Chiêm ngưỡng phiên bản đặc biệt của các bảo vật quốc gia về Phật giáo

Chiêm ngưỡng phiên bản đặc biệt của các bảo vật quốc gia về Phật giáo
5 giờ trướcBài gốc
Có 87 phiên bản và hình ảnh bảo vật quốc gia Phật giáo Việt Nam được trưng bày tại Học viện Phật giáo Việt Nam, huyện Bình Chánh trong khuôn khổ Đại lễ Vesak 2025.
Triển lãm nhằm giới thiệu khái quát về văn hóa Phật giáo Việt Nam trên các khía cạnh ngôn ngữ, pháp phục, kiến trúc, di sản.
Trên ảnh là phiên bản tháp thời Lý tại chùa Phật Tích.
Bản tháp gốc được vị vua thứ ba triều nhà Lý (Lý Thánh Tông) xây từ năm 1057-1066 tại chùa Vạn Phúc, núi Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh). Trong lòng tháp đặt "pho tượng mình vàng cao 6 thước".
Phiên bản tháp thời Lý được phỏng dựng dựa trên các tư liệu khảo cổ học, tư liệu lịch sử, với bình đồ hình vuông gồm 13 tầng, kết cấu lõi gạch ốp đá trang trí.
Đế tháp mang hình dáng núi Tu Di, trên tòa sen nghìn cánh mọc lên ngôi tháp báu như sự ứng hiện của chư Phật. Bốn phía có bát bộ kim cương trấn giữ, bảo hộ Phật pháp. Quanh tháp tụ hội các chim thần Ca Lắng Tân Già, cất tiếng hót từ nơi cực lạc. Những điêu khắc rồng, hoa dây thể hiện trình độ tạo tác tuyệt hảo của nghệ nhân, biểu đạt tư duy quảng đại, duy mỹ của một thời đại.
Kiến trúc sư Đinh Việt Phương (trong ảnh, trưởng nhóm nghiên cứu) cho biết trong triển lãm có 20 phiên bản là tượng Phật, còn lại là hình ảnh được giới thiệu tới công chúng.
Nhóm nghiên cứu phải mất 2 năm để hoàn thành những tượng Phật này. Các phiên bản tượng Phật bảo vật quốc gia được tái hiện lại với tỷ lệ nhỏ hơn từ 50-70%.
Phiên bản pho tượng A Di Đà ở chùa Phật Tích.
Bản tượng gốc là kiệt tác điêu khắc thời Lý, được nhà nước công nhận là bảo vật quốc gia năm 2013. Bản gốc pho tượng được tạo tác bằng đá xanh, kích thước cả bệ cao 277cm, thể hiện Đức Phật A Di Đà ngồi tọa thiền trên tòa sen theo lối kiết già toàn phần, dáng ngồi thanh thản tự tại.
Phiên bản Bức tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm chùa Báo Ân.
Bức tượng gốc là một kiệt tác trong nghệ thuật Phật giáo nước ta, được liệt vào danh sách 1 trong 113 bảo vật tiêu biểu nhất đến từ các nền mỹ thuật tôn giáo châu Á gồm các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Đây là một trong những báu vật minh chứng rõ ràng cho nét đặc sắc của nghệ thuật Phật giáo Việt Nam trong dòng chảy chung của nghệ thuật Phật giáo thế giới.
Phiên bản bộ tượng Tam Thế ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh).
Bản gốc gồm 3 pho biểu trưng cho 3 thế hệ: Phật A Di Đà - chủ trì quá khứ, Phật Thích ca Mâu ni - chủ trì hiện tại và Phật Di lặc - chủ trì tương lai. Các bức tượng có dáng ngồi theo tư thế nhập thiền trên tòa sen, hình thức thể hiện dung dị, khoáng đạt. Bộ tượng có niên đại thế kỷ 17, được công nhận bảo vật quốc gia năm 2020.
Phiên bản tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay chùa Bút Tháp (tỉnh Bắc Ninh).
Bản gốc có niên đại khoảng thế kỷ 17, được công nhận bảo vật quốc gia năm 2012. Tượng được làm bằng gỗ, cao 235cm, ngồi trong tư thế thiền định, có 11 mặt chính nhìn ra phía trước và 2 mặt phụ ở 2 bên. Tượng có 42 cánh tay lớn, cánh tay để trần, bàn tay trong tư thế ấn quyết và thiền định. Các vòng cánh tay phụ tạo thành một vòng tròn lớn đặt rời phía sau tượng (gồm 789 cánh tay), trong mỗi bàn tay có 1 con mắt.
Phiên bản 3 pho tượng Tam Thế ở chùa Linh Ứng (Bắc Ninh). Bản gốc được chế tác vào thế kỷ 17, công nhận bảo vật quốc gia năm 2013.
3 pho tượng Tam Thế chùa Linh Ứng đều được tạo tác bằng đá khối với kích thước rất lớn (tượng cao 1,46m, cả bệ cao 2,59m), nặng vài tấn. Tượng được tạo tác toàn thân trong khối đóng kín với thân hình to lớn. Sự độc đáo còn thể hiện ở phần bệ tượng với kiểu dáng và những mô típ hoa văn trang trí kế thừa những nét tinh túy của nghệ thuật thời Trần và thời Lê Sơ, thời Mạc, đồng thời tôn vinh được vẻ đẹp lý tưởng của Phật Pháp.
Phiên bản của tượng Tuyết Sơn chùa Mía (Hà Nội).
Bản gốc được chế tác trong khoảng thế kỷ 17,18. Bảo vật điêu khắc tái hiện giai đoạn tu khổ hạnh của Thái tử Tất Đạt Đa trước khi giác ngộ thành Phật.
Trong ảnh là phiên bản của tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn chùa Mễ Sở (Hưng Yên).
Tượng gốc được chế tác vào thế kỷ 19, công nhận bảo vật quốc gia năm 2018. Tượng làm bằng gỗ mít ngồi trên tòa sen trong tư thế thiền định, có 1.014 tay và mắt khác nhau, trong đó 42 tay lớn xếp thành từng đôi một đăng đối nhau. Điểm độc đáo của pho tượng là có thêm một đôi tay ở sau lưng.
Hai phiên bản tượng Quan Âm tống tử và Quan Âm tọa sơn của chùa Mía (Hà Nội). Hai pho tượng bản gốc có niên đại thế kỷ 17,18, làm bằng gỗ, sơn son thếp vàng.
Bản phỏng dựng tượng Phật Pháp Vân chùa Dâu (Bắc Ninh), hai bên là bộ tượng Kim Đồng - Ngọc Nữ. Bản gốc có niên đại từ thế kỷ 16, được công nhận bảo vật quốc gia năm 2017.
Gian trưng bày "Di sản Phật giáo miền Bắc" là một lát cắt sống động của hơn hai nghìn năm Phật giáo gắn bó với đời sống văn hóa, tâm linh của dân tộc. Trong ảnh là tháp đất nung thời Lý khắc dòng chữ “Tháp chủ khai thiên thống vận Hoàng đế”, có từ thế kỷ 16,17.
Bên cạnh các phiên bản tượng Phật là nhiều hình ảnh, tư liệu và trích đoạn giới thiệu về giá trị của các bảo vật quốc gia Phật giáo Việt Nam.
Nguyễn Huế
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/chiem-nguong-phien-ban-dac-biet-cua-cac-bao-vat-quoc-gia-ve-phat-giao-2398066.html