Chiến dịch sa thải ồ ạt có khiến Mỹ rơi vào suy thoái?

Chiến dịch sa thải ồ ạt có khiến Mỹ rơi vào suy thoái?
6 giờ trướcBài gốc
Năm 1993, IBM sa thải đồng loạt 60.000 nhân viên. Đây đang là kỷ lục về số lượng nhân sự bị sa thải trong lịch sử nền kinh tế Mỹ.
Dù vậy, kỷ lục này sẽ sớm bị phá vỡ. Dù chính phủ Mỹ chưa công bố số lượng chính xác nhân viên liên bang sẽ bị sa thải trong làn sóng tinh gọn bộ máy đang diễn ra, con số đó có thể lên tới hàng trăm nghìn người, theo CNBC.
Một số chuyên gia kinh tế và chính trị gia đã bắt đầu cảnh báo về khả năng các chính sách này sẽ gây suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, một số nhà kinh tế khác cho rằng tác động sẽ chỉ tập trung vào một số khu vực như thủ đô Washington.
Lời cảnh báo
Theo các nguồn tin được giới chức Mỹ công bố công khai, hơn 26.000 nhân sự liên bang đã bị sa thải từ khi ông Trump nhậm chức - chưa tính những người tình nguyện nghỉ việc để đổi lấy khoản bồi thường - một nghiên cứu của ngân hàng đầu tư Piper Sandler đánh giá.
Con số này tương đương với số người mất việc sau khi ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ năm 2008.
Theo giáo sư Jesse Rothstein, chuyên gia kinh tế tại Đại học California Berkeley và từng là chuyên gia kinh tế trưởng của Bộ Lao động Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama, nước Mỹ “gần như không thể tránh khỏi” viễn cảnh rơi vào suy thoái nặng nề.
“Báo cáo việc làm tháng 3 (dự kiến công bố ngày 4/4) sẽ cho thấy số người mất việc theo tháng cao nhất lịch sử - ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt trong giai đoạn 2008-2009 và 2020 (khi nước Mỹ đối mặt với khủng hoảng kinh tế và đại dịch Covid-19 - PV)”, giáo sư Rothstein viết trên mạng xã hội Bluesky.
Theo các lý thuyết kinh tế, khi tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, mức chi tiêu tiêu dùng sẽ giảm, khiến tăng trưởng kinh tế giảm theo. Điều này lại khiến các công ty giảm sử dụng lao động. Đây là vòng lặp có thể dẫn tới suy thoái kinh tế.
Tổng thống Donald Trump và Trưởng ban Hiệu suất Chính phủ (DOGE) Elon Musk, "kiến trúc sư" của cuộc cải tổ bộ máy chính phủ Mỹ. Ảnh: Reuters.
“Sẽ có tác động về kinh tế với những người mất việc, gia đình họ, cũng như các doanh nghiệp mà họ mua hàng hóa và sử dụng dịch vụ”, bà Erica Groshen, cựu lãnh đạo bộ phận thống kê của Bộ Lao động Mỹ, nói với CNBC.
“Tác động kinh tế của các vụ việc sa thải hàng loạt giống như hiệu ứng domino, tác động tới các doanh nghiệp ở cả nền kinh tế địa phương, kể cả những nơi không liên quan tới chính quyền liên bang”, ông Ernie Tedeschi, cựu chuyên gia kinh tế trưởng tại Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng, nhận xét.
Bên cạnh đó, theo ông Rothstein, tác động gián tiếp từ việc sa thải sẽ còn lớn hơn.
“Việc chính quyền liên bang suy giảm năng suất thậm chí gây ra tác động lớn hơn”, ông nói. “Những người mất việc đóng góp nhiều hơn so với tiền lương họ nhận được. Chúng ta sẽ nghèo hơn khi đường bộ, máy bay và thực phẩm không an toàn, khi các công viên phải đóng cửa”.
Investopedia lấy ví dụ nếu cơ quan thuế Mỹ (IRS) sa thải hàng loạt nhân viên, quá trình hoàn thuế của người dân sẽ mất nhiều thời gian hơn. Bên cạnh đó, ngân sách liên bang có thể thiệt hại khi IRS sẽ không còn đủ người để giám sát gian lận thuế.
Bên cạnh ông Rothstein, một số chính trị gia cũng đã cảnh báo về viễn cảnh tương tự. Hạ nghị sĩ Dân chủ Jasmine Crockett (bang Texas) kêu gọi người Mỹ “đảm bảo rằng vẫn có cách để kiếm tiền” trong trường hợp mất việc.
Chưa thể kết luận
Ở một góc nhìn khác, một số chuyên gia kinh tế khác cho rằng vẫn còn quá sớm để khẳng định tác động của các chính sách cắt giảm nhân sự liên bang tới nền kinh tế Mỹ.
Theo ông Tedeschi, nếu toàn bộ 200.000 nhân viên tập sự trong chính quyền liên bang Mỹ bị mất việc theo chính sách của ông Trump, ảnh hưởng với nền kinh tế Mỹ chỉ là khoảng 0,1% GDP - chưa đủ để gây ra suy thoái.
Dù chính quyền Trump đã bắt đầu “chiến dịch” cắt giảm nhân sự, quy mô của nó vẫn tương đối nhỏ so với tổng thể thị trường lao động Mỹ, vốn tạo ra thêm khoảng 1,5 triệu việc làm trong năm 2024.
Một cuộc biểu tình chống sa thải nhân viên liên bang tại Washington, hôm 11/2. Ảnh: Reuters.
Báo cáo việc làm hàng tuần mới nhất của Bộ Lao động Mỹ - công bố hôm 20/2 - cho thấy số lượng người Mỹ nộp hồ sơ trợ cấp thất nghiệp chỉ tăng nhẹ và thị trường lao động Mỹ vẫn tương đối ổn định kể từ tháng 2, theo Reuters.
“Hãy thực tế”, ông Tedeschi nói. “Kể cả khi tính đến các tác động bên lề, nền kinh tế Mỹ sẽ không bị đẩy vào suy thoái”.
Các nhà kinh tế cũng cho rằng tác động của làn sóng sa thải sẽ khác biệt theo từng khu vực. Thủ đô Washington và vùng phụ cận sẽ là một trong những nơi hứng chịu tác động nặng nề hàng đầu. Nơi đây sẽ chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp tăng “đáng kể”, dẫn tới “suy thoái nhẹ”, theo hai nhà kinh tế học Adam Kamins và Justin Begley của Moody’s.
“Tác động kinh tế vĩ mô trực tiếp từ các động thái sa thải này sẽ mang tính địa phương. Về tổng thể, chúng sẽ không lớn”, ông Neale Mahoney, giáo sư kinh tế tại Đại học Stanford, nói.
Theo ông Ira Kalish, chuyên gia kinh tế trưởng của hãng kiểm toán Deloitte, vẫn còn quá sớm để kết luận liệu các chính sách trên có gây ra suy thoái hay không, đặc biệt khi hàng loạt nhân tố trong chính sách kinh tế của chính quyền Trump vẫn chưa rõ ràng.
"Rất khó dự đoán do chúng ta chưa biết chính sách thuế quan của chính quyền sẽ ra sao", ông Kalish nói với trang tin Salon. "Chúng ta cũng đủ dữ liệu đánh giá chính sách của Quốc hội về thuế quan và chi tiêu. Nếu trong năm nay không có thay đổi chính sách đáng kể nào, tôi không nghĩ sẽ có suy thoái trong tương lai gần".
Hà Thủy
Nguồn Znews : https://znews.vn/chien-dich-sa-thai-o-at-co-khien-my-roi-vao-suy-thoai-post1533765.html