Tên lửa Iran được phóng trong một cuộc diễn tập quân sự ở miền Nam nước này ngày 19/1/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo nhận định của chuyên gia Joe Varner, từng là học giả tại Viện Chiến tranh Hiện đại West Point, trong nhiều năm qua, Iran đã xây dựng chiến lược lớn ở Trung Đông thông qua việc sử dụng mạng lưới dân quân thân Tehran. Mục tiêu của họ là tạo ra một "vành đai lửa" nhằm kiềm chế Israel và đẩy Mỹ ra khỏi khu vực. Để thực hiện điều này, Iran đã trang bị, huấn luyện và hỗ trợ nhiều lực lượng như Hamas và phong trào Jihad Hồi giáo ở Gaza, Hezbollah ở Liban, chính quyền Assad ở Syria, Houthis ở Yemen và lực lượng dân quân Shia ở Iraq.
Tuy nhiên, cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10/2023, dù đã khiến 1.200 người Israel thiệt mạng và hơn 251 người Israel bị bắt làm con tin, lại trở thành một thảm họa chiến lược đối với Iran.
Hamas và Jihad Hồi giáo đã bị tiêu diệt gần như hoàn toàn. Sức mạnh quân sự và quyền lực chính trị của họ đối với cư dân Gaza gần như không còn. Hezbollah cũng bị thiệt hại nặng nề. Khoảng 70-80% lực lượng tên lửa và thiết bị bay không người lái của tổ chức này đã bị phá hủy, các nhà máy và kho vũ khí bị san phẳng bởi những cuộc không kích từ Israel.
Tại Syria, chính quyền Assad - đồng minh quan trọng của Iran, đã sụp đổ. Lực lượng Dân chủ Syria do Mỹ hậu thuẫn đã kiểm soát biên giới phía Đông với Iraq, ngăn chặn Iran can thiệp quân sự vào Syria và Liban. Iran đang phải sơ tán lực lượng khỏi Syria, khiến Hezbollah bị cô lập trước Israel.
Mặc dù lực lượng Houthi ở Yemen vẫn còn nguyên vẹn và đe dọa hoạt động vận chuyển quốc tế ở Biển Đỏ và Biển Arab, nhưng họ đang trong tình trạng đơn độc sau khi cơ sở hạ tầng dầu mỏ và xăng dầu bị Israel phá hủy. Lực lượng dân quân Iraq thân Iran cũng vẫn là mối đe dọa với lực lượng Mỹ, nhưng bất kỳ cuộc tấn công nào vào Israel đều có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Bản thân Iran cũng đang gặp khó khăn lớn. Hai cuộc tấn công trực tiếp vào Israel đều có kết quả hạn chế, trong khi đòn đáp trả của Israel đã phá hủy hệ thống phòng không và một cơ sở quan trọng trong chương trình hạt nhân quân sự của Iran. Hiện Iran có đủ vật liệu hạt nhân phân hạch để tạo ra khoảng 10 đầu đạn, nhưng không có hệ thống phòng không, phần lớn cơ sở hạ tầng hạt nhân của họ đang nằm trong tầm ngắm của Israel.
Với sự trở lại Nhà Trắng của Tổng thống đắc cử Donald Trump tại Mỹ và quyền kiểm soát Thượng viện và Hạ viện của đảng Cộng hòa, một cuộc tấn công phủ đầu của Israel vào các tài sản chiến lược nhất của Tehran chỉ còn là vấn đề thời gian.
Theo chuyên gia Varner, sự tan rã của học thuyết "vành đai lửa" là thất bại chiến lược khiến Iran phải tìm cách ứng phó và thích nghi trong một môi trường địa chiến lược đang thay đổi nhanh chóng ở Trung Đông.
Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo realcleardefense.com)