Nhà máy điện rác Sóc Sơn đang xử lý 4.000 - 5.000 tấn rác mỗi ngày.
Triển khai hàng loạt dự án nổi bật
Việc quyết tâm triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, không chỉ là lời cam kết nội tại mà còn là sự đáp ứng các nghĩa vụ quốc tế về bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. TP Hà Nội đã và đang triển khai hàng loạt dự án nổi bật nhằm hiện thực hóa tầm nhìn này, biến thách thức rác thải thành cơ hội phát triển.
Một trong những điểm sáng đáng chú ý là Nhà máy điện rác Sóc Sơn, tọa lạc tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn, huyện Sóc Sơn. Đây là nhà máy điện rác lớn nhất Việt Nam và được xếp thứ hai trên thế giới, chỉ sau Nhà máy điện rác Thâm Quyến của Trung Quốc.
Với công suất xử lý khoảng 4.000 - 5.000 tấn rác mỗi ngày nhờ 5 lò đốt hiện đại, nhà máy không chỉ giảm đáng kể lượng rác thải phải chôn lấp mà còn sản xuất điện năng cung cấp cho lưới điện quốc gia. Theo báo cáo mới nhất, nhà máy này đã vận hành ổn định, xử lý rác khép kín từ khâu tiếp nhận, lưu trữ, làm khô đến đốt phát điện, mang lại hy vọng cho việc cắt giảm ô nhiễm tại khu vực vốn từng là điểm nóng về môi trường.
Bên cạnh đó, dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá cũng là một nỗ lực quan trọng của TP. Với mục tiêu xử lý nước thải sinh hoạt từ các quận nội đô như Ba Đình, Đống Đa và Cầu Giấy, dự án không chỉ làm sạch nguồn nước mà còn hướng tới tái sử dụng nước thải, góp phần cải thiện chất lượng môi trường sống. Khi hoàn thành, hệ thống này được kỳ vọng sẽ giảm thiểu tình trạng ngập úng và ô nhiễm sông Tô Lịch – vấn đề nhức nhối nhiều năm qua của người dân Thủ đô.
Ngoài ra, Hà Nội còn lồng ghép thực hiện kinh tế tuần hoàn qua một số chương trình như hướng dẫn người dân phân loại và thu gom rác thải nhựa. Rác thải sau đó được tái chế và sử dụng để sản xuất các sản phẩm mới, giúp nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường…
Dù đã đạt được những kết quả bước đầu, hành trình phát triển kinh tế tuần hoàn của Hà Nội vẫn đối mặt với không ít rào cản. Một trong những vấn đề lớn nhất là hạ tầng xử lý rác thải chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Với hơn 6.500 tấn rác sinh hoạt mỗi ngày, trong khi năng lực xử lý của các nhà máy như Sóc Sơn chỉ đạt khoảng 60 - 70% tổng lượng rác phát sinh, phần còn lại vẫn phải chôn lấp – phương pháp gây ô nhiễm đất và nước ngầm.
Phần lớn là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xử lý rác thải hiện nay đều mới đang ở mức vừa và nhỏ, vốn hạn chế về công nghệ và tài chính để đầu tư vào tái chế hoặc tái sử dụng tài nguyên. Hạn chế này khiến nhiều DN muốn mở rộng sản xuất bao bì thân thiện môi trường nhưng chi phí đầu tư máy móc quá cao, trong khi thị trường tiêu thụ còn nhỏ. Nếu không có hỗ trợ từ chính sách, doanh nghiệp khó lòng chuyển đổi.
Các chuyên gia nhận định rằng, hạ tầng xử lý rác của Hà Nội hiện nay giống như một chiếc áo chật, không còn phù hợp với tốc độ phát triển của TP. Nếu không đầu tư mở rộng và nâng cấp, kinh tế tuần hoàn sẽ chỉ dừng lại ở lý thuyết.
Kinh tế tuần hoàn là hướng đi chính để Hà Nội giải quyết bài toán ô nhiễm và phát triển bền vững.
Kinh tế tuần hoàn là con đường tất yếu
Nhận diện rõ những thách thức, Hà Nội đã xây dựng “Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2025” với nhiều mục tiêu cụ thể. TP đặt kỳ vọng giảm 5 - 8% mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu trong các ngành sản xuất chủ lực như dệt may, thép, nhựa hay thực phẩm; 100% các quận, huyện, thị xã sẽ tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về lối sống và tiêu dùng bền vững, hướng tới thay đổi thói quen của người dân.
Một mục tiêu đáng chú ý khác là đến cuối năm 2025, 70 - 80% các chợ truyền thống và 100% các siêu thị, trung tâm thương mại sẽ không sử dụng túi nilon khó phân hủy. Thay vào đó, các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường như túi vải, túi giấy hay nhựa sinh học sẽ được khuyến khích sử dụng.
Về phía cộng đồng doanh nghiệp, TP Hà Nội đặt mục tiêu 100% các khu, cụm công nghiệp và 70% làng nghề được phổ biến kiến thức về sản xuất sạch hơn. Điều này không chỉ góp phần giảm ô nhiễm mà còn tạo ra việc làm xanh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Tuy nhiên, để đạt được những con số này, Hà Nội cần sự đồng lòng từ chính quyền, doanh nghiệp và từng người dân.
Theo TS Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Hà Nội nên đưa kinh tế tuần hoàn tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, năng lượng và vật liệu xây dựng.
Còn PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – chuyên gia kinh tế cho rằng, mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn cho Hà Nội không thể thiếu giải pháp thúc đẩy đào tạo nhân lực. Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ các ngân hàng cho vay đầu tư xanh, tận dụng các nguồn lực quốc tế đang hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi xanh để đầu tư cho doanh nghiệp.
Kinh tế tuần hoàn không chỉ là xu hướng mà còn là con đường tất yếu để Hà Nội giải quyết bài toán rác thải đô thị, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Những dự án như Nhà máy điện rác Sóc Sơn hay hệ thống xử lý nước thải Yên Xá đã chứng minh tiềm năng của mô hình này. Tuy nhiên, để biến tiềm năng thành hiện thực, thành phố cần vượt qua những rào cản về hạ tầng, nhận thức và chính sách.
Hầu hết các chuyên gia đều tin tưởng, Hà Nội có nhiều cơ hội vượt qua những khó khăn thách thức đó để phát triển kinh tế tuần hoàn, nhưng cần một lộ trình rõ ràng, đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ và nâng cao ý thức cộng đồng.
Nguyễn Quý