Những hình ảnh quảng cáo hấp dẫn tràn lan trên internet giăng bẫy người chơi đầu tư vào tiền kỹ thuật số.
Ngày 3/11, thông tin từ Công ty phân tích blockchain Chainalysis (Mỹ), cho biết giá đồng tiền số bitcoin đạt đỉnh ở mức 67.800 USD/coin (hơn 1,6 tỷ đồng), trong khi đồng ethereum giao dịch ở mức 2.500 USD/coin (hơn 60 triệu đồng). Theo dữ liệu từ sàn giao dịch Binance, giá bitcoin đã tăng tới 131%, còn ethereum tăng 64,5% chỉ trong một khoảng thời gian ngắn.
Tuy nhiên, vẫn theo blockchain Chainalysis, đó cũng chỉ là “chiến thắng ảo” đối với người đầu tư. Theo báo cáo của Hãng nghiên cứu bảo mật TRM Labs (Mỹ), trong nửa đầu năm 2024 số tiền mã hóa bị đánh cắp trong các vụ tấn công mạng trên toàn cầu đã lên đến 1,38 tỷ USD. Một trong số các vụ tấn công mạng lớn nhất tính từ đầu năm tới nay là gần 308 triệu USD bitcoin bị đánh cắp từ sàn giao dịch DMM Bitcoin của Nhật Bản.
Tương tự, một báo cáo khác từ Công ty bảo mật Blockchain Certik (Mỹ) cho ra con số 1,19 tỷ USD thiệt hại trong lĩnh vực tiền số và tài chính phi tập trung (DeFi) trong 6 tháng đầu năm 2024. Trong đó, tấn công lừa đảo (phishing) là hình thức gây tổn thất nặng nề nhất, với 497,7 triệu USD tiền mã hóa bị đánh cắp.
“Nhiều nhà đầu tư sử dụng các công cụ như hợp đồng tương lai để thực hiện các giao dịch với đòn bẩy cao. Việc này giúp tăng cơ hội kiếm lời trong một khoảng thời gian ngắn nhưng cũng đồng nghĩa với việc tăng rủi ro nếu thị trường biến động. Thực tế cho thấy thua thiệt luôn thuộc về người chơi tiền số do sự thiếu hiểu biết cũng như không được bảo vệ khi gặp rủi ro”- chuyên gia đến từ Blockchain Certik cảnh báo.
Mới đây, vụ lừa đảo liên quan đến tiền ảo nhắm vào người dùng của Coinbase đã gây xôn xao khắp thế giới. Chirag Tomar - một người gốc Ấn đã bị kết án 5 năm tù vì đứng sau kế hoạch này bằng cách tạo ra các trang web giả mạo bắt chước Coinbase.
Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) cho biết, vụ lừa đảo này đã đánh cắp hơn 20 triệu USD từ rất nhiều nạn nhân trên toàn thế giới, bao gồm cả ở Mỹ. Coinbase là sàn giao dịch tiền số hàng đầu thế giới được rất nhiều người dùng tại Mỹ tin dùng. Sàn giao dịch này cho phép giao dịch lên đến hơn 120 loại tiền mã hóa.
Theo DOJ, nhóm những kẻ lừa đảo đã truy cập máy tính từ xa và đóng giả làm nhân viên hỗ trợ để rút tiền khỏi tài khoản, sau đó chuyển tiền thành tiền mặt.
Các vụ lừa đảo tiền số đang trở nên tinh vi hơn. Theo Chainalysis, 43% các vụ lừa đảo trong năm nay đã chuyển đến các ví chỉ mới bắt đầu hoạt động nên rất khó truy vết. Các trang web giả mạo đã lừa nạn nhân cung cấp thông tin đăng nhập và mã xác thực cho phép những kẻ lừa đảo lấy toàn bộ số tiền trong tài khoản của họ. Những kẻ lừa đảo đã tạo một URL tương tự, đánh lừa người dùng nghĩ rằng họ đang truy cập trang web hợp pháp. Khi người dùng nhập chi tiết đăng nhập của họ, những kẻ tấn công đã chặn họ, thuyết phục cài đặt phần mềm truy cập từ xa để cho phép những kẻ lừa đảo kiểm soát trực tiếp máy tính của họ và toàn quyền truy cập vào tài khoản thực.
Một phương pháp quen thuộc được những kẻ lừa đảo sử dụng là giả làm đại lý dịch vụ khách hàng. Nạn nhân được hướng dẫn gọi đến đường dây hỗ trợ giả mạo hoặc nhận các cuộc gọi không mong muốn từ những kẻ lừa đảo. Trong các cuộc trò chuyện này, nạn nhân đã bị thuyết phục giao mã xác thực. Khi thâm nhập được vào tài khoản người dùng, tội phạm đã nhanh chóng chuyển tiền vào ví do chúng kiểm soát.
Vậy cần làm gì để không trở thành nạn nhân của lừa đảo tiền số? Dưới đây là những lời khuyên từ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ (SEC). Thứ nhất: Cần thận trọng với những lời mời chào đầu tư từ người lạ trên không gian mạng, ngay cả khi bạn đã nói chuyện qua điện thoại/trò chuyện video và cho dù họ quảng cáo tin cậy đến đâu. Thứ hai: Kiểm tra kỹ lưỡng tên miền hoặc tên trang web, đặc biệt là các sàn giao dịch tiền điện tử. Những kẻ lừa đảo thường sử dụng các trang web bắt chước trang web của các công ty tài chính thực sự, chỉ khác biệt rất nhỏ để người dùng dễ bị đánh lừa. Thứ ba: Không tải xuống hoặc sử dụng các ứng dụng đáng ngờ để đầu tư trừ khi có thể xác minh tính hợp pháp của chúng. Thứ tư: Luôn cẩn trọng với những lời mời đầu tư dễ sinh lời, mang lại lợi nhuận cao một cách nhanh chóng.
Thông tin từ Trung tâm Khiếu nại tội phạm internet (IC3) của FBI, trong năm 2023, họ đã nhận được gần 70.000 khiếu nại về các vụ lừa đảo tài chính và tội phạm mạng liên quan đến tiền ảo, với tổng thiệt hại lên đến hơn 5,6 tỷ USD. So với năm 2022, tổng thiệt hại đã tăng tới 45%. Loại hình lừa đảo tiền ảo phổ biến nhất là gian lận đầu tư, chiếm 71% trong tổng thiệt hại năm 2023. Michael Nordwall, Trợ lý giám đốc Bộ phận điều tra tội phạm của FBI cho biết, mọi lứa tuổi đều có khả năng trở thành nạn nhân của lừa đảo tiền ảo. Tuy nhiên, những người từ 45 - 60 tuổi là đối tượng bị lừa đảo nhiều nhất. Thường thì nạn nhân của mọi loại hình lừa đảo tiền ảo sẽ phải tự mình phải gánh chịu mọi rủi ro.
Thế Tuấn