Lật tẩy những chiêu trò gian lận nguồn gốc 'made in Việt Nam'

Lật tẩy những chiêu trò gian lận nguồn gốc 'made in Việt Nam'
5 giờ trướcBài gốc
Mới đây, Bộ Công Thương đã có quyết định thu hồi quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), giấy chứng nhận hàng hóa không thay đổi xuất xứ (CNM) và mã số chứng nhận xuất xứ hàng hóa (mã số REX) đã ủy quyền cho Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trước đó.
Từ ngày 5/5, VCCI chấm dứt hoàn toàn việc cấp 3 loại giấy tờ liên quan tới xuất xứ hàng hóa nêu trên.
Nhiều doanh nghiệp (cả trong nước và FDI) đã sử dụng nhiều chiêu trò để gian lận nguồn gốc xuất xứ, giả mạo xuất xứ. (Ảnh: PO)
Nhiều chuyên gia cho rằng, hành động này của Bộ Công Thương được xem là động thái quan trọng nhằm siết chặt công tác quản lý xuất xứ hàng hóa, phòng ngừa gian lận thương mại và bảo vệ uy tín hàng hóa Việt Nam trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang chuyển dịch nhanh chóng.
Ghi nhận thực tế cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp (trong nước và FDI) đã sử dụng nhiều chiêu trò để gian lận nguồn gốc xuất xứ, giả mạo xuất xứ. Ví dụ, có doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu để sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không trải qua công đoạn gia công, sản xuất, họ chỉ trải lắp ráp đơn giản, hoặc chỉ đóng gói xong dán mác “made in Việt Nam”, điều này không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định nhưng khai xuất xứ Việt Nam.
Cũng có trường hợp hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước ngoài, khi đưa về nhà kho, xưởng sản xuất hoặc trong quá trình sang mạn, thay đổi phương tiện vận tải đã được thay đổi nhãn thành hàng hóa có xuất xứ Việt Nam hoặc hợp thức hóa hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ để xuất khẩu nhằm lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại của các nước nhập khẩu.
Hoặc, hàng nhập khẩu từ nước ngoài về sau đó được đưa vào kho ngoại quan để đóng ghép với hàng nội địa và khi xuất khẩu đi sang nước khác khai báo xuất xứ Việt Nam.
Sử dụng giấy chứng nhận xuất khẩu (Certificate of Export), trong đó chỉ xác nhận hàng hóa được sản xuất tại nước ta để khai xuất xứ Việt Nam khi xuất khẩu.
Sau khi có quyết định thu hồi, Bộ Công Thương tiếp tục có chỉ đạo tới Cục Xuất nhập khẩu về việc triển khai cấp các loại giấy chứng nhận hàng hóa.
Ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết: Trong bối cảnh tình hình thương mại quốc tế có những diễn biến phức tạp, khó lường, các Phòng cấp C/O cần sẵn sàng nhận nhiệm vụ, đẩy mạnh công tác phòng chống gian lận xuất xứ hàng hóa thông qua việc tăng cường hiệu quả công tác cấp và kiểm tra C/O, đặc biệt đối với doanh nghiệp có lượng hồ sơ đề nghị cấp tăng đột biến.
“Các Phòng cấp C/O cần nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn về quy định xuất xứ hàng hóa liên quan đến các loại chứng nhận hàng hóa. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, đánh giá và lưu ý cần thiết khi xem xét hồ sơ đề nghị cấp C/O của doanh nghiệp để đáp ứng hoàn thành nhiệm vụ được giao trong tình hình mới”, ông Nguyễn Anh Sơn nhấn mạnh.
Việt Vũ
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/lat-tay-nhung-chieu-tro-gian-lan-nguon-goc-made-in-viet-nam-10288090.html