Giếng cổ tại Di tích quốc gia đền Trần Hưng Đạo, làng Thổ Khối, xã Yên Dương (Hà Trung).
Làng Thổ Khối và dấu ấn lịch sử
Vùng đất Tam Giang - Thổ Khối là nơi gặp gỡ của 3 con sông: Long Khê, Tống Giang, Hoạt Giang và chảy qua huyện Nga Sơn đổ về biển. Dãy núi đá Tam Điệp sừng sững hùng vĩ án ngữ cửa ngõ phía Bắc giáp ranh hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa như bức tường thành vững chắc lợi hại cả thế công lẫn thế thủ, một vị trí chiến lược quân sự hiểm yếu. Vì thế, Thổ Khối được vua Trần chọn làm căn cứ phòng thủ và làm “bàn đạp” để tấn công ra Bắc đánh thắng giặc Nguyên - Mông cách đây hơn bảy thế kỷ đã trở thành địa danh lịch sử đất nước.
Tương truyền, tại vùng đất Thổ Khối sình lầy khiến voi chiến khổng lồ được võ tướng nhà Trần là Dã Tượng nuôi dạy thuần phục đưa Hưng Đạo vương tới gần sông Hoạt thì bị sa lầy, càng vùng vẫy càng lún sâu, voi “thét” lên nước mắt giàn giụa rồi dần lún sâu xuống bùn... Cảm kích trước nghĩa tình của voi trận, Hưng Đạo vương bèn rút thanh gươm chỉ xuống dòng sông Hoạt mà thề rằng: “Trận này không phá tan quân giặc quyết không trở về dòng sông này nữa”.
Sau này, khi làm thủy lợi năm 1976, Nhân dân đã đào được một quả chuông đồng hình con voi, và câu chuyện dân gian về Mả Voi vẫn lưu truyền đến ngày nay. Ở đây có một gò đất lớn gọi là Nền Ấn mà vua tôi nhà Trần đã làm cơ sở bàn mưu tính kế tiêu diệt giặc. Tục truyền rằng: Để khích lệ quân sĩ, mỗi gia đình của huyện Tống Sơn (Hà Trung ngày nay) đều chuẩn bị một nắm cơm và con cá đồng nướng làm thức ăn động viên nghĩa quân đánh giặc. Ngày nay, Nhân dân địa phương vẫn giữ được nghi lễ và đồ vật dâng cúng không thể thiếu đặt ở cung đệ nhất đền thờ Hưng Đạo vương là “mo (niêu) cơm và một con cá nướng” trong các ngày giỗ chính, lễ hội truyền thống hàng năm. Có câu chuyện rằng: Những ngày bộ chỉ huy và vua tôi nhà Trần đóng hành doanh ở làng Thổ Khối, trai tráng khắp nơi kéo đến xin được tòng quân; các vị bô lão, phụ nữ ở các làng chở thuyền, gánh gạo giúp đỡ quân đội nhà Trần.
Hào khí Đông A
Vó ngựa hung hãn của giặc Nguyên - Mông xâm lược nước ta đã vấp phải sức mạnh Đại Việt với hào khí Đông A (nhà Trần) và lời thề “Sát Thát” nên thất bại. Năm 1283, Hốt Tất Liệt sai con là thái tử Thoát Hoan đưa 50 vạn quân sang xâm lược nước ta lần thứ hai để báo thù rửa hận. Hưng Đạo vương được vua Trần phong làm Quốc công tiết chế thống lĩnh toàn quân chuẩn bị và chỉ huy chống giặc. Nhà Trần mở hội nghị Bình Than cùng vương hầu bách quan “bàn kế đánh phòng, chia quân giữ nơi hiểm yếu”. Nhằm bảo toàn lực lượng, Hưng Đạo vương cùng vua tôi nhà Trần tổ chức cuộc rút lui tài tình từ Thiên Trường, Nam Định vào Thanh Hóa bằng đường thủy qua cửa biển Thần Phù, huyện Nga Sơn rồi dọc theo Hoạt Giang chọn Thổ Khối làm căn cứ phòng ngự, củng cố lực lượng, tích trữ lương thảo, ngày đêm luyện tập binh sĩ chờ thời cơ... Biết tin tướng Toa Đô rời Thuận Hóa vượt biển ra Bắc, Hưng Đạo vương thần tốc lên đường chặn đánh giặc, tướng Toa Đô tử trận, quân ta thừa thắng tiến đến cửa Bạch Đằng phối hợp với các đạo quân quét sạch giặc Nguyên - Mông ra khỏi bờ cõi nước ta, giành lại độc lập cho dân tộc. Đến năm 1287-1288, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn lại được cử làm tổng chỉ huy cùng quân dân tiến hành cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông lần thứ ba giành thắng lợi.
Bảo tồn phát huy giá trị di sản đền Thổ Khối
Hai tấm bia đá hiện lưu giữ tại đền Thổ Khối có nội dung ca ngợi công đức, sự nghiệp đánh giặc giữ nước hiển hách của Hưng Đạo vương và các lần trùng tu. Vào thời nhà Nguyễn năm Tự Đức thứ 3 (1850) ngôi đền được trùng tu. Năm Thành Thái thứ hai (1889), khi giặc Pháp xâm lược các tỉnh miền Đông Nam bộ rồi tiến ra Bắc kỳ, triều đình nhà Nguyễn phái đại thần Tôn Thất Thuyết ra Bắc dẹp giặc. Khi qua vùng đất Thổ Khối được biết có ngôi đền thờ Trần Hưng Đạo, ông vào khấn vái rồi hứa nếu được Đức Đại vương phù hộ thắng trận này sẽ về tâu trình vua cho xây dựng lại đền. Tôn Thất Thuyết tiếp tục tiến quân, thắng trận trở về ông tâu với vua Nguyễn, vua bèn ban sắc cho Nhân dân Thanh Hóa và phủ Hà Trung xây dựng lại ngôi đền bằng vật liệu gạch ngói theo kiểu kiến trúc thời Trần. Bằng nguồn vốn xã hội hóa và của Nhà nước, ngôi đền trở nên đẹp đẽ qua các lần trùng tu với thảm thực vật, cây xanh trùm bóng mát lung linh soi bóng bên dòng Tống Giang huyền ảo thơ mộng.
Toàn cảnh đền thờ Trần Hưng Đạo nhìn từ trên cao, làng Thổ Khối, xã Yên Dương (Hà Trung).
Tưởng nhớ một thiên tài quân sự mưu lược xuất chúng, tài đức vẹn toàn, làng Thổ Khối đã lập đền thờ, dựng bia khắc ghi công lao để tỏ lòng tri ân và noi gương, lưu truyền hậu thế. Hưng Đạo vương được Nhân dân tôn là “Đức Thánh Trần”, là “Cha”, xưng chức tước Hưng Đạo vương để tránh tên Húy và lưu truyền tục lệ “Tháng tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ”... Hàng năm làng Thổ Khối và huyện Hà Trung tổ chức giỗ (kỵ) vào ngày 20/8 âm lịch, lễ hội từ 19 - 21/8 và lễ khai ấn vào 14 và 15 tháng Giêng nhằm tri ân, giáo dục cho lớp lớp các thế hệ phát huy truyền thống vẻ vang của triều đại Trần đã đánh đuổi giặc Nguyên - Mông ra khỏi bờ cõi giành độc lập dân tộc ở thế kỷ 13. Di sản văn hóa lễ hội truyền thống, lễ Khai ấn tại Di tích quốc gia đền Trần Hưng Đạo ở làng Thổ Khối ví như “Bảo tàng sống” về văn hóa dân gian, một nét văn hóa độc đáo được lưu giữ ở xứ Thanh, là điểm đến du lịch tiềm năng và hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách gần xa hàng năm vào dịp lễ hội.
Đền Trần Hưng Đạo làng Thổ Khối, xã Yên Dương là Di tích quốc gia (được xếp hạng năm 1996), đền nằm ở phía Bắc huyện Hà Trung, giáp xã Quang Trung, thị xã Bỉm Sơn, cách Quốc lộ 1A - đường sắt Bắc - Nam 1km về phía hạ lưu cây cầu sắt bắc qua sông Tống, du khách có thể đến thăm thuận tiện và dễ dàng.
Bài và ảnh: Lê Như Cương (CTV)