Nguy cơ chuyển từ nước ngọt sang thực phẩm đường phố
Thảo luận về mặt hàng nước giải khát có đường hàm lượng đường trên 5 gam/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, đại biểu Lê Thị Song An (Long An) bày tỏ băn khoăn khi chính sách chỉ áp dụng với nhóm sản phẩm đồ uống đóng chai, trong khi các loại đồ uống pha chế tại chỗ như trà sữa, cà phê sữa, nước mía, trà chanh,… những nước uống ở lề đường - vốn cũng chứa lượng đường đáng kể lại khó có khả năng kiểm soát và đánh thuế do không thể xác định chính xác hàm lượng đường.
“Điều này tạo ra sự chênh lệch về nghĩa vụ thuế giữa các nhóm sản phẩm có bản chất tương tự, gây bất bình đẳng trong thực thi chính sách. Nếu triển khai đồng loạt chính sách này có thể gây ra những bất lợi cho các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp thuần Việt”, bà An nhấn mạnh.
Đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa).
Từ đó, đại biểu đề nghị cần phải có sự đánh giá toàn diện tác động của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, bao gồm cả yếu tố y tế, kinh tế và công bằng xã hội, xem xét áp dụng lộ trình phù hợp để tạo thời gian cho doanh nghiệp và người dân thích nghi, đồng thời nghiên cứu cơ chế điều tiết theo hướng khuyến khích, cải tiến sản phẩm như sử dụng nguyên liệu có hàm lượng đường thấp hoặc áp dụng công nghệ giảm ngọt thay vì chỉ tập trung vào biện pháp đánh thuế.
Đồng tình với ý kiến đại biểu An, đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) đặt vấn đề, trên thực tế, nhiều thứ có thể có đường cao hơn nước giải khát thì tại sao chưa đưa vào đánh thuế, ví dụ như bánh kẹo, sữa có đường và nhiều đồ ngọt khác? Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần có cân nhắc đánh giá kỹ lưỡng hơn nữa những tác động ảnh hưởng từ việc áp thuế để có những biện pháp thực hiện hoặc lộ trình thực hiện phù hợp.
Cùng quan điểm ủng hộ việc bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) chỉ rõ, thói quen tiêu dùng hiện nay, đặc biệt trong giới trẻ, đang ở mức báo động. Việc tiêu thụ nước ngọt có đường hàm lượng cao, thức ăn nhanh, cùng với lối sống thiếu lành mạnh như ít vận động, sử dụng thiết bị điện tử liên tục và ngủ muộn… có thể chưa gây ra hệ lụy trước mắt, nhưng về lâu dài - 10 năm, 20 năm sau - sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của thế hệ trẻ. Đây là hồi chuông cảnh báo cần sự vào cuộc của Nhà nước để điều chỉnh hành vi tiêu dùng của người dân.
Tuy nhiên, đại biểu Yến Nhi cũng lưu ý rằng việc chỉ đánh thuế đối với nhóm sản phẩm đóng chai có thể dẫn đến sự dịch chuyển tiêu dùng sang các loại đồ uống đường phố, vốn không nằm trong diện bị đánh thuế do khó kiểm soát hàm lượng đường. Điều này không chỉ làm giảm hiệu quả thực thi chính sách mà còn tiềm ẩn nguy cơ về mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.
Cần áp dụng thống nhất hàm lượng đường trong sản phẩm
Phân tích kỹ hơn về tác động của thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) cho rằng, chính sách này có thể mang lại nguồn thu ngân sách mới và hỗ trợ định hướng tiêu dùng theo hướng có lợi cho sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, bà cũng cảnh báo, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt nếu thực hiện quá nhanh và mạnh sẽ tạo ra hiệu ứng ngược, làm giảm nguồn thu trong trung và dài hạn.
Cụ thể, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ đẩy giá bán sản phẩm lên cao, làm suy giảm sức mua của người tiêu dùng, từ đó ảnh hưởng đến doanh thu, đầu tư và thậm chí làm giảm nguồn thu ngân sách trong trung và dài hạn. Ngoài ra, điều này còn có thể khiến người tiêu dùng chuyển sang các loại đồ uống được sản xuất thủ công, không chính thức – vốn khó kiểm soát về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình).
Bên cạnh đó, đại biểu Dung dẫn kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách năm 2023 cho thấy học sinh khu vực thành thị có tỷ lệ béo phì cao hơn nhưng lại tiêu thụ nước ngọt thường xuyên thấp hơn học sinh khu vực nông thôn. Điều này, theo bà, cho thấy việc tiêu thụ đường và nguy cơ béo phì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như cơ địa và thói quen sinh hoạt, chưa đủ cơ sở khoa học để quy kết nước giải khát có đường là nguyên nhân chính gây thừa cân, béo phì.
“Việc chỉ áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt lên nhóm nước giải khát đóng gói sẵn có hàm lượng đường trên 5g/100ml có thể gây hiểu nhầm và dẫn đến hành vi tiêu dùng thay thế không mong muốn. Người tiêu dùng có thể chuyển sang các loại thực phẩm và đồ uống khác có hàm lượng đường tương đương hoặc cao hơn nhưng không thuộc diện chịu thuế. Ví dụ trà sữa, nước trái cây đường phố, cà phê pha sẵn là những nước này vốn khó kiểm soát cả về chất lượng và hàm lượng đường”, đại biểu Dung nói.
Để đảm bảo tính minh bạch, công bằng và hiệu quả của chính sách thuế đại biểu đề xuất cần xây dựng và áp dụng thống nhất phương pháp xác định lượng đường trong sản phẩm, bao gồm tiêu chuẩn kiểm nghiệm, phương thức ghi nhãn và công bố thông tin sản phẩm. Bên cạnh đó, cần bổ sung, điều chỉnh một số quy định của pháp luật liên quan đến ban hành quy chuẩn đường, đặc biệt là các chất HCFC cần được xác định là đường nếu được sử dụng trong nước giải khát.
Trong bối cảnh hiện tại, bà Dung kiến nghị lùi thời điểm áp dụng quy định thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có hàm lượng đường từ 5g/100ml sang năm 2028. Việc này nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh công thức sản phẩm, đầu tư công nghệ mới và phát triển các lựa chọn thay thế lành mạnh. Thay vì áp dụng ngay mức thuế 8% như trong dự thảo luật, đại biểu đề xuất áp dụng lộ trình tăng dần theo từng giai đoạn – ví dụ khởi điểm từ 3% – 7%, rồi mới tăng lên 10%. Đồng thời, có thể phân mức thuế theo hàm lượng đường nhằm khuyến khích doanh nghiệp đổi mới theo hướng giảm đường, góp phần định hướng tiêu dùng lành mạnh.
Theo đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa), việc áp thuế đối với mặt hàng mới cần phải có lộ trình chuẩn bị dài hơi, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và gánh nặng về thuế, phí. Đặc biệt, khi Mỹ đang có động thái áp dụng thuế đối ứng lên tới 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.
Đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung lộ trình áp dụng thuế suất đối với nước giải khát có đường theo 2 phương án. Phương án 1, lộ trình áp thuế sau khi luật có hiệu lực 1 năm, từ ngày 1/1/2027 đến 31/12/2027 mức thuế suất 5%, từ ngày 1/1/2028 đến 31/12/2028 mức thuế suất 8%, từ ngày 1/1/2029 mức thuế suất 10%. Phương án 2, lộ trình áp thuế sau khi luật có hiệu lực 2 năm, từ ngày 1/1/2028 đến 31/12/2028 mức thuế suất 8%, từ ngày 1/1/2029 mức thuế suất 10%.
“Việc quy định lộ trình và thuế suất như vậy sẽ đảm bảo quá trình triển khai, không có tác động quá lớn đến người tiêu dùng, doanh nghiệp và nền kinh tế. Đồng thời, các doanh nghiệp có thời gian thay đổi chiến lược sản phẩm, hướng sang các sản phẩm tốt cho sức khỏe của người tiêu dùng và vẫn đảm bảo mục tiêu kinh doanh và tăng trưởng của nền kinh tế”, đại biểu Cầm Thị Mẫn khẳng định.
Hà Giang