Chiến tranh toàn diện ở Trung Đông có làm tắc nghẽn dòng chảy dầu toàn cầu?

Chiến tranh toàn diện ở Trung Đông có làm tắc nghẽn dòng chảy dầu toàn cầu?
3 giờ trướcBài gốc
Eo biển Hormuz, huyết mạch quan trọng cho dòng chảy dầu toàn cầu. Ảnh AFP
“Các yếu tố cơ bản của thị trường năng lượng cho đến nay phần lớn chưa bị ảnh hưởng, nhưng điều này có thể thay đổi bất cứ lúc nào”, ông Saraswat cảnh báo trong bản cập nhật.
“Trong kịch bản chiến tranh khu vực lan rộng, xung đột giữa Iran và Israel có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu khí đốt và dẫn đến sự chậm trễ trong các dự án phát triển dầu mỏ”, Giám đốc nghiên cứu cho biết thêm.
“Các cuộc tấn công vào các cơ sở năng lượng quan trọng có thể đe dọa gần 1,4 triệu thùng dầu mỗi ngày từ sản lượng của Iran, gây ra sự gián đoạn nguồn cung đáng kể”, ông Saraswat tiếp tục.
“Một cuộc chiến tranh toàn diện có thể khiến eo biển Hormuz đóng cửa, đe dọa tới 12 triệu thùng dầu mỗi ngày, đẩy giá dầu tăng mạnh. Các quốc gia nhập khẩu dầu ở châu Á sẽ phải đối mặt với chi phí tăng cao và chuỗi cung ứng bị gián đoạn, làm gia tăng mối lo ngại của thị trường”, đại diện của Rystad nói thêm.
Rystad cảnh báo trong bản cập nhật rằng, việc dự đoán kết quả của căng thẳng gia tăng giữa Iran và Israel vẫn là một thách thức. Công ty cho biết, nếu giữ nguyên hiện trạng, không có cuộc tấn công trực tiếp nào giữa hai quốc gia, xung đột này có thể vẫn chỉ là một cuộc chiến ủy nhiệm, không có các cuộc tấn công lớn vào cơ sở hạ tầng dầu khí quan trọng như đường ống, kho lưu trữ hoặc nhà máy lọc dầu.
Tuy nhiên, trong trường hợp xảy ra “kịch bản thời chiến”, Rystad cảnh báo rằng Iran và Israel có thể sẽ tham gia vào một cuộc chiến trực tiếp, với các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng thượng nguồn, đường ống và cơ sở lưu trữ.
“Thị trường ngày càng lo ngại về những leo thang như vậy, dẫn đến giá dầu tăng 10% từ đầu tháng 10 lên mức 80 USD/thùng trong tuần này, mặc dù giá sẽ giảm xuống dưới 75 USD/thùng khi những lo ngại dần lắng xuống và triển vọng nhu cầu yếu đi”, Rystad cho biết trong bản cập nhật.
“Giá dầu Brent có thể tiếp tục bị ảnh hưởng bởi những báo cáo gần đây về việc Ả Rập Xê Út đảo ngược lệnh cắt giảm tự nguyện của OPEC và việc cắt giảm sản lượng dầu của Libya do những bất ổn nội bộ”, công ty cho biết thêm.
Trong một báo cáo gửi đến AFP tuần trước, Ole R. Hvalbye, một nhà phân tích hàng hóa tại Skandinaviska Enskilda Banken AB (SEB), đã nhấn mạnh rằng thị trường đang “nín thở, chờ đợi phản ứng của Israel đối với cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran”.
“Sự trả đũa của Israel có thể dao động từ một cuộc tấn công hạn chế, dự kiến không gây ra sự trả đũa nghiêm trọng của Iran, cho phép Iran tiếp tục xuất khẩu dầu thô sang Trung Quốc với mức khoảng 2 triệu thùng mỗi ngày, cho đến các cuộc tấn công nghiêm trọng hơn có khả năng kích động Iran nhắm vào các cơ sở hạ tầng dầu mỏ ở UAE và Ả Rập Xê Út, và cố gắng chặn eo biển Hormuz, nơi vận chuyển 18 triệu thùng dầu thô mỗi ngày ra thị trường toàn cầu (chiếm 20% lượng tiêu thụ dầu toàn cầu)”, ông nói thêm.
“Sự phong tỏa này có thể hạn chế nghiêm trọng nguồn cung, làm tăng giá dầu khi lượng dầu thô dự trữ của Mỹ đang ở mức thấp”, ông cảnh báo.
“Mặc dù khả năng xảy ra kịch bản xấu nhất còn thấp, nhưng thị trường toàn cầu vẫn trong tình trạng căng thẳng sau những sự kiện bất ngờ như xung đột Nga – Ukraine bùng nổ”, ông Hvalbye tiếp tục.
Trong một báo cáo được nhóm Macquarie gửi đến AFP vào tuần trước, Thierry Wizman, chiến lược gia về tỷ giá và ngoại hối toàn cầu tại Macquarie Group, đã cảnh báo rằng, “tất nhiên là có khả năng cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iran sẽ bị tấn công, nhưng cũng có rủi ro rằng Iran có thể cố tình phong tỏa eo biển Hormuz để đáp trả phản ứng của Israel”.
“Triển vọng giá dầu tăng lên 100 USD/thùng chắc chắn là nhằm gây áp lực buộc Israel phải kiềm chế không tấn công Iran”, ông nói thêm.
Trong một báo cáo riêng được gửi đến AFP vào đầu tháng này, các nhà phân tích của Bloomberg Intelligence cho biết giá dầu có thể duy trì trên mức 100 USD/thùng, nếu cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran vào Israel vào ngày 1/10 gây ra một chu kỳ trả đũa nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng hoặc đóng cửa eo biển Hormuz.
Báo cáo phân tích thị trường gửi đến AFP vào ngày 4/10, Rania Gule, nhà phân tích thị trường cấp cao tại XS.com, cho biết, “các sự kiện gần đây ở Trung Đông làm gia tăng nỗi lo về sự gián đoạn nguồn cung toàn cầu, và kịch bản như vậy có thể dẫn đến giá tăng mạnh, đặc biệt là nếu eo biển Hormuz, một huyết mạch quan trọng cho dòng chảy dầu toàn cầu, bị nhắm tới”.
“Nếu tình hình leo thang thành xung đột công khai, giá dầu có thể vượt quá 100 USD/thùng trong trung hạn”, ông Gule cảnh báo.
Nh.Thạch
AFP
Nguồn PetroTimes : https://petrotimes.vn/chien-tranh-toan-dien-o-trung-dong-co-lam-tac-nghen-dong-chay-dau-toan-cau-719334.html