CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HHV) được thành lập vào 1974, có xuất phát điểm là Xưởng Thống Nhất – trực thuộc Ban Xây Dựng 67, được CTCP Tập đoàn Đèo Cả mua lại vào năm 2019, đổi tên thành CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả. Hiện tại, HHV hoạt động trên một số lĩnh vực chính là kinh doanh chính là thu phí trạm BOT và đầu tư xây dựng công trình đường bộ.
Một số dự án lớn mà HHV đã thực hiện trong giai đoạn 2012 đến nay có thể kể tới như dự án Xây dựng hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã và đường dẫn, hầm Cù Mông, hầm Hải Vân; dự án Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn; Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo… Về mảng BOT, tới 2024, ước tính HHV đang có 7 trạm thu phí BOT được đảm nhận bởi các công ty con và công ty liên kết với thời gian thu phí trung bình kéo dài từ 18 – 30 năm tùy theo phương án tài chính của từng dự án.
Hưởng lợi nhờ đầu tư công và môi trường lãi suất ổn định
Trong bối cảnh Chính phủ thúc đẩy giải ngân đầu tư công như một trong những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế trước tình hình thế giới nhiều biến động, các chuyên gia đánh giá HHV là một trong số những doanh nghiệp được hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công và chịu ảnh hưởng hạn chế từ thuế đối ứng của Mỹ.
Cụ thể, HHV là nhà thầu có nhiều gói thầu trong dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 và Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, hai trong số ba dự án đầu tư công trọng điểm được Chính phủ đặc biệt tập trung đẩy nhanh tiến độ trong năm nay bên cạnh dự án Sân bay Long Thành.
Chứng khoán Vietcombank nhận định các dự án cao tốc do Đèo Cả là chủ đầu tư PPP hoặc tổng thầu thi công (cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, Đồng Đăng – Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng,…) sẽ tiếp tục đóng góp nguồn việc quan trọng cho HHV trong thời gian tới mà không cần chịu nhiều áp lực về cạnh tranh đấu thầu.
Bên cạnh làn sóng đầu tư công, môi trường lãi suất duy trì ở mức thấp và ổn định là một yếu tố thuận lợi khác cho triển vọng kinh doanh của HHV năm nay, giúp giảm bớt áp lực lãi vay.
Tính đến hết năm 2024, HHV có gần 19.000 tỷ đồng dư nợ vay cả ngắn và dài hạn, chiếm khoảng 49% tổng nguồn vốn do đặc thù hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng và đầu tư BOT là cần vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài.
Cùng với dư nợ vay lớn, chi phí lãi vay phải trả tại HHV cũng duy trì ở mức cao và có xu hướng liên tục tăng trong 5 năm gần nhất. Cụ thể, tính đến cuối năm 2024, chi phí lãi vay phải trả (bao gồm dài hạn và ngắn hạn) đạt gần 5,4 nghìn tỷ, tăng gần 22% so với cùng kỳ và cao hơn so với hầu hết các doanh nghiệp cùng ngành.
Theo thuyết minh của HHV, chiếm đa số trong khoản chi phí lãi vay phải trả này là các khoản lãi vay phát sinh tại các công ty con liên quan đến các dự án BOT (hầm Đèo Cả – Cổ Mã – Cù mông – Hải Vân và dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn). Việc chi trả lãi vay sẽ được thực hiện bằng nguồn thu phí và tiến độ chi trả theo dòng tiền thực tế của dự án.
Trong bối cảnh môi trường kinh doanh dự báo nhiều thuận lợi, tại tài liệu ĐHĐCĐ 2025 vừa công bố, HHV đặt mục tiêu doanh thu năm nay đạt 3.585 tỷ đồng, tăng 8% so với năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế kỳ vọng đạt hơn 555,6 tỷ đồng, tăng 12%.
Ảnh: PHS.
Với mảng xây dựng, công ty dự kiến doanh thu sẽ đạt 1.392 tỷ đồng (+21% svck). HHV có 3 dự án mới được khởi công kể từ đầu năm 2024 đến nay (bao gồm các dự án Đồng Đăng – Trà Lĩnh, Hữu Nghị – Chi Lăng, và TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành), và dự kiến sẽ tập trung vào các dự án đang triển khai trong năm 2025.
Trong đó, dự án Quảng Ngãi – Hoài Nhơn dự kiến sẽ đóng góp nhiều nhất, chiếm khoảng 55% doanh thu xây dựng của HHV năm 2025. Dự án đường cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, dự kiến sẽ tạo ra 210 tỷ đồng doanh thu vào năm 2025, chiếm 15% tổng doanh thu, dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2027. Trong khi đó, dự án TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành đang được xúc tiến giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ.
Về mảng BOT, với việc không có kế hoạch điều chỉnh phí cầu đường trong năm 2025, doanh thu mảng thu phí cầu đường của các dự án BOT mà HHV sở hữu dự kiến đạt mức tăng trưởng tự nhiên là khoảng 10% svck nhờ tăng trưởng lưu lượng, qua đó mang về khoảng 2.100 tỷ đồng.
Kết thúc quý I/2025, HHV ước tính doanh thu trong quý đạt khoảng 730 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ 2024. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt mức 160 tỷ đồng, tăng trưởng 44% so với quý I/2024 và là mức lãi ròng quý I cao nhất từ trước tới nay.
Vì saoSSI Research hạ giá mục tiêu HHV?
Kết thúc phiên giao dịch 16/4/2025, giá cổ phiếu HHV đang giao dịch quanh vùng 11.850 đồng/cp, tức nhích nhẹ so với mức giá 11.700 đồng/cp hồi đầu năm và phục hồi đáng kể (gần 19%) so với mức đáy quanh 10.000 đồng/cp ghi nhận hôm 9/4.
Diễn biến cổ phiếu HHV trong 12 tháng qua.
Trước đó, sau khi Tổng thống Mỹ D.Trump công bố kế hoạch áp thuế đối ứng 46% với 90% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào rạng sáng 3/4/2025, cổ phiếu nhóm ngành đầu tư công nói riêng và toàn thị trường nói chung đã trải qua nhiều phiên điều chỉnh mạnh. Tại ngày 9/4/2025, cổ phiếu HHV đã giảm hơn 12% so với đầu năm, mức giảm ít hơn so với một số doanh nghiệp cùng ngành như LCG (23%) hay C4G (26,6%).
Trong một báo cáo cập nhật hôm 11/4, SSI Research nhận định cổ phiếu HHV đã có những nhịp điều chỉnh chung với diễn biến thị trường trong khi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không bị ảnh hưởng quá mạnh bởi các thay đổi trong chính sách thuế của Mỹ.
“Với P/E dự phóng là 10x, so với mức trung bình hai năm là 13x, chúng tôi cho rằng mức giá hiện tại của cổ phiếu HHV mang lại cơ hội đầu tư hấp dẫn. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh Chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư công, từ đó sẽ tác động tích cực đáng kể cho các cổ phiếu liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng”, báo cáo của SSI Research đánh giá.
Về tiềm năng tăng giá của HHV, sử dụng phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền (DCF), SSI Research đưa ra giá mục tiêu trong 1 năm là 13.000 đồng/cổ phiếu, giảm 10% so với giá mục tiêu trước đó. Mức giá này cao hơn so với thị giá HHV hiện tại khoảng 9% nhưng vẫn kém mức đỉnh kỷ lục hồi tháng 12/2021 khoảng 39%.
Chứng khoán PHS thì đưa ra mức giá mục tiêu là 13.500 đồng/cp, cao hơn thị giá HHV hiện tại khoảng 13%.
Cổ đông cá nhân và tổ chức của HHV
Những mức giá dự phóng này nhìn chung thận trọng hơn đáng kể so với một số dự báo hồi đầu năm nay rằng cổ phiếu HHV có thể kết thúc năm 2025 ở vùng 15.000 - 16.000 đồng, thậm chí cao hơn nữa.
Một phần nguyên nhân xuất phát từ việc thị giá HHV thời gian qua đã phản ánh phần nào tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận nhờ trọng tâm đầu tư công của Chính phủ.
Cùng đó, HHV hiện đang có kế hoạch huy động tăng thêm vốn điều lệ khoảng 1 nghìn tỷ đồng nhằm tài trợ cho dự án Đồng Đăng – Trà Lĩnh và Hữu Nghị – Chi Lăng trong 2025 – 2026 thông quan phương án phát hành thêm cổ phiếu. Các công ty chứng khoán lưu ý rủi ro pha loãng với cổ đông là hiện hữu với lịch sử thường xuyên phát hành cổ phiếu nhằm huy động vốn.
Trên thị trường, trong khoảng 1 năm gần đây, cổ phiếu HHV thường giao dịch trong vùng 12.000 - 13.000 đồng, với một số thời điểm rơi xuống vùng 11.000 đồng và cá biệt có một số phiên điều chỉnh giảm sâu lùi về vùng 10.000 đồng. Chốt phiên giao dịch 16/4, thị giá HHV hiện là 11.850 đồng/cp, tức lùi hơn 45% nếu so với đỉnh 22.000 đồng/cp hồi 2021.
Diên Vỹ