Chính phủ Ấn Độ công nhận ngôn ngữ cổ điển Pali có ý nghĩa văn hóa và tôn giáo

Chính phủ Ấn Độ công nhận ngôn ngữ cổ điển Pali có ý nghĩa văn hóa và tôn giáo
5 giờ trướcBài gốc
Việt dịch: Thích Vân Phong
Tác giả: Justin Whitaker
Nguồn: Buddhistdoor Global
Quyết định mang tính bước ngoặt, Thủ tướng chính phủ Ấn Độ Narendra Modi đã chính thức công nhận tiếng Pali là ngôn ngữ cổ điển của quốc gia. Thông báo ngày 3 tháng 10 vừa qua, bao gồm cả các loại ngôn ngữ Assam, tiếng Bengal, tiếng Marathi và tiếng Prakrit, đã được các vị học giả, sử gia và cộng đồng Phật giáo hoan nghênh vì sự công nhận tác động của tiếng Pali đối với di sản văn hóa, tôn giáo của Ấn Độ và hơn thế nữa.
Cổ ngữ Pali, thường được coi là ngôn ngữ của giáo lý đức Phật (buddhavacana), đóng vai trò trung tâm trong việc bảo tồn và truyền bá giáo lý đạo đức, triết học và tâm linh của đức Phật. Không giống như tiếng Phạn (Sanskrit), chủ yếu được các học giả Bà la môn sử dụng, cổ ngữ Pali đóng vai trò là phương tiện dễ tiếp cận hơn để truyền đạt giáo lý quý báu của đức Phật đến công chúng. Kết quả tiếng Pali đã trở thành ngôn ngữ của Tam tạng Thánh điển Phật giáo (Tipitaka) thời sơ khai, và ngày nay Phật giáo Nguyên thủy vẫn được sử dụng.
Phật giáo Nguyên thủy, trường phái Phật giáo lâu đời và có ảnh hưởng nhất định, vẫn tiếp tục sử dụng cổ ngữ Pali làm ngôn ngữ trong các khóa tụng, nghi lễ thường nhật tại các tự viện. Tipitaka (trong tiếng Pāli), có nghĩa là “ba kho chứa”, bao gồm những lời dạy của đức Phật về đạo đức, tâm lý học và bản chất của thực tại. Những văn bản tam tạng thánh giáo này được truyền khẩu trong nhiều thế kỷ trước khi được kết tập ghi chép bằng cổ ngữ Pali ở Sri Lanka vào thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch. Ngày nay, tiếng Pali vẫn là ngôn ngữ thiêng liêng đối với các cộng đồng Phật giáo Nguyên thủy ở các quốc gia Campuchia, Lào, Myanmar, Sri Lanka và Thái Lan.
Việc chính phủ Ấn Độ công nhận tiếng Pali là ngôn ngữ cổ điển làm nổi bật tầm quan trọng về mặt lịch sử và đưa nó ngang hàng với các ngôn ngữ Ấn Độ khác, chẳng hạn như tiếng Kannada, tiếng Phạn và tiếng Tamil, những ngôn ngữ đã định hình nên nền văn minh của Ấn Độ. Theo tiêu chí của Chính phủ Ấn Độ, một ngôn ngữ được coi là “cổ điển” nếu nó có nguồn gốc thời cổ đại, truyền thống văn học phong phú và có tác động đáng kể đến tôn giáo và cấu trúc xã hội trong khoảng thời gian ít nhất là 1.500 năm.
Bộ trưởng Bộ Các vấn đề Nghị viện và Dân tộc thiểu số Kiren Rijiju, đã bày tỏ lòng biết ơn về sự công nhận trên nền tảng truyền thông xã hội X (trước đây là Twitter). Ông lưu ý rằng quyết định này tôn vinh mối liên hệ chặt chẽ giữa cổ ngữ Pali và Phật giáo, khuyến khích thế hệ trẻ khám phá giáo lý quý báu của đức Phật.
Các thành viên của cộng đồng Phật giáo tại Mumbai đã diện kiến Thủ tướng Narendra Modi để trân trọng kính mừng quyết định tuyệt vời này và nhấn mạnh tầm quan trọng của cổ ngữ Pali trong việc truyền bá Phật pháp khắp Châu Á. Thủ tướng chính phủ Ấn Độ Narendra Modi công nhận sự đánh giá cao của đoàn thể Phật giáo thanh tịnh hòa hợp và bày tỏ sự tin tưởng rằng quyết định tuyệt vời này sẽ truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ trẻ hơn nữa nghiên cứu và tham gia vào cổ ngữ Pali.
Thủ tướng chính phủ Ấn Độ Narendra Modi đã đăng trên X, chia sẻ niềm vui của những phật tử mà ông gặp bằng những bức ảnh của ông và các vị tu sĩ Phật giáo. Ông chia sẻ rằng các nhà sư “nhớ lại mối liên hệ chặt chẽ giữa cổ ngữ Pali với Phật giáo và bày tỏ sự tin tưởng rằng nhiều thế hệ trẻ thanh thiếu niên sẽ học cổ ngữ Pali hơn trong thời gian tới.” (Mathru Bhumi)
Hơn hai mươi lăm thế kỷ, cổ ngữ Pali đã mở rộng ảnh hưởng vượt xa biên giới Ấn Độ. Trong thời kỳ trị vì của Hoàng đế Ashoka vào thế kỷ thứ ba trước Tây lịch, cổ ngữ Pali đã được sử dụng để truyền bá giáo lý quý báu của đức Phật trên khắp Châu Á, bao gồm Sri Lanka và Đông Nam Á. Con trai của Ashoka, Mahinda, đã đến Sri Lanka để giới thiệu giáo lý của đức Phật, và tiếng Pali đã trở thành ngôn ngữ chính của Phật giáo Sri Lanka, đảm bảo sự bảo tồn của nó trong hơn hai thiên niên kỷ. Ở Đông Nam Á, cổ ngữ Pali đã định hình các hoạt động tôn giáo, giáo dục đào tạo tăng tài, truyền thống thiền định, và tiếp tục là ngôn ngữ của các nghi lễ tôn giáo và học thuật Phật giáo ngày nay.
Trợ lý giáo sư tại Đại học Delhi, Chandan Kumar lưu ý rằng, việc chính phủ Ấn Độ quyết định công nhận cổ ngữ Pali sẽ giúp bảo tồn và khôi phục việc nghiên cứu ngôn ngữ cổ điển này. Theo các quan chức chính phủ Ấn Độ và các tổ chức văn hóa, việc chỉ định này dự kiến sẽ thu hút sự quan tâm cũng như tài trợ học thuật lớn hơn cho nghiên cứu về các văn bản, bản dịch, diễn giải cổ ngữ Pali.
Ngoài ra, động thái này được dự đoán sẽ thúc đẩy mối quan hệ văn hóa chặt chẽ hơn nữa giữa Ấn Độ và các quốc gia có đa số dân là phật tử như như Myanmar, Sri Lanka và Thái Lan, nơi cổ ngữ Pali vẫn giữ được ý nghĩa tôn giáo.
Ông Chandan Kumar viết: “Bằng cách công nhận tiếng Pali là ngôn ngữ cổ điển, Ấn Độ thừa nhận lịch sử ngôn ngữ và văn hóa phong phú của bản quốc. Cổ ngữ Pali là một phần không thể thiếu trong sự phát triển Phật giáo, một trong những đóng góp tinh thần lớn nhất của Ấn Độ cho thế giới. Sự công nhận này là nguồn tự hào cho những người theo đạo Phật ở Ấn Độ và trên toàn thế giới, củng cố vai trò của Ấn Độ như là nơi khai sinh ra một tôn giáo lớn trên thế giới.” (IANS Live)
Là ngôn ngữ của lời đức Phật, tiếng Pali đã có tác động lâu dài đến sự phát triển triết học, tôn giáo, ngôn ngữ của nhiều nước châu Á. Những người ủng hộ, bày tỏ hy vọng rằng việc chính phủ Ấn Độ công nhận sẽ đảm bảo rằng di sản văn học và văn hóa của cổ ngữ Pali được bảo tồn cho các thế hệ mai sau.
Việt dịch: Thích Vân Phong
Tác giả: Justin Whitaker
Nguồn: https://www.buddhistdoor.net/news/india-recognizes-pali-as-a-classical-language-highlighting-its-cultural-and-religious-significance/
Nguồn Tạp chí Phật học : https://tapchinghiencuuphathoc.vn/chinh-phu-an-do-cong-nhan-ngon-ngu-co-dien-pali-co-y-nghia-van-hoa-va-ton-giao.html