Doanh nghiệp dệt may khó có thể tồn tại nếu mức thuế đối ứng 46% được Mỹ áp dụng. Ảnh: Hoàng Anh
Mới đây, Đại hội đồng cổ đông của Công ty CP May Sông Hồng đã thông qua mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 600 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với kết quả thực hiện của năm 2024.
Tương tự, Tổng công ty CP May Việt Tiến cũng thông qua mức lợi nhuận trước thuế theo kế hoạch tăng 8,5% so với cùng kỳ, đạt 330 tỷ đồng.
Với mục tiêu gia tăng lợi nhuận, các doanh nghiệp dệt may dường như mong muốn tiếp đà tăng trưởng năm 2024, khi ngành dệt may đón sóng phục hồi. Mặc dù vậy, đặt trong bối cảnh thương mại toàn cầu biến động khó lường, những kế hoạch tăng trưởng trở nên hết sức thách thức và mạo hiểm.
Dệt may gặp khó trên mọi “mặt trận”
Khách hàng Mỹ chiếm 70% cơ cấu thị trường của May Sông Hồng là lý do khiến doanh nghiệp này tỏ ra hết sức lo ngại trước bất ổn thương mại, đặc biệt là các quyết định thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
“Khó có doanh nghiệp nào tồn tại được với mức thuế đối ứng lên đến 46% phía Mỹ đưa ra trước đây, không chỉ nhà sản xuất dệt may Việt Nam mà còn cả nhà cung ứng nguyên vật liệu dệt may và nhà nhập khẩu Mỹ cũng phá sản”, ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch HĐQT May Sông Hồng, cho biết.
Doanh nghiệp này khó có thể triển khai nhanh các giải pháp chuyển đổi sang thị trường thay thế, do tỷ suất lợi nhuận không tốt bằng thị trường Mỹ. Nếu chuyển hướng thị trường, May Sông Hồng cũng bắt buộc phải tính toán đến nhiều rủi ro, bao gồm khả năng thanh toán của đối tác hoặc rủi ro khi các đối tác cũng là nhà phân phối lớn tại Mỹ.
Cùng chung nhận định về kịch bản tiêu cực khi mức thuế đối ứng 46% chính thức được Mỹ áp dụng, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP May Việt Tiến, cho biết khó quay về tập trung vào thị trường trong nước, trong bối cảnh người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu.
Bên cạnh thị trường tiêu thụ, ông Giang cũng đề cập đến khó khăn lớn ngành dệt may nói chung và May Việt Tiến nói riêng phải đối mặt là thị trường lao động đang chứng kiến sự chuyển dịch mạnh mẽ, khiến số lượng lao động toàn ngành giảm mạnh.
Năm 2024, May Việt Tiến chủ trương tăng lương nhưng vẫn khó khăn trong việc duy trì đội ngũ nhân sự. Ông Bùi Văn Tiến, Tổng giám đốc May Việt Tiến, cho biết, công ty hiện đang phải đa dạng các kênh tuyển dụng, kể cả phương thức tuyển dụng trực tuyến, qua các nền tảng mạng xã hội.
Linh hoạt nắm bắt “cơ trong nguy”
Đối diện muôn vàn khó khăn, cơ sở để đạt được mục tiêu gia tăng lợi nhuận của May Sông Hồng đến từ sự chuyển dịch trên thị trường khi nhiều khách hàng chuyển hướng đơn hàng sang Việt Nam thay cho Trung Quốc để tránh các tác động của thương chiến Mỹ - Trung.
Bên cạnh đó, ông Thịnh cho biết, công ty đang có kế hoạch liên doanh đầu tư trong lĩnh vực dệt vải để tự chủ một phần nguyên liệu. Đây cũng là cơ sở để minh bạch hóa chuỗi cung ứng, góp phần giữ vững thị trường xuất khẩu.
Đối với rủi ro tăng thuế, công ty đang đàm phán với nhà nhập khẩu và nhà cung ứng để thống nhất mức san sẻ khó khăn chung, thay vì dồn hết rủi ro cho nhà nhập khẩu.
Ông Thịnh khẳng định quan điểm ưu tiên giữ đội ngũ 12.000 công nhân bởi “còn công nhân là còn nhà máy”. Bất chấp khó khăn, May Sông Hồng sẽ cố gắng đảm bảo việc làm và thu nhập cho công nhân.
“Lịch sử May Sông Hồng đã có nhiều giai đoạn gian truân nhưng chúng ta đều vượt qua, chắc chắn lần này cũng vậy”, Chủ tịch May Sông Hồng nhấn mạnh.
Trong khi đó, May Việt Tiến lựa chọn giải pháp cân đối năng lực sản xuất để đảm bảo thực hiện các hợp đồng đã ký kết với khách hàng, bên cạnh việc quy hoạch lại danh sách khách hàng cho từng đơn vị quản lý theo hướng chuyên môn hóa và tiếp tục đàm phán, xúc tiến để hoàn thành kế hoạch sản xuất năm 2025.
Đối với thị trường trong nước, May Việt Tiến triển khai tái cơ cấu các chi nhánh, cửa hàng, tìm kiếm giải pháp công nghệ và thương mại điện tử để tối ưu chi phí và tăng tốc độ giải phóng hàng tồn kho.
Công ty tiếp tục chi tiền đầu tư vào công nghệ tự động, quản lý kỹ thuật số, nâng cấp môi trường làm việc, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng, bên cạnh việc xây dựng văn phòng, cửa hàng, kho tàng tại Hà Nội.
Bên cạnh đó, cũng giống như May Sông Hồng, May Việt Tiến duy trì định hướng tăng thu nhập trung bình khoảng 4% mỗi tháng cho công nhân, mục tiêu duy trì đội ngũ lao động, qua đó đảm bảo năng lực sản xuất trong ngắn và dài hạn.
Hoàng Đông