Chiến thuật thông mình giúp các doanh nghiệp nhỏ giành lợi thế trong kinh doanh. Ảnh: A.W.
Phó giáo sư Thôi Thời Anh, khoa Khoa học Chính trị, Đại học California, Los Angeles đã nói trong cuốn sách Jane Austen, Game Theorist (tạm dịch: Jane Austen - người nghiên cứu lý thuyết trò chơi) rằng lý thuyết trò chơi không chỉ được sử dụng để giải thích các chiến lược trong Chiến tranh Lạnh, mà đồng thời có thể trở thành vũ khí cơ bản nhất của kẻ yếu trong xã hội. Vậy chúng ta nên tận dụng vũ khí này như thế nào để phản kích?
Hãy cùng xem ví dụ nổi tiếng khác: trò chơi lợn thông minh.
Trong chuồng có hai chú lợn, một to một nhỏ. Một bàn đạp được bố trí trong chuồng lợn và mỗi khi đạp vào nó, một lượng nhỏ thức ăn sẽ rơi vào cổng cho ăn ở phía bên kia chuồng.
Nếu một con lợn giẫm lên bàn đạp, con lợn còn lại sẽ có cơ hội ăn thức ăn rơi xuống phía bên kia trước. Khi lợn con đạp vào bàn đạp, con lớn sẽ ăn hết thức ăn trước khi nó chạy đến máng; nếu con lớn đạp vào bàn đạp thì lợn con vẫn còn cơ hội tranh chút thức ăn thừa. Câu hỏi đặt ra là: Hai chú lợn sẽ lựa chọn chiến lược nào cho bản thân?
Đáp án là lợn con sẽ ung dung chờ đợi bên máng ăn trong khi con lớn tất tả chạy đi chạy lại giữa bàn đạp và máng ăn. Bởi vì đối với lợn con, đi đạp bàn đạp cũng chẳng được gì; nếu nó không đi sẽ xuất hiện hai khả năng: con lớn đi giẫm thì nó có thể ung dung ngồi hưởng, con lớn cũng không đi thì cả hai cùng chết đói, giống kết quả khi nó tự đi giẫm, nhưng chí ít nó có thể giữ sức lực sống thêm vài ngày. Vì vậy chiến lược nằm im của lợn con là lựa chọn tốt hơn.
Đối với con lớn, đợi lợn con đi đạp bàn đạp chắc chắn là lựa chọn tốt nhất. Nhưng ở trên chúng ta đã phân tích ưu nhược điểm của trường hợp này quá rõ ràng nên khả năng đợi lợn con đạp bàn đạp bằng không.
Hai lựa chọn còn lại cho kết quả rất rõ ràng: nếu không đi, bản thân nó sẽ chết đói; nếu đi, mặc dù lợn con được hưởng chút lợi ích nhưng ít nhất nó cũng sẽ có đồ ăn, còn hơn là chết đói. Vậy nên lựa chọn tốt nhất đối với con lớn là tự mình đi đạp bàn đạp, cho lợn con hưởng ké một chút mà bản thân vẫn có lợi.
Đây là hiện tượng “kẻ ăn không” điển hình trong kinh tế học, nghĩa là tận hưởng lợi ích của người khác mà không cần trả chi phí. Hiện tượng “kẻ ăn không” xảy ra do các ảnh hưởng phi thị trường hóa nảy sinh từ hoạt động kinh tế của chủ thể kinh tế (bao gồm tổ chức và cá nhân) đối với người khác và xã hội, phân thành ngoại tích cực và ngoại tiêu cực.
Ngoại tích cực là hành vi kinh tế của một cá thể nào đó đem lại lợi ích cho người khác hoặc xã hội mà người hưởng lợi không cần trả chi phí. Ví dụ, một người đốt pháo trong sân cho bản thân thưởng thức nhưng khi đó pháo hoa cũng đồng thời đem lại niềm vui cho những người xung quanh và những người “xem ké” không cần trả bất kỳ chi phí nào.
Ngoại tiêu cực là hành vi kinh tế của một cá thể gây thiệt hại cho người khác hoặc xã hội mà người thực hiện hành vi không phải gánh chịu chi phí. Ví dụ, một xưởng sản xuất xả nước thải làm ô nhiễm dòng sông, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của những người sống ở khu vực đó, mà họ không có hoạt động giao dịch kinh tế với xưởng sản xuất này, đồng thời xưởng cũng không đền bù cho những người chịu ảnh hưởng.
Kẻ yếu trong cuộc cạnh tranh (lợn con) không thể chiến thắng khi đối đầu trực tiếp với kẻ mạnh, vì vậy phải tìm được vị trí thuận lợi nhất của mình, kiên nhẫn chờ đợi, tuân theo chiến lược, nắm chắc thời cơ, biết nhờ vả để tìm ra không gian phát triển của riêng mình.
Trong nền kinh tế thị trường có rất nhiều ví dụ về kẻ ăn không. Ví dụ, chiến lược phát triển bất động sản thương mại phổ biến trong vài năm qua là lựa chọn một khu vực xa trung tâm, mua vào với giá thấp, xây dựng thành phố du lịch văn hóa và các trung tâm thương mại, chi ra một khoản tiền khổng lồ để quảng bá thu hút, hình thành khu kinh doanh sôi động, sau đó phát triển bất động sản và bán với giá cao.
Ngay khi một khu thương mại nhộn nhịp được hình thành ở khu vực hẻo lánh, các doanh nghiệp khác cũng đua nhau kéo đến, nô nức mở cửa hàng; quán ăn, nhà cửa nhanh chóng mọc lên ở các khu đất gần đó. Những người đi theo cũng hưởng lợi từ khoản phí khổng lồ mà nhà đầu tư đã bỏ ra để thu hút chú ý.
Chiến lược kẻ ăn không còn đòi hỏi tạo dựng điểm khác biệt so với kẻ mạnh, một khi giống nhau hoàn toàn sẽ biến thành đối đầu trực diện. Ví dụ, Alibaba đã tạo thói quen mua hàng trực tuyến cho người dân Trung Quốc, trở thành gã khổng lồ trong lĩnh vực thương mại điện tử, vào thời điểm đó JD.com mới đang chập chững những bước đầu. JD.com không lựa chọn con đường phát triển giống Alibaba mà tận dụng sự phát triển của thương mại điện tử để cung cấp các dịch vụ khác biệt.
Taobao là một nền tảng thu hút chủ yếu các nhà bán, còn JD.com bắt đầu từ tự kinh doanh, tập trung vào chất lượng, thế nên thường được những khách hàng mua trực tuyến có yêu cầu cao về chất lượng lựa chọn.
Sau đó, JD.com đi đầu trong việc tung ra dịch vụ vận chuyển của riêng mình để nâng cao trải nghiệm người dùng. Vì vậy, mặc dù hiện tại vẫn chưa thể vượt mặt Taobao, nhưng JD.com cũng đã trở thành một trong những gã khổng lồ của ngành thương mại điện tử.
Tạ Tôn Bác/ Skybooks & NXB Thế giới