Chiến tranh đi qua, lớp hậu thế hôm nay mãi tri ân các anh hùng liệt sĩ. Ảnh chụp tại Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng (TP Thanh Hóa). Ảnh: P.V
Thời hiện đại. Chiến tranh - bóng ma hủy diệt ám ảnh loài người còn đó. Đại chiến lần thứ nhất rồi Đại chiến lần thứ 2, biết bao câu chuyện được chép ra, kể lại làm ghê rợn người đọc. Tưởng loài người đã thấm thía với bao bài học đau thương, vậy mà chiến tranh vẫn bùng nổ. Chiến tranh tôn giáo và sắc tộc. Chiến tranh vì quyền lợi đen tối của tập đoàn thống trị, muốn đặt ách nô lệ lên quốc gia khác. Thế giới không lúc nào yên bởi chiến tranh liên miên.
Việt Nam chúng ta là một đất nước bị chiến tranh hủy hoại lâu dài. Trong mỗi trang lịch sử đều chứa đựng sự tàn phá của chiến tranh. Chiến tranh đã tạc nên một biểu tượng con người Việt Nam anh dũng và kiêu hùng. Sự thực không ai thích có chiến tranh. Ấy vậy mà chiến tranh lại chọn dân tộc ta để thử thách. Một dân tộc nhỏ bé luôn bị đe dọa bởi hiểm họa ngoại xâm. Hết cuộc chiến này đến cuộc chiến khác, cha ông ta đã không ngừng đứng lên chống giặc phương Bắc, chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Đi khắp đất nước, những chứng tích mà chiến tranh để lại, đó là những nghĩa trang, nơi ghi nhận những người con thân yêu đã ngã xuống vì sự trường tồn của Tổ quốc. Đó là đền thờ những người con đã hy sinh vì dân tộc – được người dân tôn sùng phong thần. Trong cái bi hùng mà ta chứng kiến được, chỉ là bề mặt của sự hy sinh vô bờ bến của lớp người ngã xuống, để giang sơn gấm vóc của ta tồn tại đến hôm nay.
Không ai biết được sự hủy diệt của tạo hóa. Nổi giận của thiên nhiên, lũ lụt, núi lửa... cướp đi những mạng sống trên trần gian này. Hiểm họa chiến tranh do con người gây ra; tội ác phải trả bằng máu, xương, bằng tính mạng của đồng loại. Kẻ gây ác xuất hiện bằng xương bằng thịt, bằng vũ khí giết người, lấy mạng sống của con người mà không chút run tay.
Từ sơ khai loài người đã sáng tạo ra bộ mặt của “thần chiến tranh” bằng hình ảnh ghê rợn. Một người đẹp trai tay cầm đinh ba đẫm máu (trong thần thoại Hy Lạp). Và sau này, sự xuất hiện của “cung tên”, “thanh gươm yên ngựa” và “thuốc súng, khẩu súng”, bom thường đến bom nguyên tử... là “vũ khí - chiến tranh” có thể giết người hàng loạt. Cái ác và cái anh hùng đối địch nhau. Kẻ tàn sát đồng loại và kẻ đứng lên chống lại cái ác bảo vệ đồng loại. Trái đất vẫn liên miên, nơi này chưa tan màu khói bom thì nơi khác đã châm ngòi lửa. Nhân loại không ngừng bị chiến tranh tàn phá, hủy diệt.
Biết bao nỗi ta thán về chiến tranh, không sao nói hết cái ác độc của tâm hồn kẻ gây chiến. Bao nhiêu trang sử bi thương của nhân loại đã ghi lại. Bao trang viết về chiến tranh để nhân loại đọc và hình dung sự tàn khốc của chiến tranh, từ bỏ chiến tranh mà chưa hồi kết?
Chiến tranh đã lùi xa, kể từ 30/4/1975, đất nước Việt Nam thống nhất, Nam - Bắc về chung một nhà. Chiến tranh ở Tây - Nam, phía Bắc... biết bao người con ưu tú của dân tộc đáng ra được sống bình yên, lại tiếp tục ngã xuống. Đất nước, không nguôi nỗi đau do chiến tranh. Chiến tranh, gây ra đau thương chết chóc cho đồng bào mình (và cả những người lính và thân nhân của đối phương). Đau đớn về tinh thần và thể xác. Trên da thịt con người và tâm hồn con người, không một phút nào nguôi.
Mỗi người dân Việt Nam đều có hồi tưởng về chiến tranh. Bởi trên da thịt của họ hằn sâu nỗi đau chiến tranh. Dẫu là bên chiến thắng hay bên thua cuộc đều dính dáng đến người thân yêu của mình đứng trong đội ngũ tham gia chiến tranh và chống lại chiến tranh chính nghĩa hay phi nghĩa. Thống nhất đất nước, hòa hợp dân tộc, một cuộc tái thiết đất nước. Gác lại quá khứ đau thương và xây dựng những trang mới đầy yêu thương là khát vọng của mọi người dân nước Việt. Nhưng chiến tranh dai dẳng, lâu dài. Đụng nơi đâu cũng gặp vết tích chiến tranh. Gặp mỗi người đều gửi gắm những tâm sự chiến tranh trong quá vãng. Ký ức dân tộc là ký ức chiến tranh. Từ chiến tranh, bao thế hệ đã ngã xuống giành lấy độc lập dân tộc và khát vọng hòa bình. Vì cái ý nghĩa đơn giản ấy, thiêng liêng ấy, chiến tranh giành độc lập cho dân tộc là bài ca bất tận. Với người Việt Nam, họ chấp nhận chiến tranh như là số phận. Đi qua chiến tranh như điều phải làm và nên làm. Rồi sau này là hàn gắn chiến tranh, giải quyết hậu quả chiến tranh, thời gian tính bằng cả đời người, thậm chí bằng nhiều thế hệ.
Một người cầm bút, trải qua các cuộc chiến tranh Vệ quốc, chiến tranh vẫn day dứt tôi đến hôm nay. Chứng kiến bậc cha anh đã ngã xuống trong kháng chiến chống Pháp, chống Nhật. Thật vui sướng làm sao khi ta chiến thắng giặc Pháp bằng chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), lập lại hòa bình. Và chưa kịp xây dựng, thống nhất đất nước, chúng ta lại phải đối mặt với cuộc chiến tranh chống Mỹ. Ta đã chiến thắng đế quốc sừng sỏ mà nghe đến tên đã làm khiếp vía bao dân tộc trên địa cầu. Đất nước đã thống nhất, một dân tộc nghèo khổ bậc nhất hành tinh đã ghi tên mình vào những trang đẹp nhất của nhân loại.
Nhưng, phía sau niềm vui chiến thắng là biết bao nỗi đau mất mát. Đồng đội tôi, người thân tôi, người dân nước tôi đã ngã xuống vì cuộc chiến tranh có một không hai trên trái đất này. Điều đó thôi thúc tôi cầm bút. Tôi viết để phản ảnh, ca ngợi sự phi thường của con người Việt Nam không chịu khuất phục trước bom đạn. Hơn hết, tôi muốn xóa mờ ký ức đau thương đó. Tổ quốc ta, dân tộc ta không có con đường nào khác phải tự mình đứng lên thành một quốc gia giàu mạnh hùng cường. Đứng vững trên bom đạn và hậu quả chiến tranh. Đối mặt với chiến tranh. Không sợ chiến tranh. Nhưng hơn hết là tạo ra hòa bình, gìn giữ hòa bình, xây dựng đất nước, giàu mạnh văn minh và một nền hòa bình vững chắc.
Chiến tranh và nỗi ám ảnh của nó thật “dai hoi” - là căn bệnh lưu niên của loài người. Mỗi người Việt Nam ai cũng có sự chịu đựng chiến tranh như là số phận. Nhưng cao hơn số phận là suy nghĩ về nó, đẩy nỗi ám ảnh - bộ mặt của chiến tranh - ra xa dân tộc, con người mình, cũng là một thách thức. Nhưng tôi tin tình yêu hòa bình đã và đang cải hóa những nỗi đau, những mất mát để đất nở hoa, Tổ quốc vươn mình phát triển.
Tháng 12/2024!
Nhà văn Từ Nguyên Tĩnh (CTV)