'Chìa khóa' giúp cảnh báo và giải quyết thách thức ô nhiễm môi trường

'Chìa khóa' giúp cảnh báo và giải quyết thách thức ô nhiễm môi trường
8 giờ trướcBài gốc
Ngoài việc đánh giá tính tuân thủ, KTNN ngày càng chú trọng đánh giá hiệu quả của các biện pháp nhằm phòng ngừa ô nhiễm, đặc biệt là giải pháp ứng dụng KHCN vào xử lý vấn đề này
Khoa học công nghệ giúp mang lại thay đổi đột phá...
Thời gian qua, nhiều thành phố lớn trên cả nước liên tục đưa ra các cảnh báo về tình trạng bụi mịn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân. Bụi mịn PM2.5 và PM10 tại Việt Nam được hình thành chủ yếu từ các hoạt động đô thị hóa và công nghiệp hóa.
Những hạt bụi siêu nhỏ này không chỉ tồn tại trong không khí mà còn có khả năng len lỏi sâu vào hệ hô hấp, gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe của con người.
Theo các chuyên gia, nếu không được cảnh báo để người dân có các biện pháp bảo hộ, phòng ngừa, nguy cơ xâm nhập bụi mịn vào cơ thể là rất cao.
Ông Nguyễn Xuân Hải - Phó Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường - NNMT) cho biết, trước tình hình đó, nhiều thiết bị hiện đại phục vụ quan trắc đã được chế tạo trong nước, như thiết bị đo nồng độ Ozon, thiết bị đo bụi mịn PM2.5 và PM10 tích hợp cảm biến vi khí hậu.
Tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, đặc biệt là tại các đô thị lớn. Ảnh: N.Lộc
“Việc sử dụng mô hình hóa và ảnh vệ tinh để xác định nguồn phát thải là một bước tiến lớn trong công tác giám sát và cảnh báo môi trường” - ông Hải cho biết; đồng thời nhấn mạnh, đây là sản phẩm của KHCN với sự tham gia rày công của các nhà khoa học trong nước và đã mang lại sự thay đổi lớn trong cuộc sống.
Theo các chuyên gia, đối với việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong xử lý và quan trắc môi trường, một loạt công nghệ xử lý nước thải, khí thải và chất thải rắn đã được phát triển, thử nghiệm thành công, mở đường cho việc nhân rộng và ứng dụng thực tiễn.
Các công nghệ tiêu biểu bao gồm xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học, hóa lý; xử lý khí thải bằng phương pháp khô và ướt; xử lý rác thải bằng nhiệt phân, đốt rác phát điện, tái chế bùn thải thành vật liệu xây dựng và năng lượng tái tạo theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Nhiều sản phẩm trong số đó do các nhà khoa học trong nước nghiên cứu và thử nghiệm thành công, giúp giảm thiểu chi phí mua sắm, sử dụng công nghệ nước ngoài và phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam.
“Hàng tỷ đô la, đó là con số ước tính Việt Nam tiết kiệm được khi đưa các công nghệ xử lý môi trường vào ứng dụng thực tiễn” - ông Hải thông tin.
Dẫn chứng từ thực trạng tại Thủ đô, TS. Hoàng Dương Tùng (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) cho biết, tình trạng ô nhiễm không khí tại đây rất báo động, với chỉ số PM2.5 cao, vượt quá quy chuẩn cho phép 1,5-2 lần trong nhiều ngày. Số ngày có chất lượng không khí tốt chỉ chiếm 15%, trung bình 50%, kém và xấu 34%.
Đánh giá cao quyết tâm của Hà Nội như xây dựng hệ thống quan trắc không khí tự động; triển khai lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4,5; chuyển đổi một số tuyến xe buýt sang chạy điện…, vị chuyên gia này cho rằng, việc kiểm soát ô nhiễm thông qua đổi mới công nghệ cần được chú trọng hơn; đồng thời cần tiếp thu, cũng như phổ biến các mô hình tốt nhất ra thế giới và thúc đẩy hợp tác quốc tế để bảo vệ môi trường toàn cầu.
Theo Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ NNMT) Nguyễn Văn Long, đến nay đã có 33 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được áp dụng trong lĩnh vực môi trường, giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và kiểm soát ô nhiễm. Trong đó, các quy chuẩn đều được gắn với ứng dụng công nghệ mới nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm.
“Các nghiên cứu KHCN ngày càng chứng tỏ tầm quan trọng và là nền tảng quan trọng để xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật mới, phù hợp với thực tiễn sản xuất và nhu cầu bảo vệ môi trường” - Vụ trưởng Nguyễn Văn Long thông tin.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn cho thấy vẫn còn không ít khó khăn, tồn tại như nguồn nhân lực còn hạn chế cả về chất lượng và số lượng, thiếu các chuyên gia công nghệ có kinh nghiệm; Cơ chế chính sách chưa đủ mạnh để thu hút nhân tài, khuyến khích đổi mới sáng tạo; Kinh phí đầu tư cho nghiên cứu còn thấp, chủ yếu tập trung vào các vấn đề cấp bách mà thiếu nghiên cứu chuyên sâu, dài hạn. Nhiều đề tài mới chỉ dừng ở mô hình thí điểm, thiếu sự liên kết với doanh nghiệp để thương mại hóa công nghệ…
Cấp bách hành động vì môi trường, lấy KHCN làm giải pháp đột phá
Theo GS. Châu Văn Minh - Viện trưởng Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam, ÔNMT không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe cộng đồng, mà còn có thể ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư, cũng như sự phát triển bền vững, đặc biệt là tại các đô thị như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Thực tiễn này đòi hỏi các Bộ, ngành, địa phương cần phải có hành động mạnh mẽ hơn để phòng ngừa, cũng như ứng phó tốt hơn với tình trạng ÔNMT, trong đó, KHCN cần được coi là giải pháp mang lại đột phá.
“Trước những thách thức về môi trường, vai trò của KHCN trong quản lý và bảo vệ môi trường đang ngày càng trở nên quan trọng. Điều này có thể thấy rõ tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới với nhiều giải pháp đã được áp dụng, mang lại hiệu quả” - GS. Châu Văn Minh cho biết.
Chung ý kiến, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và ứng dụng KHCN trong lĩnh vực môi trường cần được chú trọng. Trong đó, cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ xử lý chất thải, quan trắc, tái chế, đặc biệt là công nghệ tiết kiệm năng lượng, công nghệ sạch, công nghệ thu hồi tài nguyên và năng lượng từ rác thải.
Từ thực trạng ứng dụng KHCN vào xử lý ÔNMT còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, Phó Cục trưởng Cục Môi trường Nguyễn Xuân Hải kiến nghị cần tăng đầu tư cho KHCN môi trường, đặc biệt là các phòng nghiên cứu, phòng thí nghiệm chuyên sâu; Thực hiện các dự án trọng điểm, tập trung vào công nghệ xử lý ô nhiễm, sản xuất sạch, quan trắc thông minh và số hóa dữ liệu môi trường; Thúc đẩy liên kết giữa nhà quản lý - nhà khoa học - nhà đầu tư - doanh nghiệp, biến các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm, dịch vụ thực tiễn;
Đặc biệt cần “tạo cơ chế tài chính linh hoạt, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu thử nghiệm, hướng tới các giải pháp có tính ứng dụng và thương mại hóa cao” - ông Hải cho biết; thêm rằng Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo khi đi vào cuộc sống sẽ giải quyết “nút thắt” này.
“KHCN không chỉ là nền tảng quan trọng trong quản lý và xử lý ô nhiễm mà còn là chìa khóa mở đường cho phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu và đô thị hóa nhanh chóng” - ông Hải nhấn mạnh.
GS,TS. Nguyễn Việt Anh - Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường cũng kiến nghị Nhà nước cần phát triển các chương trình KHCN quy mô lớn, mang tính liên ngành và hệ thống đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia nhằm tránh chồng chéo và tăng hiệu quả ứng dụng thực tiễn.
Dẫn ví dụ từ công nghệ xử lý chất ô nhiễm công nghiệp, vị chuyên gia gợi ý, một trong những công nghệ nổi bật hiện nay là sử dụng bọt mịn và bọt siêu mịn để xử lý nước thải sẽ giúp loại bỏ chất ô nhiễm.
Trước sự thay đổi trong phương thức quản lý, với sự hiện diện ngày càng sâu rộng của KHCN trong việc phòng ngừa, xử lý tình trạng ÔNMT, Kiểm toán nhà nước (KTNN) cũng đã có sự điều chỉnh cách thức tiếp cận, đánh giá đối với các vấn đề kiểm toán môi trường.
Kiểm toán viên Nhà nước khảo sát tại một trạm quan trắc, cảnh báo môi trường và tài nguyên nước. Ảnh N.Lộc
Theo lãnh đạo phòng Kiểm toán môi trường (KTNN chuyên ngành III), đối với các cuộc kiểm toán đã và sắp diễn ra, các Đoàn kiểm toán bên cạnh việc đánh giá tính tuân thủ pháp luật, cũng chú trọng hơn đến việc đánh giá tính hiệu quả của việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, xử lý ÔNMT, đặc biệt là việc ứng dụng KHCN nhằm đối phó với các thách thức trong lĩnh vực môi trường, từ đó đưa ra các kiến nghị kiểm toán phù hợp, khả thi và có tính dự báo cao.
“Qua kiểm toán cho thấy vấn đề bảo vệ môi trường ngày càng trở nên cấp bách. Trong đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp, với nền tảng là KHCN sẽ mang lại những chuyển biến có tính đột phá trong ứng phó, xử lý tình trạng ÔNMT” - một kiểm toán viên có kinh nghiệm trong kiểm toán môi trường cho biết; đồng thời thêm rằng, việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động kiểm toán giúp mang lại hiệu quả kiểm toán trong lĩnh vực này là minh chứng rõ nét cho vai trò ngày càng quan trọng của KHCN.
Ngày 18/5 được lấy là Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Nhân dịp này, nhiều hoạt động được tổ chức trong bối cảnh ngành cả nước tập trung triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị. Nghị quyết xác định phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là yếu tố then chốt, điều kiện tiên quyết và thời cơ tốt nhất để Việt Nam bứt phá, hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới.
N.LỘC
Nguồn Kiểm Toán : http://baokiemtoan.vn/chia-khoa-giup-canh-bao-va-giai-quyet-thach-thuc-o-nhiem-moi-truong-40339.html