Quân đội Nga bắn tên lửa đa nòng vào các lực lượng Ukraine trong cuộc xung đột đang diễn ra. Ảnh: Sputnik
Theo tờ Telegraph (Anh) ngày 24/5, trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine tiếp diễn, các chuyên gia quân sự đang đặc biệt chú ý đến một chiến lược tác chiến mới mà Nga đang triển khai, được mệnh danh là “ba đòn khóa cổ”. Chiến thuật này đang đẩy quân đội Ukraine vào tình thế kiệt quệ trên nhiều mặt trận, buộc Kiev phải tìm cách thích nghi để duy trì phòng tuyến.
Chiến lược "ba đòn khóa cổ" (triple chokehold) của Nga được xây dựng dựa trên sự phối hợp chặt chẽ của ba yếu tố tác chiến: tấn công bộ binh, thả chất nổ từ thiết bị bay không người lái (UAV) và sử dụng bom lượn. Theo Serhii Kuzan, Chủ tịch Trung tâm An ninh và Hợp tác Ukraine, đây là một chiến lược "chiến tranh tiêu hao" toàn diện.
Bước đầu tiên, quân đội Nga phát động các cuộc tấn công trên bộ quy mô lớn nhằm khống chế và kìm chân lực lượng Ukraine, buộc họ phải cố thủ tại các vị trí phòng thủ. Chuyên gia Kuzan cho biết, cường độ giao tranh tại những nơi như Pokrovsk rất cao, với các cuộc tấn công diễn ra cứ sau hai giờ. Điều này gây áp lực nghiêm trọng lên binh lính và nguồn lực của Ukraine, dẫn đến tình trạng kiệt sức.
Tiếp theo, thiết bị bay không người lái (UAV) được triển khai để hạn chế khả năng cơ động của quân đội Ukraine. Các UAV góc nhìn thứ nhất (FPV) cho phép lực lượng Nga theo dõi vị trí đối phương theo thời gian thực và nhanh chóng phản ứng với mọi di chuyển.
Cùng với đó, UAV rải "mìn" được sử dụng để cắt đứt các tuyến đường rút lui hoặc tiếp viện. Nick Reynolds, nghiên cứu viên về chiến tranh trên bộ tại Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc phòng (RUSI) có trụ sở tại Anh, giải thích rằng chính vì mối đe dọa từ UAV, Ukraine buộc phải phòng thủ tiền tuyến bằng các vị trí cố định, đi kèm với các biện pháp ngụy trang rộng rãi như đào hầm quy mô lớn.
Cuối cùng và cũng là mũi nhọn quan trọng nhất, Nga sử dụng bom lượn để nhắm vào các vị trí phòng thủ quan trọng từ khoảng cách xa. Những quả bom này được cải tiến từ đạn dược cũ thời Liên Xô bằng cách thêm cánh gập và định vị GPS, sau đó được thả từ máy bay quân sự được phóng từ vị trí phía sau tiền tuyến.
Bom lượn cho phép Nga sử dụng kho vũ khí khổng lồ của mình để tấn công chính xác các mục tiêu then chốt của Ukraine, đặc biệt là pháo binh và các cơ sở phòng thủ. Ông Reynolds nhận định, đây là tình thế tiến thoái lưỡng nan thực sự cho Ukraine, bởi dù việc đào hầm có thể giảm thiểu thiệt hại từ pháo binh hoặc UAV FPV, nhưng bom lượn lại có thể phá hủy các công sự.
Sự kết hợp này buộc quân đội Ukraine phải đối mặt với lựa chọn khó khăn: hoặc giữ nguyên vị trí, đối mặt với thương vong nặng nề và cạn kiệt nguồn lực; hoặc duy trì khả năng cơ động, chấp nhận rủi ro cao hơn từ các cuộc tấn công bằng UAV và bộ binh.
Chiến thuật "ba đòn khóa cổ" đã mang lại những thành quả đáng kể cho Nga. Trong năm ngoái, lực lượng Nga đã kiểm soát được khoảng 2000 km2 vuông lãnh thổ, đây là thành quả lớn nhất kể từ khi xung đột nổ ra vào năm 2022.
John Hardie, Phó Giám đốc Chương trình Nga tại Quỹ Bảo vệ Dân chủ, cho biết tốc độ sản xuất và sử dụng bom lượn cùng UAV FPV của Nga đã tăng đáng kể. Trong khi đó RUSI dự báo, Nga có kế hoạch sản xuất 75.000 quả bom lượn vào năm 2025, tương đương khoảng 205 quả mỗi ngày, cho thấy khả năng duy trì chiến thuật này ở quy mô lớn.
Tuy nhiên, chiến lược này cũng tồn tại những thách thức nhất định. Mặc dù Nga chịu tổn thất nhân lực và khí tài, nhưng khả năng duy trì lực lượng và sản xuất UAV, bom lượn nhanh vẫn là lợi thế chính của Moskva.
Về phía Ukraine, Kiev đang nỗ lực thích nghi bằng cách chuyển sang chiến lược phòng thủ chủ động, liên tục thay đổi vị trí và tạo ra sự khó lường, thay vì giữ nguyên các vị trí cố định. Theo chuyên gia Hardie, Ukraine sử dụng kết hợp mìn, nhiều loại UAV tấn công và hỏa lực pháo binh để đối phó với các lực lượng Nga.
Ukraine cũng đã mở rộng các đơn vị UAV tấn công và tăng đáng kể số lượng UAV FPV cùng các hệ thống không người lái khác. Hamish de Bretton-Gordon, cựu Đại tá quân đội Anh và là chuyên gia vũ khí hóa học, nhận định Ukraine đã trở nên rất thành thạo và sáng tạo trong việc chống lại các cuộc tấn công của Nga.
Dù chiến lược "ba đòn khóa cổ" đã đẩy Ukraine vào một cuộc chiến dai dẳng hơn, nhưng ông Hamish cho rằng bất kỳ lợi thế nào của Nga cũng chỉ là gia tăng chứ chưa tạo ra được bước đột phá trong tác chiến quy mô lớn.
Có thể nói chiến lược "ba đòn khóa cổ" của Nga đang tạo ra những thách thức lớn cho Ukraine, nhưng đồng thời cũng cho thấy khả năng thích nghi của quân đội Ukraine. Cuộc xung đột này vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, và liệu chiến thuật tiêu hao này có mang lại chiến thắng quyết định cho Nga hay không vẫn còn là một câu hỏi ngỏ.
Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc