Sự ra đời của Nghị quyết thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước, đồng thời đáp ứng yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn khi thể chế pháp luật là một trong những "điểm nghẽn của điểm nghẽn".
Biến thể chế trở thành lợi thế cạnh tranh
Những năm qua, hệ thống pháp luật Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, trước những biến động nhanh chóng của tình hình thế giới và khu vực, cũng như yêu cầu ngày càng cao của quá trình phát triển đất nước, hệ thống pháp luật hiện hành bộc lộ không ít hạn chế.
Trong bài viết “Phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” vào tháng 10-2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ “Một số chủ trương, định hướng lớn của Đảng chưa được thể chế kịp thời, đầy đủ hoặc đã thể chế nhưng tính khả thi không cao; hệ thống pháp luật còn có quy định mâu thuẫn, chồng chéo, chưa phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, chậm được bổ sung, sửa đổi, thay thế. Cơ chế, chính sách, pháp luật chưa tạo dựng được môi trường thực sự thuận lợi để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng như trong nhân dân”.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV. Ảnh: VGP
Với tình hình đó, Nghị quyết 66 ra đời mang một ý nghĩa chiến lược; thể hiện quyết tâm chính trị cao của Trung ương và Bộ Chính trị trong việc nhìn thẳng vào những tồn tại, yếu kém của hệ thống pháp luật, xác định rõ mục tiêu đổi mới toàn diện công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Việc coi thể chế là "điểm nghẽn của điểm nghẽn" cho thấy nhận thức sâu sắc về vai trò then chốt của pháp luật trong việc khơi thông mọi nguồn lực, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch, và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Mục tiêu cao nhất mà Nghị quyết hướng tới là biến thể chế pháp luật trở thành một lợi thế cạnh tranh thực sự của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế. Điều này không chỉ giúp Việt Nam thu hút được nguồn vốn, công nghệ và nhân lực chất lượng cao, mà còn tạo ra một nền tảng pháp lý vững chắc cho sự phát triển bền vững, bao trùm và thịnh vượng. Một hệ thống pháp luật hiệu quả, minh bạch và dễ tiếp cận sẽ củng cố niềm tin của nhà đầu tư, tạo động lực cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng suất lao động, đưa Việt Nam vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Rõ tính chất “chìa khóa”
Điểm nhấn mang tính chất “chìa khóa” của Nghị quyết 66 là xác định rất rõ mục tiêu gắn với mốc thời gian cụ thể, đồng thời đề ra các nhiệm vụ, giải pháp mang tính khoa học và cách mạng.
Trong đó, Bộ Chính trị xác định, ngay trong năm 2025, cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” do quy định pháp luật. Năm 2027, hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản pháp luật bảo đảm cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của bộ máy nhà nước theo mô hình chính quyền 3 cấp. Năm 2028, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, góp phần đưa môi trường đầu tư của Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN...
7 nhiệm vụ, giải pháp lớn nêu trong Nghị quyết đều rất mới và thể hiện rõ tinh thần hành động cách mạng. Tiêu biểu, Bộ Chính trị khẳng định phải dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; bảo đảm thực chất quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản và quyền tự do hợp đồng, sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Khẩn trương sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật đáp ứng yêu cầu thực hiện chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính, gắn với phân cấp, phân quyền tối đa theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” và việc cơ cấu lại không gian phát triển mới ở từng địa bàn...
Về nhân sự thực hiện nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện pháp luật, Bộ Chính trị chỉ đạo thực hiện chính sách đặc thù, vượt trội, áp dụng chế độ thù lao, thuê khoán tương xứng; hỗ trợ hằng tháng bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng đối với người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật tại một số cơ quan, đơn vị.
Tính chất đột phá trong Nghị quyết 66 còn nằm ở những giải pháp có tính mấu chốt, như: Tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và thực hiện cơ chế tài chính đặc biệt cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Trong đó, bảo đảm chi cho công tác xây dựng pháp luật không thấp hơn 0,5% tổng chi ngân sách hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển; đồng thời tiến tới thành lập Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật do ngân sách nhà nước bảo đảm, kết hợp nguồn kinh phí xã hội hóa hợp pháp...
Không chỉ mang ý nghĩa “chìa khóa”, Nghị quyết 66 còn cho thấy sự nhất quán, đồng bộ và sáng suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị hướng tới “điểm hội tụ” là mục tiêu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới hướng đến 2 mốc kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước.
Tháo gỡ "điểm nghẽn của điểm nghẽn" thể chế sẽ khơi thông các nguồn lực tạo động lực cho phát triển đất nước. Ảnh: Nguyễn Quang
Những giải pháp then chốt và “trách nhiệm không của riêng ai”
Điểm mới được dư luận đánh giá cao là cùng với việc ban hành Nghị quyết 66, Bộ Chính trị bắt tay vào thực hiện ngay, thể hiện rõ một tinh thần cách mạng trong hành động, không chờ, không để có “độ trễ”.
Đó là cùng ngày ban hành Nghị quyết 66, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 288-QĐ/TƯ thành lập Ban Chỉ đạo trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật gồm 26 thành viên. Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp làm Trưởng ban; Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Phó Trưởng ban Chỉ đạo. 23 thành viên đều là những cán bộ lãnh đạo chủ chốt, đầu ngành của Trung ương, tâm huyết, giàu kinh nghiệm trong công tác lập pháp.
Cùng với sự quyết liệt của Bộ Chính trị, để Nghị quyết 66 thực sự đi vào cuộc sống tạo đột phá trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, xử lý “điểm nghẽn” thể chế, các cấp, ngành cần quán triệt sâu sắc 5 quan điểm chỉ đạo, 7 nhiệm vụ giải pháp thực hiện Nghị quyết.
Trong bài viết “Phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu 3 nhóm vấn đề cơ bản trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đây cũng có thể coi là những vấn đề rất cơ bản trong giải pháp thực hiện Nghị quyết 66, đặc biệt là việc xác định rõ đặc thù của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cần phải liên tục được hoàn thiện để thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, phát huy dân chủ, vì con người, công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Do đó, quá trình thực hiện Nghị quyết 66, cần có cơ chế kiểm soát hiệu quả việc thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng thành pháp luật của Nhà nước.
Đặc biệt, sự thượng tôn pháp luật là biểu hiện của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nên một điểm mấu chốt để Nghị quyết 66 phát huy hiệu quả là mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đi đầu trong chấp hành và tuân thủ pháp luật, lan tỏa tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật. Trên cơ sở đó, trước mắt, các cấp, ngành cần nỗ lực khắc phục khâu yếu là tổ chức thực thi pháp luật; khắc phục tình trạng còn một bộ phận cán bộ chưa chủ động, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ; tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, "đổ lỗi" cho hệ thống pháp luật để không thực hiện chức trách, nhiệm vụ...
Mặc dù nhiệm vụ đặt ra rất khó khăn, nhưng triển vọng cũng rất rõ ràng. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, thể chế hiện là “điểm nghẽn” lớn nhất, là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, nhưng cũng là “điểm nghẽn” dễ tháo gỡ nhất, dễ chuyển từ trạng thái khó khăn, vướng mắc sang trạng thái có thể cạnh tranh, đưa thể chế trở thành lợi thế cạnh tranh.
Thực hiện thành công Nghị quyết 66 không chỉ là nhiệm vụ của riêng các cơ quan nhà nước, của cán bộ, công chức, viên chức, mà còn là trách nhiệm chung của mỗi người dân Việt Nam trong việc xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật, dân chủ, công bằng và văn minh.
Minh Nguyệt