Có dịp tham quan Đại Nội Huế, đông đảo du khách thường dành thời gian đến với điện Thái Hòa để tham quan, tìm hiểu về ngôi điện này.
Được khởi công xây dựng vào tháng 2/1805 và hoàn thành vào tháng 10 cùng năm, điện Thái Hòa là một trong những công trình tiêu biểu của kiến trúc cung đình Huế.
Điện Thái Hòa là ngôi điện quan trọng nhất trong Hoàng Thành, là nơi đặt ngai vàng - biểu tượng quyền lực của triều đại, và là nơi cử hành các nghi lễ quan trọng nhất của triều đình và hoàng gia.
Trải qua thời gian, ngôi điện uy nghi, tráng lệ nhất trong hệ thống kiến trúc cung đình đã được trùng tu, sửa sang nhiều lần dưới thời các vua triều Nguyễn.
Sau gần 3 năm trùng tu, đến nay, điện Thái Hòa sắp sửa đưa vào phục vụ du khách trở lại.
Du khách được chứng kiến các nghệ nhân thực hiện những công đoạn trùng tu di tích.
Những ngày qua, đội ngũ nghệ nhân đang thực hiện các công đoạn cuối cùng trước khi đưa vào phục vụ du lịch.
Thu hút sự chú ý của nhiều du khách chính là hình ảnh Bửu tán nằm trên ngai vàng.
Bửu tán ngai vàng triều Nguyễn toát lên vẻ đẹp uy nghi, lộng lẫy và giàu giá trị văn hóa lịch sử.
Bửu tán là cái tàng lọng quý báu, che trên ngai vua, tạo nên sự uy nghi và trang trọng của không gian vua ngự.
Dưới thời vua Gia Long, bửu tán được làm bằng vải gấm. Năm 1923, để chuẩn bị cho lễ “Tứ tuần đại khánh” của mình, vua Khải Định đã cho làm bửu tán bằng gỗ thếp vàng.
Mỗi mặt của bửu tán chạm lộng hình hai con rồng chầu mặt vào nhau miệng ngậm chữ “Thọ”, bốn góc chạm hình đầu rồng nhô cao, xung quanh và các góc tạo hình các tua rủ uyển chuyển, mềm mại.
Theo các tài liệu, người chế tác bức bửu tán là nghệ nhân Nguyễn Văn Khả. Cảm phục tài năng của người nghệ nhân, vua Khải Định ban cho Nguyễn Văn Khả hàm “Hàn lâm kiểm thảo”, thường gọi là Kiểm Khả.
Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Bửu tán ở điện Thái Hòa sau thời gian trùng tu.
Bửu tán hứa hẹn sẽ gợi mở những câu chuyện hấp dẫn, kích thích sự tò mò, khơi dậy niềm tự hào và mong muốn tìm hiểu, khám phá của du khách đối với di sản quý báu này.
Hải Vân - Ảnh: TTBTDT CĐH