Chiều tối nay bắt đầu quan sát được cực điểm mưa sao băng Draconids

Chiều tối nay bắt đầu quan sát được cực điểm mưa sao băng Draconids
2 giờ trướcBài gốc
Theo Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA), chiều tối nay, 07/10, nếu ở khu vực thời tiết đẹp và ít ô nhiễm, bạn có thể quan sát được mưa sao băng Draconids. Đây là một mưa sao băng nhỏ với mật độ cực điểm tối đa chỉ đạt 10 sao băng mỗi giờ ngay cả khi thời tiết lý tưởng. Khu vực trung tâm của nó là chòm sao Draco. Đây là chòm sao khá dễ để nhận ra.
Từ 18h30 (khi trời đã đủ tối) đến trước nửa đêm, hãy nhìn về bầu trời Bắc, bạn sẽ không khó để tìm thấy những ngôi sao sắp xếp thành hình dạng nếu trời đủ trong (không mây, ít ô nhiễm). Draco có hình ảnh một con rồng lượn quanh hai chòm sao Ursa Major (Gấu Lớn) và Ursa Minor (Gấu Nhỏ) với cái đầu là một hình tứ giác tạo thành từ 4 sao khá dễ nhận biết. Bạn cũng có thể tìm thấy hình tứ giác này bằng cách lấy mốc từ sao Vega (sao sáng nhất của chòm sao Lyra) - ngôi sao sáng nhất trong khu vực bầu trời đó.
Chiều tối nay, người yêu thiên văn có thể quan sát được mưa sao băng Draconids.
Theo EarthSky, liệu chúng ta sẽ thấy một cơn "bão sao băng Draconids" trong năm nay không? Câu trả lời là có thể. Trong những trường hợp hiếm hoi, có thể xuất hiện hàng trăm sao băng chỉ trong một giờ. Khả năng đó khiến nhiều người ngắm bầu trời khó lòng bỏ lỡ sự kiện này. Draconids khá khó đoán, nhưng nếu có bất kỳ điều gì bất ngờ xảy ra, thì đó sẽ là năm nay hoặc năm sau.
Nếu kiên nhẫn, bạn vẫn có thể bắt được một vài khoảnh khắc tốt. Việc xem tốt nhất sẽ là vào đầu buổi tối từ một vị trí cách xa ánh đèn thành phố. Thiên thạch sẽ tỏa ra từ chòm sao Draco, nhưng có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên bầu trời.
Hiện tượng này có thể được quan sát tại bất cứ nơi nào, miễn là nơi quan sát không có mây và góc nhìn về phía Bắc không bị cản trở, đồng thời không khí không quá ô nhiễm. Bạn không cần bất cứ dụng cụ gì để quan sát hiện tượng này, đơn giản là nhìn bằng mắt thường.
Hãy chọn nơi quan sát nào có góc nhìn đủ rộng và không để ánh sáng mạnh như đèn đường, đèn trên các nhà cao tầng chiếu thẳng vào mắt.
Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch VACA cho biết, mưa sao băng (meteor shower) là hiện tượng quang học xảy ra khi nhiều sao băng xuất hiện cùng lúc hoặc liên tiếp với điểm xuất phát chung trên bầu trời. Mưa sao băng bắt nguồn từ đám mảnh vụn gồm rất nhiều thiên thạch trên quỹ đạo Trái Đất, thường là phần sót lại của các tiểu hành tinh hay sao chổi khi chúng đi qua quĩ đạo hành tinh. Những đám thiên thạch này thường chứa nhiều thiên thạch, không đi toàn bộ vào khí quyển Trái Đất trong một lần hành tinh của chúng ta đi qua khu vực của chúng. Do đó hầu hết mưa sao băng là hiện tượng diễn ra hàng năm theo định kỳ.
Mưa sao băng thường kéo dài nhiều ngày, nhưng chỉ có một khoảng cực điểm ngắn. Tại cực điểm, một mưa sao băng có thể cho phép người quan sát nhìn thấy từ 10 đến hơn 100 sao băng (hoặc hơn) mỗi giờ (tùy thuộc vào mưa sao băng lớn hay nhỏ). Đặc biệt đã có một số mưa sao băng đặc biệt lớn với mật độ hàng nghìn hay thậm chí hàng chục nghìn sao băng mỗi giờ từng được ghi nhận, được gọi là các trận bão sao băng (meteor storm). Nổi tiếng về khả năng tạo bão nhất là mưa sao băng Leonids được ghi nhận đã gây ra bão sao băng vào các năm 1799, 1833 và 1966.
Sao băng và mưa sao băng chỉ có thể quan sát vào ban đêm, mặc dù ban ngày các thiên thạch vẫn lao vào khí quyển Trái Đất nhưng chúng quá mờ nhạt so với ánh sáng Mặt Trời. Việc quan sát sao băng đòi hỏi yếu tố khí quyển rất quan trọng. Các đám mây mang nước ở thấp hơn nhiều so với độ cao mà thiên thạch cháy sáng, do đó những đêm mây mù hay có mưa hoàn toàn không có khả năng quan sát hiện tượng này. Tại các khu vực ô nhiễm khí quyển như các đô thị lớn, các công trường xây dựng khả năng quan sát cũng hạn chế. Trăng sáng hoặc ánh đèn chiếu trực tiếp vào mắt cũng làm giảm mạnh khả năng quan sát sao băng.
Tên của các trận mưa sao băng được đặt theo tên chòm sao có chứa tâm của nó (nơi xuất phát của tất cả sao băng). Cuối cùng, như đã nói, đây là một mưa sao băng rất nhỏ và không phải thực sự đáng chú ý, nhất là với những ai ở các thành phố ô nhiễm. Bạn có thể đợi tới gần cuối tháng 10 để theo dõi mưa sao băng Orionids.
Tô Hội
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/chieu-toi-nay-bat-dau-quan-sat-duoc-cuc-diem-mua-sao-bang-draconids-169241007150130265.htm