Khai quật di tích nền văn hóa Óc Eo-Ba Thê xã Óc Eo.
Năm 1944, nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret đến vùng Óc Eo, tỉnh An Giang khảo cứu đã phát hiện nền văn hóa cổ xưa. Sau đó, các nhà khoa học trong và ngoài nước tiếp tục thăm dò, khai quật. Vùng Óc Eo-Ba Thê đã dần lộ thiên các kiến trúc cổ xưa của Vương quốc Phù Nam được xây dựng từ khoảng thế kỷ thứ 6 đến thứ 8.
Óc Eo nền văn hóa của những giá trị lịch sử, khảo cổ
Các nhà khảo cổ mở rộng không gian nghiên cứu, khảo cổ từ đó khai quật lộ dần các di tích -Ba Thê thuộc huyện Thoại Sơn (nay là xã Óc Eo) còn ở nhiều địa điểm khác tại tỉnh An Giang (cũ) và vùng giáp ranh tỉnh Kiên Giang (cũ).
Tại các hội thảo khoa học liên quan đến nền văn hóa Óc Eo, các nhà khoa học, khảo cổ chỉ ra, những kết quả nghiên cứu, khảo cổ cho thấy Óc Eo-Ba Thê xưa kia không chỉ là một đô thị cổ, mà còn là thương cảng, là trung tâm tôn giáo lớn với sự tồn tại song song của cả Phật giáo và Hindu giáo.
Các cuộc hội thảo khoa học đã đánh giá nền văn hóa Óc Eo có giá trị rất quan trọng.
Rất nhiều hiện vật có giá trị trong các đợt khai quật cho thấy, thương cảng Óc Eo có sự giao thương vô cùng phong phú, không chỉ trong khu vực , mà còn sang cả Tây Á, Ấn Độ…
Với những giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, Di tích Óc Eo-Ba Thê đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2012. Năm 2013, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang (cũ) đã thành lập Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh tiếp tục khai quật khảo cổ, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích văn hóa Óc Eo…
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 115/QĐTTg ngày 23/1/2021 về Phê duyệt quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo-Ba Thê, thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Thủ tướng Chính phủ giao tỉnh và bộ, ngành tổ chức triển khai thực hiện.
Ban Quản lý di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh cho biết, ngày 4/1/2022, Trung tâm Di sản thế giới (UNESCO) đã ghi danh Khu Di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê vào danh sách dự kiến lập hồ sơ di sản văn hóa thế giới.
Hiện, đã hoàn thành hồ sơ giai đoạn 1 và đang trong quá trình thực hiện giai đoạn 2 về xây dựng hồ sơ khu di tích, trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Sau khi sáp nhập 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang thành tỉnh mới, lãnh đạo tỉnh An Giang mới tiếp tục kiểm tra, chỉ đạo Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo gấp rút các thủ tục để công tác xây dựng hồ sơ đề cử Khu di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê tỉnh An Giang trình UNESCO công nhận là hoàn thành đúng tiến độ.
Triển lãm cổ vật Óc Eo tại Bảo tàng tỉnh An Giang.
Khu di tích khi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới sẽ không chỉ là niềm tự hào của tỉnh, đất nước Việt Nam mà còn là sự ghi nhận của quốc tế đối với những giá trị lịch sử, văn hóa, khảo cổ của vùng đất Nam Bộ, đặc biệt là vùng đất An Giang.
10 bảo vật quốc gia
Những năm gần đây, ngoài nguồn vốn ngân sách tỉnh, Khu di tích Óc Eo-Ba Thê nhận được sự quan tâm đầu tư của các bộ, ngành Trung ương. Các dự án triển khai tại đây đã đem lại những hiệu quả nhất định, khu di tích được bảo vệ tốt hơn, ngày một khang trang hơn.
Toàn tỉnh, có 84 di tích văn hóa Óc Eo được Trung ương và tỉnh công nhận qua kiểm kê, xếp hạng. Trong đó, có quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo-Ba Thê xã Óc Eo (trước thuộc huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang cũ) với hơn 30 di tích; có 1 di tích cấp quốc gia và 4 di tích tích cấp tỉnh.
Hàng ngàn hiện vật nằm vùi dưới lớp đất cổ xưa đã hé lộ một vương triều xưa. Trong đó, di tích Giồng Xoài là một giồng cát lớn thuộc khu vực phía tây bắc của cánh đồng Óc Eo trong quần thể Khu di tích Óc Eo-Ba Thê.
Tại đây, các nhà khảo cố học đã xác định một lớp cư trú tiền Óc Eo cùng dấu tích các lớp nền móng kiến trúc tôn giáo bằng gạch đá... mang đặc điểm của nhiều giai đoạn phát triển từ giữa thiên niên kỷ I sang đầu thiên niên kỷ II.
Trong số hàng ngàn các hiện vật của nền văn hóa Óc Eo tìm được ở An Giang, có 10 hiện vật được Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. Hiện Ban Quản lý di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh lưu giữ 4 bảo vật gồm: Phù điêu Phật Linh Sơn Bắc, nhẫn Nandin Giồng Cát, đầu tượng Phật Linh Sơn bắc, Mộ vò Gò Cây Trâm.
Bảo tàng tỉnh An Giang lưu giữ 6 bảo vật quốc gia gồm: Tượng thần Brahma, tượng Phật gỗ, tượng Phật đá, bộ Linga-Yoni đá nổi, Mukhalinga Ba Thê, bộ Linga-Yoni Linh Sơn.
Bảo tàng tỉnh An Giang cung cấp cho chúng tôi thông tin về 6 bảo vật quốc gia. Chúng tôi chú ý tượng thần Brahma. Bảo tàng tỉnh An Giang thông tin, tượng thần Brahma phát hiện tại Giồng Xoài vào năm 1983 là tượng độc bản, cao 37,5cm, rộng vai 22,9cm có niên đại thể kỷ VI-VII.
Tượng thần Brahma được công nhận bảo vật quốc gia năm 2018.
Tượng thần Brahma còn lại từ một phần trên của ngực lên đỉnh đầu, tượng có chất liệu sa thạch hạt mịn, bề mặt ngoài có lớp patin màu xám trắng dầy do bị phong hóa. Đây là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, là tư liệu khoa học quan trọng không chỉ đối với khảo cổ học mà còn có giá trị lớn đối với nghiên cứu lịch sử văn hóa, mỹ thuật, tôn giáo…
Theo Bảo tàng tỉnh An Giang, đến năm 2018 hiện vật tượng thần Brahma mới được công nhận bảo vật quốc gia. Còn trước đó, trong năm 2014, Bảo tàng Metropolitan (Hoa Kỳ) đã liên hệ Bảo tàng An Giang đề nghị đưa tượng Brahma qua trưng bày triễn lãm với các cổ vật khác.
Bảo tàng đã yêu cầu họ giám định tượng thần Brahma để bảo hiểm và Bảo tàng Metropolitan đã định giá bảo hiểm trị giá 2 triệu USD.
Cùng với tượng thần Brahma là tượng Phật gỗ chế tác bằng gỗ sao, niên đại thuộc thế kỷ IV-VI, cổ tượng phát hiện vào năm 1983. Khi đó, người dân đào mương dẫn nước ở khu vực gò Giồng Xoài phát hiện tượng và được cán bộ Bảo Tàng tỉnh An Giang sưu tầm chuyển về bảo tàng vào năm 1984.
Tượng Phật gỗ Giồng Xoài được công nhận bảo vật quốc gia.
Hiện vật là một sản phẩm tiêu biểu, kết tinh đỉnh cao của nghệ thuật tạc tượng nói riêng. Đây là hiện vật quý hiếm, là tư liệu lịch sử quan trọng đối với việc tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử mỹ thuật, tôn giáo, lịch sử trao đổi quan hệ văn hóa cũng như nhận diện các đặc điểm văn hóa xã hội tín ngưỡng của cư dân ở Óc Eo-Ba Thê nói riêng và vùng nói chung trong thời kỳ này.
Bộ Linga-Yoni Linh Sơn liền khối chế tác từ sa thạch hạt mịn màu nâu đen đặt trên bệ thờ bằng đá được làm từ sa thạch hạt mịn màu xám đen còn nguyên vẹn, đầy đủ các bộ phận cấu thành gắn khớp chặt nhau, các chi tiết đều rất rõ nét.
Hiện vật được người dân phát hiện năm 1985 tại chân núi phía đông thuộc khu vực chùa Linh Sơn trong quần thể khu di tích Óc Eo-Ba Thê. Bảo tàng tỉnh An Giang thu thập và chuyển về bảo tàng nhiều lần, trong hai năm 1986 và năm 1987 mới ghép lại hoàn chỉnh.
Bộ Linga-Yoni Linh Sơn được công nhận bảo vật quốc gia.
Bộ tượng Linga-Yoni Linh Sơn với phần bệ thể hiện dạng hình khối nhiều tầng bên dưới được tìm thấy trong một số di tích khảo cổ học văn hóa Óc Eo ở miền Tây Nam Bộ song tất cả chỉ còn lại những mảnh vỡ, các phần cấu thành rời rạc không hoàn chỉnh. Riêng bộ linga-yoni tìm thấy ở khu vực Linh Sơn tự là hiện vật duy nhất còn đầy đủ các phần gắn khớp vào nhau, cũng là hiện vật được chế tác hoàn thiện nhất được tìm thấy.
Hiện vật là sản phẩm của quan trọng trao đổi, tiếp xúc giữa văn hóa bản địa và các yếu tố văn hóa ngoại nhập, là điểm nhấn quan trọng góp phần làm rõ nét hơn cho diện mạo khu di tích Óc Eo-Ba Thê vốn được nhận thức là một trung tâm dân cư-kinh tế-văn hóa phát triển rực rỡ trong thời kỳ văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam. Hiện vật là tư liệu quý để các nhà khoa học có thể tiếp cận nghiên cứu với nhiều góc độ khác nhau...
Sau đây là một số hình ảnh bảo vật quốc gia của tỉnh An Giang:
Tượng Phật đá Khánh Bình khai quật ở huyện An Phú cũ (tỉnh An Giang) lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh An Giang.
Đầu tượng Phật Linh Sơn bắc lưu giữ tại Ban Quản lý di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh.
Mộ vò Gò Cây Trâm lưu giữ tại Ban Quản lý di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh.
Bộ Linga-Yoni trong đó Linga bằng kim loại vàng được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh An Giang.
Mukhalinga Ba Thê lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh An Giang.
THANH DŨNG