Một chiều đến nhà bạn chơi, nhìn mấy chiếc bát làm bằng trái dừa khô được bày trên kệ tủ làm vật trang trí, tôi thích thú vô cùng. Khi đang dõi theo những chiếc bát, bạn đứng bên cạnh tôi thủ thỉ, bạn đã cất công mua từ một xưởng làm đồ thủ công mỹ nghệ. Không dưng lúc đó, lòng tôi dâng lên bao ký ức thật đẹp, hình ảnh chiếc gáo dừa thân thương lại ùa về.
Tôi sinh ra vào những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, tuy quê tôi không nổi tiếng bằng xứ dừa Bến Tre nhưng cây dừa đã quá quen thuộc với mọi người. Trong làng, nhà ai cũng có vài ba cây dừa ở cạnh bờ ao, hay trong vườn nhà như một người bạn tuổi thơ. Tôi còn nhớ rất rõ, đến mùa thu hoạch dừa, mỗi cây dừa ba tôi thường để lại bốn, năm quả thật già. Một số ba để chúng rụng xuống ươm giống cây con; số còn lại ba hái xuống, phần cơm dừa để mẹ làm dầu dừa, nước cốt dừa còn phần vỏ thì tách làm gáo.
Ở quê tôi hồi đó gáo dừa thông dụng lắm. Hồi đó người ta không sử dụng nhiều đồ nhựa như bây giờ, phần vì nghèo khó nên người dân tằn tiện tự làm ra nhiều đồ vật như gáo dừa dùng múc nước hay thúng, mủng, dần, sàng được đan bằng tre. Hồi đó cũng chưa có giếng khoan, nước máy, nhà nào cũng có một chiếc giếng đào thật to. Khi nước được xách lên thau, chậu thì dùng gáo dừa để múc nước. Bên hiên nhà có chiếc lu sành hứng nước mưa, trên nắp lu, chiếc gáo dừa như một vật không thể tách rời, rất tiện lợi.
Ký ức của tôi đầy ắp hình ảnh những chiếc gáo dừa mộc mạc, thân thương. Tôi nhớ cả cách ba tôi tỉ mẩn, cẩn thận làm ra chiếc gáo dừa như thế nào. Dừa hái xuống, ba lựa trái thật tròn trịa, cạo sạch phần xơ đến nhẵn thín. Tất cả ba đều làm bằng đôi tay khéo léo, chẳng có máy móc hỗ trợ. Khi gáo dừa được làm sạch xơ thì đến công đoạn dùng dao nhọn khoét hai lỗ nhỏ để xiên tay cầm. Ba cũng nói rằng, công đoạn này phải tỉ mỉ, chính xác từng động tác. Nếu vội quá, gáo dừa sẽ xuất hiện đường nứt, như thế thì hỏng. Để tay cầm chắc theo thời gian, ba dùng dây kẽm siết lại hoặc một loại keo kết dính của thợ mộc để giữ cho chặt.
Nhớ những ngày mùa nóng nực, đi chơi đâu về sà vào lu nước mưa cầm chiếc gáo dừa múc nước uống thấy mát dạ, cơn khát tự tan biến lúc nào không hay. Mà thật lạ, không phải riêng tôi, hầu như ai cũng có cảm giác khi cầm gáo dừa múc nước uống thấy mát ngọt hơn khi dùng bát sứ, gáo nhựa hay cốc thủy tinh. Mẹ tôi nói chính chiếc gáo dừa cho ta cảm giác thân thuộc như vậy. Đó là khi nước mưa hòa quyện với mùi hương của gáo dừa, cảm giác như tất cả đang hòa với thiên nhiên làm một.
Ngoài làm gáo múc nước, những trái dừa khô ba tôi dùng để giữ nóng bình trà uống nước. Ba chọn trái dừa to tròn nhất, dùng cưa thợ mộc cưa ngang theo tỉ lệ vừa ý. Phần nhỏ phía trên dùng làm nắp, phần to phía dưới làm thân. Phần to phía dưới ba đẽo bằng phẳng để tránh chông chênh khi đặt trên bàn. Nhìn gáo dừa ba dùng ủ trà, coi bộ thế mà giữ nóng rất lâu, chẳng kém các bình làm bằng tre mây hay vải xốp.
Thật mừng khi gáo dừa bây giờ đã bước sang một trang mới. Nhiều nơi đã kịp khai thác, sáng tạo làm hàng mỹ nghệ xuất bán, làm đồ lưu niệm cho người nước ngoài. Gáo dừa được mang đi khắp thế giới với nhiều ý tưởng độc đáo như trang trí, làm tường ốp, đồ gia dụng… Mỗi lần nhìn quả dừa tôi lại nhớ đến những chiếc gáo dừa, một thời gắn bó một cách giản dị, thân thiện với bao thế hệ người dân các vùng quê.
NGỌC LINH