Diễn đàn không những là cơ hội đánh giá lại những thành tựu đã đạt được trong 40 năm thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) kể từ khi Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới mà còn đề xuất những định hướng mới để nâng cao hiệu quả và chất lượng dòng vốn này, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030.
Nhiều thành tựu ấn tượng
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược TS. Trần Thị Hồng Minh đã nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt của năm 2025 đối với Việt Nam, một năm bản lề đánh dấu nhiều cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của đất nước. Trong bối cảnh đó, việc tổng kết và đánh giá 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, trong đó có quá trình thu hút FDI, trở nên vô cùng quan trọng.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược TS. Trần Thị Hồng Minh phát biểu tại diễn đàn
“4 thập kỷ Việt Nam thực hiện công cuộc Đổi Mới đất nước, mở cửa, hội nhập với khu vực và thế giới cũng là hành trình 40 năm dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hiện diện và song hành với các khu vực kinh tế trong nước, tạo ra những giá trị to lớn trên nhiều bình diện. Đặc biệt là kinh tế, góp phần giúp Việt Nam đạt được những thành tựu ấn tượng về kinh tế, hội nhập và phát triển bền vững”, TS. Trần Thị Hồng Minh chia sẻ.
Quang cảnh diễn đàn
Thực tế đã chứng minh, dòng vốn FDI đóng vai trò then chốt trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Từ một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế năng động nhất khu vực Đông Nam Á và trên thế giới, một phần không nhỏ nhờ vào những đóng góp to lớn của khu vực FDI. Đến nay, Việt Nam đã thu hút được hơn 40 nghìn dự án FDI đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký khoảng 487 tỷ USD, trở thành một trong 15 quốc gia dẫn đầu thế giới về thu hút FDI. Chỉ tính riêng năm 2024, Việt Nam đã thu hút được hơn 38 tỷ USD vốn FDI, với vốn FDI thực hiện đạt hơn 25 tỷ USD, một con số kỷ lục.
Khu vực FDI không chỉ góp phần vào tăng trưởng GDP mà còn tạo ra hàng triệu việc làm, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước và giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Những thành tựu này là minh chứng rõ ràng cho sự đúng đắn của đường lối mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế mà Đảng và Nhà nước ta đã lựa chọn.
Những thách thức và cơ hội trong kỷ nguyên mới
Tuy nhiên, bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng, với những biến động địa chính trị, sự trỗi dậy của các công nghệ mới và những thách thức về môi trường. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải có một chiến lược FDI phù hợp, không chỉ thu hút được số lượng vốn lớn mà còn phải đảm bảo chất lượng và hiệu quả của dòng vốn này.
Diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam 2025 đã tập trung thảo luận về những thách thức và cơ hội mà Việt Nam đang đối mặt trong kỷ nguyên mới, đồng thời đề xuất những giải pháp để nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn FDI. Một trong những vấn đề được đặc biệt quan tâm là việc chuyển đổi từ thu hút FDI theo số lượng sang thu hút FDI theo chất lượng.
Phó trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương Nguyễn Hồng Sơn phát biểu tại diễn đàn
Phó trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh rằng, Việt Nam luôn xác định khu vực FDI là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, thay vì chú trọng vào số lượng, chính sách FDI cần tập trung vào thu hút FDI chất lượng cao, với hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, đồng thời chống chuyển giá và chống “tráng men” sản phẩm.
Định hướng chiến lược thu hút FDI trong kỷ nguyên mới
Trong kỷ nguyên mới, định hướng chiến lược thu hút và quản lý vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam cần chuyển đổi mạnh mẽ, tập trung vào chất lượng thay vì số lượng, hướng tới phát triển bền vững và gia tăng giá trị gia tăng cho nền kinh tế.
Tại Diễn đàn các chuyên gia cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030, Việt Nam cần phải có một chiến lược thu hút FDI rõ ràng và toàn diện, tập trung vào những vấn đề cụ thể.
Trong đó, cần ưu tiên thu hút các dự án FDI sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có khả năng lan tỏa và kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời thúc đẩy chuyển giao công nghệ và kỹ năng quản lý cho doanh nghiệp trong nước. Điều này đòi hỏi việc rà soát và hoàn thiện khung pháp lý, chính sách đầu tư, đặc biệt là các chính sách ưu đãi, nhằm thu hút có chọn lọc các dự án FDI phù hợp với định hướng phát triển của quốc gia và các ngành, lĩnh vực ưu tiên.
Bên cạnh đó, cần chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư, bao gồm cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải cách thủ tục hành chính, và tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý nhà nước. Quan tâm hơn đến việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo an ninh mạng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Đặc biệt, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các dự án FDI, đảm bảo tuân thủ pháp luật, bảo vệ môi trường và lợi ích quốc gia, đồng thời đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các đại biểu, chuyên gia tham dự phiên thảo luận tại diễn đàn
Trong bối cảnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh toàn cầu, Việt Nam cần chủ động thu hút các dự án FDI trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, điện tử, năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học, vật liệu mới... Đồng thời, cần khuyến khích các doanh nghiệp FDI chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam.
Phát biểu tại Diễn đàn, Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp (Ngân hàng UOB Việt Nam) Lim Dyi Chang cho rằng, để trở thành trung tâm FDI chiến lược Việt Nam cần đầu tư vào nền tảng phát triển thay vì chỉ cạnh tranh bằng chính sách ưu đãi.
Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp (Ngân hàng UOB Việt Nam) Lim Dyi Chang phát biểu tại diễn đàn
Ông Lim Dyi Chang chia sẻ, nhà đầu tư dài hạn tìm kiếm nơi đầu tư có cơ sở hạ tầng sẵn sàng (logistics, năng lượng, kết nối số). Vì vậy, ngoài môi trường pháp lý ổn định, minh bạch, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào hạ tầng giao thông, năng lượng, viễn thông và logistics để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cần chú trọng hợp tác công – tư trong phát triển nhân lực và đổi mới sáng tạo. Xây dựng hệ sinh thái tài chính và thị trường vốn hiệu quả. Đồng thời cần có cam kết rõ ràng trong phát triển kinh tế bền vững.
Tại Diễn đàn, các chuyên gia cũng gợi ý, trong bối cảnh thương mại toàn cầu trở nên khó đoán định, Việt Nam cần chủ động tái cấu trúc cách tiếp cận dòng vốn FDI, từ mục tiêu số lượng sang chất lượng, từ thâm dụng lao động sang hàm lượng công nghệ cao. Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất và trung chuyển mới tại khu vực Đông Nam Á, và FDI có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa tiềm năng này. Đồng thời, cần tiếp tục tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước…
Đức Hiệp