Bảo Châu tới thăm Đại sứ quán các nước Ukraine (bên trái), Estonia (bên phải) và ngắm nhìn Tòa nhà Quốc hội Hungary (giữa).
Từ thời niên thiếu, Bảo Châu đã nhen nhóm ý định du học, khát khao một ngày được đặt chân khám phá những vùng đất mới, ngắm nhìn thế giới rộng lớn. Chính những suy nghĩ đó từng ngày thôi thúc cô quyết tâm rèn luyện ngoại ngữ. Đến lớp 12, với nền tảng tiếng Nga, tiếng Anh xuất sắc và tình yêu lớn với lịch sử, chính trị, cô hạ quyết tâm tới Hungary theo học ngành Quan hệ quốc tế. “Mình nghĩ ngôn ngữ sẽ là công cụ hữu hiệu để bản thân có thể giao tiếp hiệu quả, quảng bá những nét văn hóa và bản sắc quê hương”, Bảo Châu nói thêm.
Bảo Châu hiện là sinh viên năm nhất ngành Quan hệ quốc tế tại Đại học Corvinus Budapest (Hungary).
Trải qua năm đầu tiên, bên cạnh các môn đại cương như triết học, sử học, kinh tế và các môn phát triển kỹ năng viết luận, nghiên cứu, Bảo Châu đặc biệt hứng thú với hình thức học chú trọng bàn luận, trao đổi. Cô chia sẻ: “Trong từng tiết học, mình có cơ hội tranh luận về các vấn đề chính trị, cập nhật thông tin thế giới. Mỗi ý kiến đều được tôn trọng và mình cũng có thêm nhiều góc nhìn đa chiều đối với từng sự kiện”. Bên cạnh đó, môi trường sinh viên đa quốc gia và giảng viên hỗ trợ nhiệt tình đã giúp Bảo Châu có một mạng lưới mối quan hệ chất lượng dù đôi lúc bị áp lực bởi sự năng động và giỏi giang của bạn bè.
Lớp học tiếng Hungary tại trường của Bảo Châu.
Việc tự đi đến một quốc gia khác đưa cô sang một trang mới của cuộc đời. “Khoảng thời gian đầu, mình khá sốc và hoảng loạn bởi khối lượng bài tập lớn, cách học lại khác so với ở cấp 3 nên cũng không biết bắt đầu từ đâu. Mình phải tìm hướng mày mò và giải quyết những sự bỡ ngỡ đó. Một điều mình tự hào là bản thân đã bạo dạn hơn, ngoài việc học thì mình tham gia các hoạt động ngoại khóa nhiều hơn, tự tin hơn và không ngần ngại chia sẻ quan điểm riêng”, Bảo Châu bộc bạch. Khoảnh khắc khiến cô bất ngờ gần đây đến từ con điểm tối đa trong bài luận cuối kỳ. Dù áp lực và lo lắng bởi đề tài rộng, phức tạp nhưng cô vẫn thành công đưa ra những nghiên cứu về ngoại giao cây tre Việt Nam với tinh thần và ý nghĩa trọn vẹn, đa chiều nhất. Bên cạnh đó, cô cũng dành nhiều sự quan tâm đối với chính trị, văn hóa của các quốc gia, mối quan hệ giữa các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) với nhau và với các cường quốc như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga… Có thể nói, học tập tại Hungary đã giúp Bảo Châu có điều kiện để tìm hiểu sâu và chi tiết hơn về những vấn đề trên.
Bảo Châu (ngoài cùng bên trái) tại Đại sứ quán Việt Nam ở Hungary.
Ngoài ra, tham gia các hoạt động của Hội Sinh viên Ngoại giao Quốc tế giúp Bảo Châu đặt chân đến đại sứ quán nhiều nước như Estonia, Ukraine đặt tại Budapest – Hungary. “Đó là cách để mình gặp gỡ các đại sứ, lắng nghe hành trình làm công tác ngoại giao và nhìn nhận của họ về chính trị quốc tế. Những lần như vậy thực sự có giá trị với mình, không chỉ để giao lưu mà còn trao đổi kiến thức, kỹ năng với các đoàn sinh viên khác”, cô kể. Không chỉ được tiếp cận với môi trường giáo dục năng động, cô còn có cơ hội khám phá gần 30 quốc gia ở châu Âu với bề dày lịch sử lâu đời, thiên nhiên hùng vĩ và bản sắc văn hóa phong phú. Với cô gái trẻ này, mỗi đất nước có những nét cuốn hút riêng mà trong đó, Hungary, đặc biệt là Budapest - nơi cô đang sống và học tập, vẫn để lại dấu ấn khó phai bởi dòng sông Danube trữ tình, kiến trúc cổ kính và bầu không khí lãng mạn.
Những vùng trời mới ở châu Âu mà Bảo Châu có cơ hội được ngắm nhìn trong khoảng thời gian du học.
Những ngày tháng mới thêm phần rực rỡ hơn với vô vàn hoạt động và sự kiện như ngày hội văn hóa, workshop các ngành học, tư vấn công việc từ các doanh nghiệp… Bảo Châu không còn cô đơn khi luôn có sự giúp đỡ tận tình của anh chị trong Hội Sinh viên với nhiều hoạt động như team building, tham quan thành phố, trại hè, tư vấn và cung cấp những thông tin cần thiết từ học bổng, sinh hoạt phí đến cuộc sống để cô nhanh chóng thích nghi với chặng đường mới.
Hội Sinh viên Ngoại giao Quốc tế (IDSA).
Ở một thành phố mà mọi thứ diễn ra chậm rãi, Bảo Châu phải mất một khoảng thời gian để làm quen. Đến hiện tại, cô đã dần quen và trở nên yêu thích cuộc sống mới. “Mình cảm thấy may mắn vì đến hiện tại không có trở ngại nào quá lớn khiến mình gục ngã. Hạnh phúc hơn nữa khi xung quanh có anh chị đồng hương hỗ trợ, dẫn lối nên từ khi qua Hungary, mình không gặp quá nhiều khó khăn”, cô nhớ lại. Dành cho những bạn trẻ có dự định du học, Bảo Châu dành lời khuyên: “Các bạn cần suy nghĩ kỹ bản thân có thực sự muốn đi và dám vượt qua những chông gai phía trước không. Đồng thời, rèn luyện tính tự lập và luôn giữ tinh thần trách nhiệm với bản thân, với mọi người và với việc học. Điều tiên quyết chính là phải biết nắm bắt cơ hội, tự tin vào chính mình để đứng vững và bản lĩnh bước tiếp trên hành trình dài nơi đất khách”.
(Ảnh: NVCC)
Văn Lịch