhiên, để thực sự phát huy được những lợi thế hiện có, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hơn vào nghiên cứu cơ bản, phát triển hạ tầng dữ liệu, đặc biệt là đào tạo nhân lực chất lượng cao chuyên sâu về AI. Đồng thời, cần có chính sách mở và linh hoạt để hỗ trợ các doanh nghiệp và startup ứng dụng AI một cách sáng tạo và hiệu quả. Ngoài ra, chương trình giáo dục phổ thông cần tăng cường giáo dục STEM và định hướng nghề nghiệp trong lĩnh vực AI cho học sinh.
Tiến sĩ Đinh Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn. Ảnh: website trường.
Cũng theo thầy Tuấn, trước thực trạng Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức liên quan đến chi phí lao động thấp và sự cần thiết phải đầu tư vào giáo dục và đào tạo AI để tăng năng lực cạnh tranh, chúng ta cần tập trung vào ba giải pháp chính.
Trước hết, cần nâng cao chất lượng giáo dục AI. Trong đó, cần cập nhật chương trình đào tạo theo hướng thực tiễn, đẩy mạnh giảng dạy AI từ bậc phổ thông, tăng cường đào tạo liên ngành và hợp tác quốc tế.
Cùng với đó, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cần được chú trọng. Cụ thể, hỗ trợ sinh viên, giảng viên tiếp cận các dự án AI thực tế, khuyến khích học tập chuyên sâu, đồng thời tạo cơ chế thu hút nhân tài trong và ngoài nước.
Ngoài ra, cần xây dựng hệ sinh thái AI mạnh, hợp tác giữa trường đại học, doanh nghiệp và chính phủ để đầu tư vào nghiên cứu, ứng dụng AI vào sản xuất và dịch vụ, giúp nâng cao năng suất lao động và giá trị sản phẩm.
Cùng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Tiến Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng cho hay, Việt Nam có hệ thống các trường đại học, viện nghiên cứu đang tích cực đào tạo và đầu tư vào lĩnh vực AI. Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng của các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ, cùng với chính sách cởi mở trong việc thúc đẩy chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là những yếu tố đã góp phần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp giàu năng lượng.
Tuy nhiên, để thúc đẩy các lợi thế này thành đột phá, chúng ta cần chiến lược đầu tư bài bản, đặc biệt trong phát triển tài năng AI và kết nối giữa các bên: nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Tiến Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng. Ảnh: website trường.
Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Tiến Dũng, việc Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức liên quan đến chi phí lao động thấp và sự cần thiết phải đầu tư vào giáo dục và đào tạo AI để tăng năng lực cạnh tranh tạo nên hai mặt đối lập. Bởi mặc dù đây là thách thức liên quan đến chất lượng nhân lực AI, nhưng cũng là cơ hội phát triển công nghệ này nếu có giải pháp phù hợp. Do đó, để tháo gỡ những thách thức này, cần đồng bộ các nhóm giải pháp như: đầu tư mạnh vào giáo dục AI ở nhiều cấp độ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào đào tạo tại chỗ, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực AI và xây dựng chính sách thu hút chuyên gia AI toàn cầu.
Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng, với nhiều lợi thế như dân số trẻ, tỷ lệ sử dụng internet cao và hệ sinh thái khởi nghiệp năng động, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, để cạnh tranh toàn cầu, Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư vào đào tạo chuyên sâu, tăng cường hợp tác giữa nhà trường, doanh nghiệp và chính phủ nhằm xây dựng hệ sinh thái AI vững chắc, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm AI hàng đầu Đông Nam Á.
Thầy Quỳnh nhấn mạnh, việc làm chủ công nghệ là yếu tố then chốt giúp Việt Nam tự chủ, giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, từ đó thúc đẩy phát triển bền vững và nâng cao vị thế quốc gia trong nhiều lĩnh vực. Điều này cũng là nền tảng cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, góp phần vào tăng trưởng kinh tế. Việc đầu tư vào công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh, mà còn thu hút đầu tư nước ngoài, biến Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn cho các công ty lớn.
Hơn nữa, làm chủ công nghệ cũng yêu cầu nâng cao nguồn nhân lực qua giáo dục và đào tạo, giúp đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế tri thức. Cuối cùng, tự chủ trong công nghệ năng lượng giúp phát triển nguồn năng lượng tái tạo, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và bảo vệ môi trường, đồng thời khẳng định vị thế quốc gia trên trường quốc tế.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai
Trường học ươm mầm những “nhà phép thuật” về AI
Theo thầy Quỳnh, để góp phần đưa Việt Nam lọt vào nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, phát triển một số ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số mà Việt Nam có lợi thế, Trường Đại học Lạc Hồng tập trung vào 4 chiến lược trọng tâm.
Trước hết, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao được nhà trường chú trọng. Trong đó, trường xây dựng chương trình đào tạo chuyên sâu về AI – vi mạch ở bậc đại học và sau đại học, đồng thời, bồi dưỡng giảng viên, mời chuyên gia quốc tế để cập nhật kiến thức mới. Cùng với đó, nhà trường đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng, cụ thể, trường thành lập nhóm nghiên cứu chuyên sâu, tăng cường công bố quốc tế và hợp tác nghiên cứu trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, trường cũng đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp, hợp tác chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu và tổ chức thực tập, dự án thực tế giúp sinh viên tiếp cận môi trường doanh nghiệp. Ngoài ra, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục của trường cũng tích cực triển khai trợ lý ảo, hệ thống học tập thông minh, công cụ đánh giá tự động và ứng dụng AI trong quản trị, tuyển sinh, hỗ trợ sinh viên.
Sinh viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Lạc Hồng. Ảnh: website trường.
Còn theo thầy Lê Tiến Dũng, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng đã xác định AI là một trong những hướng nghiên cứu và đào tạo trọng điểm trong giai đoạn tới. Nhà trường đã triển khai chương trình đào tạo ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, đồng thời, tích hợp các học phần về AI vào chương trình của nhiều ngành công nghệ khác như Công nghệ thông tin, Tự động hóa, Kỹ thuật điện, Kỹ thuật Điện tử viễn thông, chuyên ngành Vi điện tử - Thiết kế vi mạch, Hệ thống nhúng và IoT, Kỹ thuật xây dựng – chuyên ngành Mô hình thông tin và Trí tuệ nhân tạo trong xây dựng,…
Bên cạnh đó, trường cũng thành lập các nhóm nghiên cứu về AI ứng dụng trong y tế, giáo dục, nông nghiệp, sản xuất thông minh và giao thông. Trong những năm học tới, nhà trường định hướng mở thêm các chương trình liên ngành gắn với các lĩnh vực công nghệ số mà Việt Nam có lợi thế như AI cho thành phố thông minh, phân tích dữ liệu lớn (Big Data), bảo mật hệ thống thông tin, mô hình số trong sản xuất. Đây là các lĩnh vực vừa phù hợp với định hướng phát triển kinh tế số quốc gia, vừa tận dụng được nguồn lực nghiên cứu và liên kết doanh nghiệp hiện có của trường.
Thầy Dũng cũng nhấn mạnh, để tạo ra những “nhà phép thuật” AI đưa Việt Nam đứng vào nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, chúng ta cần xây dựng một hệ sinh thái nuôi dưỡng tài năng một cách bền vững.
Thứ nhất, cần phát hiện, ươm mầm và bồi dưỡng tài năng về AI từ sớm. Trong đó, cần tạo điều kiện cho các trường phổ thông tổ chức các sân chơi công nghệ, trại hè AI nhằm phát hiện và bồi dưỡng học sinh đam mê công nghệ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Từ cấp phổ thông, cần có các chương trình học sinh giỏi công nghệ, trí tuệ nhân tạo cho học sinh tương tự như các môn Toán, Vật lý, Tin học. Cùng với đó, xây dựng học bổng khuyến tài và các chính sách hỗ trợ tài chính để thu hút, giữ chân những sinh viên xuất sắc theo đuổi nghiên cứu chuyên sâu về AI.
Thứ hai, đầu tư có chiều sâu vào đào tạo nguồn nhân lực AI chất lượng cao. Điều này đòi hỏi phát triển các chương trình đào tạo chuyên sâu về AI, học máy, dữ liệu lớn và các lĩnh vực liên quan theo chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, mời chuyên gia quốc tế, nhà khoa học đầu ngành trong và ngoài nước tham gia giảng dạy và cố vấn học thuật. Đồng thời, tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận các nền tảng công nghệ tiên tiến thông qua các phòng thí nghiệm AI hiện đại tại trường.
Thứ ba, tạo động lực học thuật và sáng tạo cho giảng viên, nhà nghiên cứu, những người làm việc trong lĩnh vực AI. Ban hành các chính sách đột phá xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh về AI, thu hút nhân tài, mời gọi các giáo sư, nhà khoa học hàng đầu thế giới, trong đó có đội ngũ trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài, về làm việc, giảng dạy và nghiên cứu trong lĩnh vực AI. Xây dựng cơ chế lương và đãi ngộ hợp lý để giữ chân nhân tài, khuyến khích đội ngũ giảng viên, nhà khoa học trình độ cao có nhiều thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực AI để họ yên tâm làm việc cống hiến lâu dài, cũng như thu hút được các nhân tài AI là người Việt Nam đang ở các nước phát triển về nước làm việc.
Thứ tư, thúc đẩy hợp tác đa ngành và liên kết thực tiễn. Các “nhà phép thuật” không thể chỉ ở trong phòng thí nghiệm, mà cần tham gia vào giải quyết bài toán thực tế – từ logistics, y tế, giao thông đến năng lượng. Chính môi trường thực tiễn sẽ là nơi “rèn phép” hiệu quả nhất cho họ. Cùng với đó, thiết lập quan hệ chặt chẽ giữa trường đại học, viện nghiên cứu với các doanh nghiệp, các vườn ươm khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm để tạo điều kiện cấp vốn, tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật cho các dự án khởi nghiệp về AI. Ngoài ra, thúc đẩy các hoạt động kết nối, hợp tác “3 nhà” (chính quyền - doanh nghiệp - đại học) liên ngành, liên lĩnh vực để đề xuất, tham gia các đề tài, dự án AI ứng dụng vào thực tiễn, giải quyết các bài toán thực tiễn để tạo ra được sự đột phá trong ứng dụng AI.
Mạnh Dũng