Theo quyết định của Chính phủ, việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại Phú Quốc, cụ thể là các mỏ cát biển, sẽ được áp dụng theo cơ chế tương tự quy định cấp phép khai thác khoáng sản nhóm IV dành cho các dự án đầu tư công khẩn cấp, theo Luật Địa chất và Khoáng sản.
Chủ trương này nhằm đảm bảo nguồn cung vật liệu phục vụ thi công các hạng mục quan trọng như hệ thống kè bảo vệ, san lấp mặt bằng và xây dựng Trung tâm Hội nghị quốc tế APEC cùng các công trình chức năng liên quan.
UBND tỉnh Kiên Giang được giao trách nhiệm tổ chức rà soát, triển khai và quản lý các dự án đầu tư công khẩn cấp theo đúng quy định pháp luật về đầu tư công cũng như các quy định pháp luật liên quan.
Đồng thời, địa phương cũng chịu trách nhiệm tổ chức lựa chọn nhà đầu tư trong các trường hợp đặc biệt, theo quy định của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và các văn bản pháp luật hiện hành.
Trước đó, UBND tỉnh Kiên Giang đã đề xuất Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặc thù nhằm khai thác các mỏ khoáng sản phục vụ thi công hạ tầng đón APEC 2027. Theo tính toán, nhu cầu vật liệu xây dựng bao gồm: khoảng 10 triệu m³ cát biển, 3,2 triệu m³ đá xây dựng và 1,4 triệu m³ đất san lấp.
Để đáp ứng nhu cầu này, tỉnh dự kiến đưa vào quy hoạch bổ sung hai mỏ cát biển với tổng diện tích 426 ha tại khu vực đông bắc và đông nam Mũi Ông Đội, với trữ lượng ước tính khoảng 16 triệu m³. Nguồn đá xây dựng sẽ được vận chuyển từ đất liền, ưu tiên khai thác từ hai mỏ Trà Đuốc Lớn và Hòn Sóc.
Đối với đất san lấp, tỉnh có kế hoạch tận dụng vật liệu dư từ việc đào hồ chứa nước Cửa Cạn (khoảng 6 triệu m³) và hồ Dương Đông (khoảng 2 triệu m³).
Việc triển khai kịp thời các dự án hạ tầng, bảo đảm chất lượng và tiến độ là điều kiện tiên quyết để Phú Quốc sẵn sàng đón tiếp các đoàn đại biểu quốc tế và tổ chức thành công APEC 2027, một sự kiện đối ngoại tầm vóc khu vực và toàn cầu.
TH