Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng báo cáo trước Quốc hội (Ảnh: Minh Nam)
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, ngày 20/1/2025, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã có Báo cáo số 3923-BC/BCSĐCP báo cáo Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Theo đó, đối với kịch bản tăng trưởng đạt 8% trở lên thì một trong các động lực tăng trưởng là tiêu dùng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (giá hiện hành) năm 2025 tăng khoảng 12% trở lên, một trong những điều kiện để thực hiện kịch bản tăng trưởng này là phục hồi nhanh tiêu dùng, du lịch, dịch vụ trong nước.
Ngày 19/2/2025, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 192/2025/QH15 về bổ sung Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Tại điểm a Điều 1 Nghị quyết, Quốc hội quyết nghị trong năm 2025 tập trung thúc đẩy tăng trưởng với mục tiêu đạt 8% trở lên gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030.
Ngày 8/3/2025, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 46/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2025. Tại Nghị quyết, Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất về việc giảm thuế GTGT, mở rộng đối tượng giảm thuế áp dụng trong 6 tháng cuối năm 2025.
Ngày 9/3/2025, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 22/CĐ-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tại Công điện, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương nghiên cứu, đề xuất về việc mở rộng đối tượng giảm thuế, giảm thuế GTGT áp dụng trong 6 tháng cuối năm 2025 và năm 2026.
Ngày 10/4/2025, Chính phủ có Nghị quyết số 77/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương. Tại Nghị quyết, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương trình cấp có thẩm quyền dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT áp dụng từ ngày 1/7/2025 đến ngày 31/12/2026.
Ông Thắng nhìn nhận, để góp phần tạo động lực thúc đẩy, phát triển cho nền kinh tế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, du lịch, tiêu dùng trong nước trong năm 2025 và năm 2026, cần tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT.
Về nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết, ông Thắng, Nghị quyết này điều chỉnh đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ: Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản phẩm kim loại, sản phẩm khai khoáng (trừ than), sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế TTĐB (trừ xăng) trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026.
Cụ thể, về nguyên tắc đề xuất giảm thuế, theo tư lệnh ngành Tài chính, thuế GTGT có các loại hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT và không chịu thuế GTGT (có hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT, có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu áp dụng thuế suất 0%, có hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 5% và có hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 10%) thì chỉ giảm thuế đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 10%.
Trong nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 10% thì giảm thuế suất thuế GTGT 2% đối với hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho sản xuất kinh doanh, du lịch, tiêu dùng nhằm hỗ trợ tăng sức mua, kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa.
Ông Thắng cũng đề xuất giảm thuế suất thuế GTGT 2% như: Giữ nguyên các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng được giảm thuế GTGT 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15. Bên cạnh đó, mở rộng đối tượng được giảm thuế suất thuế GTGT 2% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 nay đáp ứng nguyên tắc nêu trên gồm: Đối với sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin (như máy giặt, lò vi sóng, dịch vụ xử lý dữ liệu, cho thuê và các hoạt động liên quan, cổng thông tin), sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (như thùng, bể chứa và dụng cụ chứa đựng bằng kim loại, nồi hơi). Đây là những hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho mục đích tiêu dùng trực tiếp của người dân.
Cùng với đó là than cốc, dầu mỏ tinh chế (như than cốc, nhiên liệu dầu và xăng, dầu mỡ bôi trơn), sản phẩm hóa chất (như phân bón và hợp chất ni tơ, plastic và cao su tổng hợp dạng nguyên sinh), than ở khâu nhập khẩu và than bán ra ở khâu kinh doanh thương mại (than khai thác trong nước đã được giảm theo Nghị quyết số 43/2022/QH15). Ông Thắng lý giải: "Đây là những hàng hóa dùng trong quá trình sản xuất nguyên liệu đầu vào để phục vụ mục đích sản xuất các hàng hóa tiêu dùng trực tiếp cho người dân".
Nghị quyết gồm 2 Điều. Trong đó, Điều 1 điều chỉnh giảm thuế suất thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế suất 10%.
Theo Bộ Tài chính, việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026.
Đối với người dân: Đây là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này, việc giảm 2% mức thuế GTGT sẽ góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân.
Đối với doanh nghiệp: Việc giảm 2% mức thuế GTGT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm thông qua doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ được giảm thuế GTGT dẫn đến giảm giá bán của hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng, từ đó giúp sản phẩm của doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ và mở rộng sản xuất kinh doanh, góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.
Thẩm tra vấn đề trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế - Tài chính nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế GTGT cho 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026 theo đề nghị của Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, gắn với duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức; kinh tế thế giới có nhiều biến động bất ổn không thể lường trước, việc tiếp tục ban hành chính sách này có thể xem là một biện pháp hướng vào tiêu dùng nội địa nhằm thúc đẩy tăng trưởng, góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% đã đề ra.
Trên cơ sở đa số ý kiến, ông Mãi nói, Ủy ban Kinh tế - Tài chính cơ bản thống nhất với đề xuất tiếp tục cho phép áp dụng chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT như kiến nghị của Chính phủ và đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến thẩm tra để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.
Việt Thắng