Vì sao UAV cáp quang của Nga áp đảo tại tiền tuyến?

Vì sao UAV cáp quang của Nga áp đảo tại tiền tuyến?
6 giờ trướcBài gốc
Theo Wasington Post, cáp quang, loại vật liệu từng cách mạng hóa internet tốc độ cao, giờ đây được tích hợp vào các UAV chiến đấu, cho phép điều khiển từ xa ổn định và miễn nhiễm hoàn toàn với thiết bị gây nhiễu. Đây là bước chuyển mình mang tính chiến thuật, khiến lực lượng Ukraine gặp nhiều khó khăn khi đối mặt với các thiết bị không thể vô hiệu hóa bằng phương pháp điện tử thông thường.
Quân đội Nga đã triển khai các UAV điều khiển bằng cáp quang có tầm hoạt động tới 20km, sử dụng chúng để phá hủy trang thiết bị, phong tỏa tuyến hậu cần, và giành ưu thế trong các khu vực chiến lược. Các UAV thế hệ mới này sở hữu thời lượng pin dài hơn, khả năng định vị chính xác cao hơn và quan trọng nhất là không thể bị gây nhiễu, điều đã tạo ra áp lực nặng nề đối với các binh sĩ Ukraine tại Kursk. Một số người buộc phải ở lại tiền tuyến mà không được tiếp tế lương thực, đạn dược hay rút lui an toàn.
Dù Ukraine cũng đã bắt đầu sử dụng UAV cáp quang, nhưng số lượng còn rất hạn chế do sản xuất chưa theo kịp. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2022, các chuyên gia nhận định Nga đang vượt trội Ukraine về công nghệ UAV tiền tuyến. Sự áp đảo này diễn ra đúng lúc Kyiv đang chịu sức ép chính trị quốc tế và không ổn định về nguồn viện trợ quân sự từ Mỹ.
HÌnh ảnh một một loại UAV do Bộ quốc phòng Nga công bố - Ảnh: Reuters
Hiệu quả của UAV cáp quang
Việc kết nối cáp quang vào UAV thoạt nhìn có vẻ là một bước lùi công nghệ, song trên thực địa, nó lại mang đến hiệu quả rõ rệt. Tín hiệu truyền dẫn ổn định, chất lượng hình ảnh cải thiện và UAV có thể luồn lách qua các địa hình phức tạp mà không mất kết nối. Cáp quang cũng cho phép bay thấp hơn, tiếp cận mục tiêu dễ dàng hơn và thực hiện các thao tác phức tạp hơn, dù đôi khi có thể bị rối. Chi phí tăng cao – gấp đôi so với UAV cũ – được coi là cái giá phải trả cho hiệu quả vượt trội.
Từ năm 2022, Ukraine đã tận dụng UAV góc nhìn thứ nhất (FPV) giá rẻ, tự chế bằng cách gắn thuốc nổ vào. Những UAV này có thể tiêu diệt xe bọc thép chỉ với vài trăm USD và nhanh chóng trở thành một phần không thể thiếu trong chiến tranh hiện đại, lan rộng sang các mặt trận như Tây Phi và Syria. Cả hai bên đều trang bị công nghệ gây nhiễu để phòng vệ, nhưng với UAV cáp quang, phương án này không còn hiệu quả. Giải pháp duy nhất là tiêu diệt trực tiếp trên không trung.
Trên thực tế, các UAV cáp quang vẫn chiếm số lượng nhỏ nhưng nhu cầu từ quân đội Ukraine đã tăng vọt. Theo Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi số Ukraine Mykhailo Fedorov, ít nhất 15 công ty nội địa đang phát triển dòng UAV này, cùng với 20 công ty khác sản xuất cuộn dây cáp, chủ yếu vẫn phải nhập khẩu. Hệ thống mua sắm vũ khí của Ukraine cũng đã cho phép binh sĩ đổi "điểm thưởng", dựa trên thành tích phá hủy thiết bị đối phương, để lấy UAV cáp quang.
Sự phát triển của loại UAV mới này đồng nghĩa với một cuộc chạy đua ngầm: truy vết cáp ngược về điểm phóng để định vị và tấn công vào căn cứ vận hành. Các bên đang ráo riết tìm kiếm công nghệ định vị nhanh chóng để giành lại thế thượng phong. Trong khi đó, các công ty quốc phòng Mỹ cũng bắt đầu theo dõi sát sao xu hướng này, xem Ukraine như một chiến trường thử nghiệm các công nghệ UAV tiên tiến.
UAV cáp quang hiện diện tại chiến trường Kursk
Tại Kursk, sự hiện diện của UAV cáp quang được nhận diện rõ rệt. Lực lượng Ukraine nhận thấy hệ thống tác chiến điện tử không còn hiệu quả. Nhiều binh sĩ trở về từ nhiệm vụ với xe phủ đầy cáp mỏng, thậm chí vấp ngã vì mớ dây để lại trên chiến trường. Từ góc nhìn UAV, những sợi cáp sáng lên dưới ánh mặt trời, báo hiệu sự hiện diện ngày càng phổ biến của công nghệ này.
Đến giữa tháng 2, Nga sử dụng kết hợp UAV FPV và UAV cáp quang để phong tỏa tuyến hậu cần quan trọng nối Ukraine với Sudzha. Tuyến đường mà Ukraine gọi là “con đường của sự sống” nhanh chóng trở thành điểm chết.
Chỉ có thời tiết xấu như mưa lớn hoặc sương mù mới tạm làm gián đoạn hoạt động UAV. Khi trời quang, các chiến hào gần Sudzha trở nên im lặng, không có tiếp tế, không có cứu viện. Dù có kinh nghiệm, hầu hết lực lượng UAV tinh nhuệ của Ukraine ở Kursk vẫn đang sử dụng thiết bị không dây, khiến họ gặp nhiều bất lợi.
Theo sĩ quan tình báo Ukraine Oleksandr, chính việc Nga chiếm được tuyến đường hậu cần đã dẫn đến việc Ukraine buộc phải rút khỏi Sudzha, điều ông gọi là “hệ quả tất yếu”. Thị trấn này hiện đã nằm trong tay Nga kể từ tháng 3.
Tăng cường sản xuất nội địa UAV cáp quang
Trên các mặt trận khác, Ukraine đang đẩy mạnh sản xuất nội địa UAV cáp quang bằng linh kiện nhẹ, giảm phụ thuộc nhập khẩu. Tại một cơ sở bí mật ở Đông Bắc Ukraine, các binh sĩ trung đoàn Achilles đang lắp ráp UAV theo ba kích thước, với tầm bay từ 10 - 20km tùy loại. Tuy nhiên, cự ly xa hơn không đồng nghĩa với hiệu quả cao hơn, UAV lớn hơn dễ bị phát hiện và tiêu diệt hơn.
Chỉ huy một đơn vị UAV của UKriane, Yuriy Fedorenko cho biết cáp quang cho phép UAV di chuyển qua địa hình rừng rậm và đô thị vốn từng là “vùng cấm” do tín hiệu vô tuyến không ổn định. Mục tiêu trong tương lai là tích hợp trí tuệ nhân tạo để nâng cao khả năng tấn công, đồng thời giảm áp lực cho binh sĩ tiền tuyến.
Dù vậy, vận hành UAV cáp quang vẫn còn nhiều thách thức kỹ thuật, chẳng hạn, chỉ một hạt bụi bẩn cũng có thể làm gián đoạn liên kết. Các phi công phải học cách điều khiển khéo léo để tránh cáp vướng vào cánh quạt hoặc cây cối. Nhưng khi UAV hoạt động trơn tru và lao thẳng vào mục tiêu, mọi nỗ lực đều được đền đáp.
Theo kỹ sư Dmytro Semkiv, người thiết kế UAV tại xưởng Achilles, ý tưởng sử dụng cáp để điều khiển UAV từng bị xem là bước lùi. Nhưng theo ông, “những ý tưởng thiên tài thường đến từ sự đơn giản”.
Hoàng Vũ
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/vi-sao-uav-cap-quang-cua-nga-ap-dao-tai-tien-tuyen-232988.html