Hướng đến công bằng trong tuyển sinh

Hướng đến công bằng trong tuyển sinh
6 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa INT.
Đây là xu hướng tích cực, không chỉ mở thêm nhiều cơ hội cho thí sinh mà còn động viên phong trào học tiếng Anh ở bậc phổ thông, góp phần nâng cao trình độ ngoại ngữ của người Việt.
Tuy vậy, trước xu hướng xét tuyển chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, câu chuyện bất bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục được đặt ra, bởi số đông học sinh vùng nông thôn, sâu, xa không có điều kiện học và thi các chứng chỉ này.
Mùa tuyển sinh 2025, dù có chứng chỉ quốc tế, thí sinh không được tuyển thẳng như trước, nhưng với quy định xét tuyển quy đổi theo thang điểm 10 hoặc cộng điểm ưu tiên với mức điểm cộng tối đa 3 điểm trong thang đo 30, những em sở hữu chứng chỉ quốc tế sẽ rất có lợi.
Đặc biệt, khi đề thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh năm nay được đánh giá khó, thí sinh IELTS 7.0 nếu làm có thể chỉ được khoảng 7 - 8 điểm, mà mức IELTS 6.5 được nhiều trường quy đổi thành 10 điểm, thì vấn đề bất bình đẳng trong xét tuyển càng “nóng” hơn.
Tìm giải pháp để vừa giữ được hiệu ứng tích cực của việc xét tuyển chứng chỉ tiếng Anh, vừa động viên học sinh yếu thế đầu tư, học tốt hơn môn học này đã và đang được bàn thảo ở nhiều diễn đàn. Trong bối cảnh này, đẩy mạnh sự phủ sóng của chứng chỉ tiếng Anh nội địa - VSTEP được nhiều người đề cập đến.
Từ năm 2024, VSTEP đã được Bộ GD&ĐT cho phép sử dụng để xét tốt nghiệp THPT. Số lượng trường đại học được cấp phép tổ chức thi cấp chứng chỉ VSTEP tăng mạnh, từ hơn 20 (năm 2024) lên 38 cơ sở (tính đến tháng 4/2025).
Một số cơ sở giáo dục đại học lớn như Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm TPHCM, Học viện Báo chí và Tuyên truyền… đã sử dụng VSTEP để xét tuyển đầu vào và đánh giá mức độ tin cậy của chứng chỉ này rất cao.
Bên cạnh đó VSTEP có nhiều ưu điểm phù hợp với số đông học sinh như: Được thiết kế dành riêng cho người Việt, nội dung đề thi bám sát chương trình phổ thông, chi phí thi chỉ từ 1,2 - 1,8 triệu đồng, thấp hơn đáng kể so với các chứng chỉ quốc tế.
VSTEP có nhiều lợi thế phù hợp với cả học sinh vùng khó khăn, thế nhưng hiện nay số trường đại học xét tuyển chứng chỉ này còn hạn chế so với xét chứng chỉ quốc tế. Nhiều thí sinh vẫn chọn thi IELTS, TOEFL… thay vì VSTEP. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó đáng chú ý nhất là VSTEP chưa hoàn thiện về hệ thống tài liệu học thuật.
Nhiều thí sinh và giáo viên cho biết với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác, không khó để người học tìm được tài liệu luyện tập sát với đề thi, trong khi đó, từ khi kỳ thi VSTEP ra đời đến nay chưa có bộ sách chính thống nào về chứng chỉ này. Phần lớn tài liệu hiện nay do các trung tâm luyện thi biên soạn.
Điều này khiến quá trình tự ôn luyện của người học gặp nhiều khó khăn, nên VSTEP bớt đi tính cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó công tác truyền thông, nâng cao nhận thức để học sinh chọn chứng chỉ phù hợp với mục tiêu cũng như điều kiện kinh tế cũng chưa được đầu tư bài bản.
Đầu tư sớm vào một số chứng chỉ tiếng Anh không chỉ giúp thí sinh rộng cơ hội vào đại học mà còn là phần hành trang thiết yếu để hội nhập toàn cầu. Để học sinh vùng khó có cơ hội bình đẳng như vùng có điều kiện, việc tăng sức hút và nhân rộng kỳ thi VSTEP là giải pháp ý nghĩa.
Bên cạnh đó, việc thống nhất một khung tiêu chuẩn trong cộng điểm, quy đổi chứng chỉ tiếng Anh trong xét tuyển đại học cũng là việc làm cần thiết, để vừa bảo đảm công bằng trong giáo dục, vừa góp phần tăng năng lực ngoại ngữ cho người Việt.
Mai Nguyên
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/huong-den-cong-bang-trong-tuyen-sinh-post738345.html