Ảnh minh họa
Trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy biến động, Việt Nam vẫn ghi nhận những thành tựu đáng kể trong thu hút FDI năm 2024.
Tính lũy kế đến hết năm 2024, cả nước có hơn 42 nghìn dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 502,8 tỷ USD; vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu nước ngoài ước đạt 322,5 tỷ USD, bằng 64,1% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Đánh giá về những con số này, các chuyên gia cho rằng môi trường kinh doanh của Việt Nam còn rất tiềm năng đối với cộng đồng đầu tư quốc tế, dư địa để hấp thụ thêm nguồn vốn FDI vào nhiều lĩnh vực phục vụ cho chiến lược dài hạn của đất nước còn rất lớn.
BỨC TRANH TỔNG QUAN VỀ FDI NĂM 2024 VÀ QUÝ 1/2025
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Tài chính, trong năm 2024, tổng vốn FDI đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần đạt 38,2 tỷ USD.
Dù giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ, nhưng điểm sáng nổi bật là mức vốn thực hiện đạt khoảng 25,3 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2023.
Trong tổng cơ cấu, vốn đăng ký các dự án mới chiếm hơn một nửa, đạt 19,7 tỷ USD, giảm 7,6% so với năm trước.
Trong khi đó, vốn điều chỉnh tăng thêm ghi nhận mức tăng ấn tượng 50,4%, đạt 13,9 tỷ USD. Số lượng dự án mới cũng nhích nhẹ lên 3.375 dự án.
Ngược lại, hoạt động góp vốn, mua cổ phần có phần trầm lắng cả về số lượng giao dịch lẫn giá trị vốn góp, chỉ đạt hơn 4,5 tỷ USD, giảm mạnh 48,1%.
Xét theo ngành nghề, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định vị thế là lĩnh vực thu hút vốn lớn nhất với 25,5 tỷ USD, chiếm gần 67% tổng vốn đăng ký. Các lĩnh vực kinh doanh bất động sản (6,3 tỷ USD); sản xuất, phân phối điện (1,42 tỷ USD) và bán buôn, bán lẻ (1,4 tỷ USD) lần lượt giữ vị trí tiếp theo.
Mức độ tập trung cao của dòng vốn FDI trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy nhà đầu tư vẫn đánh giá cao năng lực sản xuất công nghiệp của Việt Nam và kỳ vọng vào sự phục hồi tiêu dùng nội địa trong trung hạn và dài hạn.
Về địa phương thu hút FDI, tính riêng trong năm 2024, Bắc Ninh vươn lên vị trí dẫn đầu với hơn 5,1 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm 13,4%, tăng vọt từ vị trí thứ 7 năm 2023. Hải Phòng giữ vững vị trí thứ hai với 4,9 tỷ USD, trong khi Thành phố Hồ Chí Minh, vốn luôn nằm trong nhóm dẫn đầu, đã lùi xuống vị trí thứ ba.
Sự dịch chuyển này phản ánh xu thế ưu tiên các địa phương có hạ tầng khu công nghiệp tốt, cơ chế linh hoạt và đặc biệt là khả năng đón dòng vốn công nghệ cao.
Từ góc độ quốc gia và vùng lãnh thổ, Singapore dẫn đầu các quốc gia đầu tư vào Việt Nam trong năm 2024 với 10,2 tỷ USD, chiếm 26,7% tổng vốn đầu tư, theo sau là Hàn Quốc (7 tỷ USD) và Trung Quốc (4,7 tỷ USD). Đây đều là những đối tác đầu tư chiến lược đã có mạng lưới sản xuất – cung ứng sâu tại Việt Nam.
Báo cáo từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính) cho biết, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 31/3/2025 đã đạt 10,98 tỷ USD, ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 34,7% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều thách thức.
Cụ thể, trong quý 1/2025, có 850 dự án mới được cấp phép với tổng vốn đăng ký đạt 4,33 tỷ USD, tăng 11,5% về số lượng dự án nhưng giảm 31,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2024.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục thu hút sự quan tâm lớn nhất của các nhà đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký mới đạt 2,62 tỷ USD, chiếm 60,5% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với 1,13 tỷ USD, chiếm 26,1%. Các ngành còn lại thu hút 581,5 triệu USD, chiếm 13,4%.
Xét về quốc gia và vùng lãnh thổ, Singapore dẫn đầu về vốn đầu tư mới với 1,32 tỷ USD, chiếm 30,5%.
Tiếp theo là Trung Quốc (1,23 tỷ USD, chiếm 28,5%), Đài Loan (368,1 triệu USD, chiếm 8,5%), Nhật Bản (341,8 triệu USD, chiếm 7,9%), Hồng Kông (Trung Quốc) (310,2 triệu USD, chiếm 7,2%) và Quần đảo Virgin thuộc Anh (190,7 triệu USD, chiếm 4,4%).
Bên cạnh các dự án mới, vốn đăng ký điều chỉnh cũng ghi nhận sự tăng trưởng đột phá.
Có 401 dự án đã được cấp phép từ trước đó đăng ký điều chỉnh tăng thêm vốn đầu tư với tổng giá trị 5,16 tỷ USD, gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút tổng cộng 6,30 tỷ USD, chiếm 66,5% tổng vốn FDI đăng ký.
Hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với 2,24 tỷ USD, chiếm 23,6%. Các ngành còn lại thu hút 943 triệu USD, chiếm 9,9%.
Hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài cũng tăng trưởng mạnh mẽ.
Trong quý 1/2025, có 810 lượt góp vốn với tổng giá trị 1,49 tỷ USD, tăng 83,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, 374 lượt góp vốn làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị 654,14 triệu USD và 436 lượt mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 835,31 triệu USD.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn nhất trong hình thức này với 487,6 triệu USD (32,7%), tiếp theo là hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ với 337,2 triệu USD (22,7%).
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam trong ba tháng đầu năm 2025 ước đạt 4,96 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức vốn FDI thực hiện cao nhất trong quý 1/2025 của 5 năm trở lại đây.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm phần lớn với 4,05 tỷ USD (81,7%), tiếp theo là hoạt động kinh doanh bất động sản với 387,7 triệu USD (7,8%) và sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí với 193,3 triệu USD (3,9%).
NHỮNG DỰ BÁO VỀ FDI 2025
GS.TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), nhận định dòng chảy FDI toàn cầu đang có dấu hiệu phục hồi, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất chế tạo.
Theo đó, các xu hướng “friendshoring” (dịch chuyển đầu tư tới các quốc gia có quan hệ chính trị thân thiện) và “nearshoring” (đưa sản xuất về gần thị trường tiêu thụ) tiếp tục được các tập đoàn đa quốc gia thúc đẩy mạnh mẽ nhằm giảm thiểu rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng như đã từng xảy ra trong đại dịch Covid-19.
Dự báo về triển vọng thu hút FDI năm 2025, Chủ tịch VAFIE cho rằng tình hình chính trị, kinh tế, thương mại và đầu tư toàn cầu vẫn đang diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, từ đó tạo áp lực lớn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế và khả năng duy trì dòng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Tuy nhiên, GS. Nguyễn Mại khẳng định Việt Nam vẫn giữ được vị thế là một điểm đến đầu tư hấp dẫn nhờ môi trường chính trị ổn định, nền tảng tăng trưởng kinh tế tích cực và thể chế, môi trường kinh doanh không ngừng cải thiện.
Trong đó, các lĩnh vực được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đặc biệt hiện nay là công nghiệp bán dẫn, công nghệ tương lai, năng lượng sạch, khoa học và công nghệ.
Để nâng cao chất lượng dòng vốn FDI và hiện thực hóa mục tiêu kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP vào năm 2030, theo GS. Nguyễn Mại, Việt Nam cần gia tăng đầu tư công cho nghiên cứu – phát triển (R&D), thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, cả trong và ngoài nước, xây dựng trung tâm R&D, chuyển giao công nghệ thông qua các chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính hiệu quả.
CHÌA KHÓA MỞ CỬA ĐÓN FDI VÀO VIỆT NAM
Chủ tịch VAFIE cho rằng Việt Nam cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào công nghệ hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao, qua đó gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia; tiếp tục đơn giản hóa thủ tục cấp phép đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án và tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án, đặc biệt khi phát sinh khó khăn về pháp lý hoặc vận hành thực tế.
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia cho rằng để nắm bắt cơ hội trong bối cảnh mới, Việt Nam cần một chiến lược thu hút FDI mang tính hệ thống và đồng bộ, dựa trên ba trụ cột: thể chế minh bạch, hạ tầng hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thứ nhất, cần đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, blockchain, thực tế ảo và kinh tế tuần hoàn; tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp nền tảng như luyện kim, hóa chất, cơ khí chính xác, kết hợp với thúc đẩy công nghiệp phần mềm, sản phẩm công nghệ cao và nông nghiệp công nghệ cao.
Thứ hai, yếu tố con người cần được đặt ở vị trí trung tâm trong mọi chiến lược phát triển. Theo Chiến lược phát triển giai đoạn 2021–2030, Việt Nam cần phát huy tối đa nhân tố con người, xây dựng cơ chế chính sách để khơi dậy tinh thần cống hiến và sáng tạo của lực lượng lao động, đồng thời đầu tư vào giáo dục nghề nghiệp, ngoại ngữ và kỹ năng mềm để đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu.
Thứ ba, cần xây dựng cơ chế đặc thù để thu hút FDI vào các lĩnh vực chiến lược như bán dẫn, năng lượng tái tạo, AI, logistics thông minh và trung tâm dữ liệu. Các chính sách ưu đãi cần gắn liền với tiêu chí chuyển giao công nghệ, tăng tỷ lệ nội địa hóa, bảo vệ môi trường và tạo việc làm chất lượng cao cho người Việt Nam.
Thứ tư, cần thúc đẩy sự đổi mới trong tư duy quản lý nhà nước. Nhà nước pháp quyền hiện đại phải bảo đảm sự công bằng, minh bạch và thượng tôn pháp luật, làm cơ sở để nhà đầu tư yên tâm triển khai dự án dài hạn.
Mọi chính sách cần hướng đến ổn định lâu dài, hạn chế tối đa rủi ro thay đổi đột ngột, từ đó tăng tính dự báo và hấp dẫn cho môi trường đầu tư Việt Nam...
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 16-2025 phát hành ngày 21/4/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây
https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1365
Tuấn Khang