Chiêu lừa làm giả sổ đỏ để chiếm đoạt tiền tỷ

Chiêu lừa làm giả sổ đỏ để chiếm đoạt tiền tỷ
7 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa.
Ngày 4/7, TAND TP Hà Nội xử phạt bị cáo Nguyễn Đức Thành (SN 1988, ở phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) 11 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 3 năm tội Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Theo cáo trạng, Thành là bạn học với anh Chu Văn T. (ở Nghệ An). Trong tháng 5/2023, Thành có 2 lần hỏi vay anh T. 800 triệu đồng để giải quyết công việc gia đình. Cả hai khoản vay này Thành đã thanh toán đủ các gốc và lãi và tạo được niềm tin với anh T.
Ngày 12/5/2023, Thành hỏi vay tiếp anh T. số tiền 2 tỷ đồng với lãi suất 1.500 đồng/1 triêu/1 ngày. Do số tiền lớn nên anh T. yêu cầu phải có tài sản đảm bảo và viết giấy vay tiền. Thời điểm này, Thành không có tài sản bảo đảm nên nảy sinh ý định làm giả sổ đỏ đưa cho anh T.
Thành tìm kiếm trên mạng internet, quét mã QR và nhắn tin đặt hàng làm giả 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Đồng Văn Hưng và Phan Thị Ngữ - bố mẹ vợ của Thành với thông tin sở hữu căn hộ ở phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Sau đó, có người xe ôm Grab mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến giao cho Thành với chi phí 2 triệu đồng. Ngoài ra, Thành còn mua sim điện thoại khuyến mãi, thuê người đánh giày viết giấy vay tiền với chi phí 200.000 đồng.
Thành còn trả thêm cho người này 200.000 đồng và xin số điện thoại để phòng trường hợp nếu anh T. có yêu cầu gọi điện thoại xác nhận thì Thành sẽ gọi cho người này đóng giả làm bố vợ của Thành.
Thành hẹn gặp anh T. để thế chấp vay tiền. Lúc này, anh T. nói chỉ có thể cho vay 1,5 tỷ đồng thì Thành đồng ý. Anh này yêu cầu Thành gọi điện cho “ông Hưng” để xác nhận thông tin người vay.
Thực tế, Thành gọi điện cho người đánh giày, bật loa ngoài và nói “Nhờ bố xác nhận việc con mượn bìa của bố để vay tiền” thì người đánh giày nói: “Ừ, đúng”.
Thành nói: “nhờ bố đọc số chứng minh nhân dân và thông tin tài sản để xác nhận” thì người đánh giày đọc đúng các nội dung ghi trên giấy chứng nhận sử dụng đất như Thành đã trao đổi trước đó.
Sau khi cầm sổ đỏ, anh T. chuyển khoản cho Thành vay 1,5 tỷ đồng. Thành sử dụng số tiền trên chi tiêu cá nhân. Một tháng sau, Thành thanh toán tiền lãi là 67,5 triệu đồng rồi cắt đứt liên lạc và bỏ trốn.
Tại cơ quan điều tra, Thành khai không quen biết, không còn nhớ số điện thoại của người đánh giày nên công an không có cơ sở xác minh làm rõ để xử lý.
Quá trình điều tra, gia đình Thành khắc phục cho nạn nhân 400 triệu đồng. Phía bị hại yêu cầu Thành còn phải hoàn trả 1,1 tỷ đồng.
Tương tự, trong vụ án Phan Huy Thuyết (SN 1968, ở phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội) bị truy tố về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cơ quan tố tụng làm rõ việc thỏa thuận bán nhà để chiếm đoạt tiền vay.
Theo cáo trạng, năm 2011, vợ chồng Thuyết vay tiền ông Vũ Xuân H. (SN 1964) để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hai bên không thỏa thuận lãi suất. Ông H. cho vợ chồng Thuyết vay 400 triệu đồng.
Khoảng cuối tháng 10/2011, vợ chồng Thuyết thỏa thuận bán cho ông H. căn nhà ở phường Hoàng Văn Thụ với giá 3 tỷ đồng, đặt cọc 1 tỷ đồng. Ngày 1/11/2011, ông H. đến gặp vợ chồng Thuyết đưa tiền đặt cọc. Do vợ chồng Thuyết đang nợ ông H. 400 triệu đồng nên ông H. chỉ phải đưa thêm 600 triệu đồng.
Hai bên thỏa thuận, hai tháng sau, tức ngày 1/1/2012, vợ chồng Thuyết sẽ hoàn tất thủ tục sổ đỏ rồi ông H. chuyển nốt tiền. Nếu chưa làm được sổ đỏ, ông H. vẫn mua căn nhà trên với giá 3 tỷ đồng.
Vợ chồng Thuyết đưa cho ông H. “giấy nhận tiền đặt cọc”cùng các giấy tờ pháp lý liên quan đến căn nhà trên. Đến hạn cam kết, vợ chồng Thuyết không bàn giao nhà cho ông H. mà bỏ trốn khỏi địa phương. Ông H. nhiều lần liên lạc nhưng không được nên làm đơn tố giác đến cơ quan công an.
Đến ngày 10/5/2013, bà Đào Thị Loan – vợ Thuyết bị bắt. Năm 2014, TAND TP Hà Nội phạt bà này 14 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Đầu năm 2024, bà Loan chấp hành xong hình phạt. Còn ông Thuyết bỏ trốn, đến ngày 1/10/2024, ông này mới đến Công an phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đầu thú.
Tại cơ quan điều tra, ông Thuyết khai nhận số tiền của ông H., vợ chồng Thuyết sử dụng chi tiêu cá nhân. Quá trình bỏ trốn, Thuyết sống lang thang nhiều nơi, không ở cố định, không đăng ký tạm trú, không liên lạc với người thân.
Còn bà Loan cho biết có ký giấy vay tiền, giấy nhận đặt cọc. Thời điểm không làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hai vợ chồng không muốn mất nhà, không có tiền để trả nên bỏ trốn mỗi người một nơi và không liên lạc với nhau.
Tại bản án sơ thẩm năm 2014, TAND TP Hà Nội buộc ông H. phải trả lại các giấy tờ trên cho bà Loan. Hiện bà Loan và các con sinh sống tại căn nhà trên. Tòa án cũng buộc bà Loan phải bồi thường 1 tỷ đồng cho ông H. Khi bắt được Thuyết nếu bà Loan có đơn yêu cầu sẽ được giải quyết bằng vụ kiện dân sự khác.
Đỗ Mến
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/chieu-lua-lam-gia-so-do-de-chiem-doat-tien-ty.htm