Thám tử hư cấu Sherlock Holmes sử dụng phương pháp suy luận nào?

Thám tử hư cấu Sherlock Holmes sử dụng phương pháp suy luận nào?
7 giờ trướcBài gốc
Giống như các nhà tâm lý học nhận thức hiện đại, Kant muốn nghiên cứu những khái niệm tiên nghiệm chủ quan này một cách khách quan. Đây là một vấn đề. Kant nhận ra rằng những điều chủ quan sẽ vẫn là chủ quan, cũng như những điều khách quan sẽ vẫn là khách quan. Bất cứ ai muốn tìm ra sự thật về bất cứ điều gì phải có ưu tiên cho thông tin khách quan, không thiên vị, vì cố nhiên nó gần với sự thật hơn.
Nhưng Kant đã tìm ra cách giải quyết. Ông đề xuất phương pháp lập luận, không giống logic suy diễn của Aristotle, đưa ra một khả năng đối lập với một kết luận chắc chắn. Bằng cách hy sinh tính xác định, Kant đã tìm ra cách khai thác dữ liệu chủ quan để đi đến kết luận khách quan. Kant gọi cách lập luận này là phương pháp siêu việt.
Ảnh minh họa. Nguồn: BBC.
Phương pháp siêu việt còn được gọi là quy nạp vì các quan sát có trước cách giải thích. (Theo logic suy diễn, các giải thích của Aristotle có trước những quan sát được mong đợi.) Sherlock Holmes, thám tử hư cấu được Sir Arthur Conan Doyle tạo ra, đã sử dụng phương pháp này trong Cuộc phiêu lưu của chiếc đồng hồ của Watson (xem khung trang 26).
Hãy tưởng tượng bạn là Holmes. Sử dụng phương pháp siêu việt, bạn bắt đầu với một sự kiện hoặc một tập hợp sự kiện mới, chẳng hạn như nhận một chiếc đồng hồ bỏ túi từ người bạn của bạn, BS. Watson. Đồng hồ có một số đặc điểm nhận dạng, chẳng hạn như (a) được khắc chữ cái đầu W, (b) có ngày sản xuất 50 năm tuổi, (c) có một số con số nhỏ nguệch ngoạc ở mặt trong của vỏ, (d) có các vết lõm nhỏ xung quanh lỗ khóa và (e) trầy xước khắp nơi.
Bây giờ, hãy tự hỏi bản thân làm thế nào những thứ này lại có thể ở đó. Kiểm tra từng quan sát và suy luận, sử dụng kiến thức hiện có của chủ đề, giải thích phù hợp. Ví dụ, kết hợp dữ kiện (a), đồng hồ được khắc chữ W (do Watson giới thiệu chiếc đồng hồ nên chúng ta cho rằng là viết tắt của Watson) và dữ kiện (b), chiếc đồng hồ đã 50 tuổi. Suy luận: Chiếc đồng hồ thuộc về cha của Watson.
Tuy nhiên, cha của Watson đã mất. Suy luận: Nó được để lại cho con trai cả của ông. Dữ kiện (c) những con số này có khả năng đã được một người cầm đồ vạch vào. Suy luận: Người anh đã từng thịnh vượng và nghèo khó. Trong mỗi trường hợp, chúng ta thấy các dữ kiện quan sát được ảnh hưởng như thế nào đến giải pháp suy đoán.
Nếu đáp án và sự kiện rất phù hợp, thì hãy dừng lại. Nếu không, hãy tiếp tục. Bất cứ lúc nào, các dữ kiện mới cũng có thể được thêm vào dẫn đến các suy luận mở rộng. Ví dụ, dữ kiện mới (d): Biểu cảm khổ não trên khuôn mặt của Watson. Suy luận: Bạn đã đúng.
Giống như Kant, các nhà tâm lý học nhận thức cũng muốn làm việc với dữ liệu khách quan. Với một tập hợp dữ kiện, nhà tâm lý học nhận thức có thể lật ngược lại, sử dụng phương pháp siêu việt, để đề xuất một chuỗi sự kiện xử lý thông tin nhằm giải thích các dữ kiện đó. Những sự kiện này sau đó có thể được kiểm tra.
Các phương pháp được sử dụng là khoa học, có nghĩa là chúng cung cấp độ tin cậy (những phương pháp khác có thể lặp lại một thử nghiệm và thu được kết quả tương tự) và tính hợp lệ (các biện pháp bảo vệ chứng minh rằng thử nghiệm đang đo lường những gì đã định chứ không phải hiện tượng khác).
Như với bất kỳ quá trình thu thập thông tin nào, sản phẩm cuối bị hạn chế bởi chất lượng của công cụ thu thập thông tin. Bạn không thể hiểu và dự đoán thời tiết bằng một ngón tay ướt giơ lên trời. Và tâm trí khác với thời tiết bởi vì nó không phải là một đối tượng vật lý. Bộ não, tất nhiên, là đối tượng vật lý, nhưng tâm trí ở một cảnh giới hoàn toàn khác.
Tất cả những gì nhà tâm lý học có thể làm là nghiên cứu tác động của tâm trí để đưa ra những dự đoán có cơ sở, chứ không phải nghiên cứu bản thân tâm trí. Ở đây chúng ta đang trong tình trạng khó khăn giống như nhà vật lý đang cố gắng khám phá bản chất của các hạt hạ nguyên tử. Điều này có nghĩa là bộ công cụ để khám phá và đo lường phải rõ ràng, hiệu quả và đôi khi phải khéo léo.
So sánh tâm trí với một cỗ máy bằng phương pháp siêu việt đã tạo ra bức tranh về tâm trí hoàn chỉnh hơn bất kỳ phương pháp khoa học nào khác. Trong thế kỷ 21, khi chúng ta bị cám dỗ chỉ nhìn về phía trước, điều đáng nhớ là cội nguồn của sự so sánh kéo dài đến tận các triết gia Hy Lạp cổ đại (xem tập Lịch sử Tâm lý học). Cũng có thể lưu ý rằng khoa học nhận thức sẽ chẳng tạo ra được gì nếu không có các nhà nghiên cứu và bộ công cụ khéo léo của họ.
Nhiều tác giả/ NXB Trẻ
Nguồn Znews : https://znews.vn/tham-tu-hu-cau-sherlock-holmes-su-dung-phuong-phap-suy-luan-nao-post1502555.html